"Cơn bĩ cực" của cảnh sát Pháp

Thứ Sáu, 28/10/2016, 18:00
Khoảng 1.250 cảnh sát và hiến binh đã được điều động để bảo vệ chiến dịch giải tán trại Calais ở tỉnh Pas-de-Calais (từ 24 đến 30-10) bởi Chính phủ Pháp coi đây là vấn đề quan trọng.


Số cảnh sát kể trên có nhiệm vụ bảo vệ và hỗ trợ cơ quan chức năng đưa 6.486 người di cư đến 287 trung tâm tiếp nhận trên khắp nước Pháp.

Sau khi người di cư đến các trung tâm tiếp nhận, họ sẽ được làm hồ sơ nhập cư và nếu đủ tiêu chuẩn, họ sẽ được hưởng các quyền và nghĩa vụ phù hợp; còn nếu không đủ điều kiện, họ phải rời trung tâm tiếp nhận và lãnh thổ Pháp trong khoảng 1 tháng. Trẻ em không đi chung với gia đình sẽ được đối xử đặc biệt - có thể sang Anh hoặc được chuyển đến các trung tâm tiếp nhận ở Pháp.

Hơn 1.200 cảnh sát giám sát việc di dời người di cư.

Tổ chức nhân đạo Terre d'Asile thông báo, có gần 1.300 trẻ vị thành niên không có người giám sát sống ở Calais. Giới truyền thông cho rằng, khu lán trại nhếch nhác và bẩn thỉu ở Calais được coi là biểu tượng cho sự thất bại của Liên minh Châu Âu (EU) trong giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư.

Tờ Le Figaro dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve khẳng định, mục tiêu của chiến dịch giải tỏa là tìm kiếm chỗ cư trú cho những người đủ tiêu chuẩn nhập cư vào Pháp. Và nếu sống trong tình trạng tạm bợ ở Calais, họ có thể rơi vào tay bọn buôn người.

Theo ông Bernard Cazeneuve, những người tị nạn tạm trú tại đây sẽ được chuyển đến những nơi có điều kiện tốt hơn, trong đó ưu tiên phụ nữ, trẻ em và những người dễ bị tổn thương. Ông Bernard Cazeneuve cho biết, Pháp sẽ chi 25 euro/ngày/người di cư ở trung tâm tiếp nhận.

Việc huy động khoảng 1.250 cảnh sát và hiến binh diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình của cảnh sát Pháp vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Và tính đến ngày 22-10, biểu tình của cảnh sát Pháp đã bước sang ngày thứ 6 để phản đối việc thiếu hụt trang thiết bị, cũng như chống lại bạo lực nhằm vào lực lượng này.

Có tin nói rằng, tối 20-10 đã có khoảng 3.000 cảnh sát biểu tình ở 25 thành phố, để yêu cầu Chính phủ nhanh chóng có biện pháp bảo vệ lực lượng thực thi pháp luật.

Cuộc biểu tình hy hữu của cảnh sát Pháp diễn ra đồng thời tại Paris và nhiều thành phố như Strasbourg, Nancy, Bordeaux, Toulouse, Lyon, nơi lực lượng này muốn có biện pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn cho họ trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Chính phủ và dư luận Pháp thực sự bị sốc trước động thái kể trên của cảnh sát. "Điều kiện làm việc giảm sút trầm trọng và chúng tôi đã kiệt sức.

Trong một năm qua, nhất là sau vụ tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo, chúng tôi đã bị vắt kiệt sức lực. Chúng tôi không đủ người để thực thi nhiệm vụ", một cảnh sát giấu tên cho biết. "Nếu chúng tôi trở thành nạn nhân của bọn tội phạm, ai sẽ bảo vệ người dân. Và đã chán ngấy với việc phải làm việc trong sợ hãi", một cảnh sát khác chia sẻ.

Vì điều lệnh không cho phép biểu tình trong giờ làm việc, hoặc sử dụng các trang bị đặc chủng như xe tuần tra hay đồng phục cảnh sát, nên những cảnh sát tham gia biểu tình đã mặc quần áo dân sự, có người bịt mặt và đeo băng đỏ trên tay, hoặc giơ tấm biển có dòng chữ "Cảnh sát nổi giận".

Ông Jean-Marc Falcone, người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia đã kêu gọi nhân viên tôn trọng điều lệnh, và dọa điều tra người đã tổ chức và xúi giục cảnh sát biểu tình, vì coi những cuộc biểu tình vừa qua là "không thể chấp nhận".

Về phần mình, Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon đã quyết định tăng thêm 50 cảnh sát để kiểm soát an ninh tại tỉnh Tây Flander giáp biên giới với Pháp, sau khi Paris tiến hành dỡ bỏ lán trại tại Calais.

Và từ ngày 24-10, có khoảng 120 cảnh sát chuyên phụ trách việc lấy dấu vân tay của tất cả người di cư bị chặn giữ tại biên giới với Pháp và họ sẽ bị trả về nước ngay lập tức.

Cùng ngày 24-10, Bộ Nội vụ Anh đã hoan nghênh quyết định của Chính phủ Pháp giải tán trại tạm cư của người tị nạn tại thành phố Calais. Vì coi việc này sẽ giúp đảm bảo thỏa thuận về biên giới giữa Anh và Pháp.

Ngày 24-10, giới chức Pháp bắt đầu sơ tán người tị nạn khỏi khu trại Calais.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd, việc giải tán trại Calais sẽ góp phần giải quyết tình trạng những đối tượng buôn người tìm cách trục lợi bằng việc đưa người tị nạn từ Calais sang Anh. Bà Amber Rudd còn cho biết, Chính phủ Anh sẽ hỗ trợ Chính phủ Pháp trong chiến dịch này và nỗ lực để đưa những đối tượng trẻ em ở Calais đoàn tụ với gia đình tại Anh.

Trước đó (19-9), Bộ Nội vụ Anh cho biết, sẽ chi 80 triệu bảng Anh, tăng gấp 10 lần so với trước đây, cho công tác tuần tra, kiểm tra các phương tiện giao thông tại các cảng Calais, Dunkirk và đường hầm Eurotunnel tại Coquelles thuộc Pháp.

Bởi đây là các cửa ngõ biên giới giữa Anh và Pháp mà hai nước đang phối hợp với nhau để kịp thời phát hiện, ngăn chặn người nhập cư trái phép vào Anh.

Thiện Lân
.
.
.