Súng AK 47, vũ khí được "ưa chuộng" nhất của các tổ chức khủng bố
- Chuyện dùng súng của cảnh sát một số nước
- IS đứng đằng sau loạt vụ nổ và đấu súng ở Indonesia
- 14 tay súng tham gia tấn công ở Jakarta
Những trung tâm cung cấp AK toàn cầu
Trong những năm đầu sau sự kiện 11/9, đai tự tử, bom xe hơi và các thiết bị nổ tự chế là vũ khí phổ biến của các chiến binh thánh chiến vì "ưu điểm": dễ che giấu, mức độ tàn phá lớn và các cơ quan chức năng khó ngăn chặn. Tuy nhiên, trong năm 2015, từ thực tế những cuộc tấn công đã xảy ra ở Charlie Hebdo, Sousse, Garissa, Tunis, Copenhagen và Paris cho thấy, súng AK-47 đang là vũ khí "hot", được sử dụng phổ biến nhất.
Gần đây nhất, trong cuộc tấn công ngày 13/11/2015 ở thủ đô Paris, số người chết do kẻ đánh bom tự sát gây ra ít hơn so với số người chết do các tay súng sử dụng súng trường tự động. Việc các phần tử khủng bố sử dụng súng để hoạt động đã được biết đến trong nhiều năm qua nhưng phải sau sự việc xảy ra ở Paris, các quan chức châu Âu mới thực sự quan tâm tìm giải pháp giải quyết mối đe dọa đang hiện hữu này.
Một phần câu trả lời có thể được tìm thấy trong ngôi nhà nhỏ nằm trong khu vực Montenegro. Ngồi trong căn phòng trống, Zeljko Vucelic hít từng hơi thuốc dài. Đó là một căn phòng tuềnh toàng, rêu mọc trên tường, mùi ẩm mốc bốc lên từ sàn nhà. Tài sản đáng giá nhất là một chiếc TV cũ, bếp và tủ lạnh.
Zeljko Vucelic, em trai Vlatko Vucelic - một tay buôn bán vũ khí được cho là có liên quan đến vụ khủng bố ở Paris hồi tháng 11-2015. |
Cảnh sát đã không tìm thấy bằng chứng Vlatko có liên kết với tổ chức khủng bố nhưng tin rằng, ông là một mắt xích trong đường dây buôn bán vũ khí bất hợp pháp, giá trị ước tính khoảng 320 triệu USD/năm trên toàn thế giới. Các chuyên gia tin rằng, hành trình buôn lậu vũ khí của Vlatko như sau: từ Montenegro, qua Croatia, Slovenia, Áo đến khu vực biên giới ở miền Nam nước Đức gần Rosenheim, sau đó đến một bãi đậu xe ở Paris.
Cuộc nội chiến ở Libya được coi là "cái phễu khổng lồ" cho các loại vũ khí. Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc (UN) cho biết, vũ khí ở Lybia có nguồn gốc bất hợp pháp từ 14 quốc gia. Mặc dù chưa có bằng chứng vũ khí có nguồn gốc từ châu Âu nhưng hầu hết các chuyên gia tin rằng, việc chứng minh vấn đề này chỉ là thời gian.
Cũng như việc sản xuất súng AK mới với khoảng 1 triệu khẩu/năm, hàng chục triệu khẩu Kalashnikov ở khu vực Balkan, Liên Xô cũ và Bắc Phi vẫn có thể hoạt động hiệu quả dù được sản xuất từ những năm 1980. Chỉ tính riêng ở Albania, sau khi xảy ra tình trạng bất ổn vào năm 1997, khoảng 750.000 khẩu súng Kalashnikovs biến mất, được buôn bán trên thị trường chợ đen. Và tất nhiên, tội phạm và khủng bố sẽ tìm đến thị trường này để mua vũ khí.
Ở Serbia có khoảng 900.000 vũ khí bất hợp pháp, chủ yếu là súng AK. Tại Bosnia có khoảng 750.000 vũ khí bất hợp pháp. Phần lớn vũ khí này có nguồn gốc từ các cuộc chiến tranh ở Balkan cuối năm 1990. "Khi chiến tranh kết thúc, nhiều người đã mang vũ khí về. Ban đầu, họ giấu chúng nhưng sau đó bán trên thị trường chợ đen với giá thấp nhất là 100 euro", Aleksandar Radic, một chuyên gia vũ khí nói. Phần lớn vũ khí hạng nặng được sử dụng trong các vụ thảm sát Paris có nguồn gốc từ khu vực Balkan.
Milojko Brzkovic, Giám đốc nhà máy sản xuất vũ khí Zastava ở Serbia cho biết, số serial của tám súng trường mà Cảnh sát Pháp thu giữ do công ty ông sản xuất. Các súng trường M70 - phiên bản Nam Tư của AK-47 được phát hiện ở Pháp là một phần của lô hàng do công ty ông gửi cho các đơn vị quân sự ở Slovenia, Bosnia và Macedonia.
Buôn bán vũ khí kiểu "thương mại kiến"
"Nó thực sự là khó khăn để theo dõi "chu kỳ sống" của vũ khí", Ivan Zverzhanovski, một chuyên gia tham gia dự án của UN nhằm ngăn chặn sự thiếu kiểm soát vũ khí và buôn bán bất hợp pháp Kalashnikov, vũ khí nhỏ khác nói. "Chúng ta có thể biết vũ khí đã được sử dụng trong quân đội những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, nhưng không thể biết chúng ở đâu giữa những năm 80 của thế kỷ trước và năm 2015. Thực sự khó khăn để tìm hiểu xem vũ khí đã được vận chuyển đến châu Âu như thế nào", Ivan Zverzhanovski cho biết thêm.
Theo Zverzhanovski thì hình thức mới của đường dây buôn bán vũ khí hiện nay thường được gọi là "thương mại kiến" - buôn lậu vũ khí quy mô nhỏ vào châu Âu và các tuyến đường di chuyển phố biến cũng giống như buôn lậu ma túy. "Giả định có nhiều cơ sở là vũ khí được buôn lậu qua các tuyến đường mà tội phạm buôn bán ma túy khai thác. Rất nhiều vụ vận chuyển vũ khí qua đường bộ. Ít trường hợp buôn lậu quy mô lớn. Có khi chỉ hai ba hoặc năm súng lục tự động, súng trường tấn công được tháo rời giấu trong ôtô", Zverzhanovski nói.
Theo một báo cáo của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về ma túy và tội phạm, buôn bán súng không sinh lợi như buôn bán ma túy nhưng vẫn có thể mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ. Kalashnikov có thể được mua tại khu vực Balkan với giá từ 300 - 500 euro và được bán ở châu Âu lên đến 4.500 euro. Một điểm "hấp dẫn" nữa của việc buôn bán súng AK là khó bị phát hiện. Thực tế cho thấy, biện pháp trừng phạt với tội phạm buôn lậu súng ở châu Âu nhẹ hơn so với hình phạt với tội phạm buôn bán ma túy.
"Ưu điểm của AK-47 là rất dễ sử dụng. Đó là lý do tại sao bạn có thể nhìn thấy những cậu bé 12 tuổi có thể cầm súng, thao tác nhanh gọn. AK-47 có thể hoạt động trong tất cả các loại môi trường: sa mạc nóng và cát hoặc ở Siberia, có thể lưu trữ ở bất cứ nơi nào", Mark Mastaglio, một chuyên gia người Anh cho biết. Nils Duquet, một chuyên gia của Bỉ cũng đồng quan điểm cho biết, trong hai năm qua, những kẻ khủng bố sử dụng vũ khí nhiều hơn so với bom. "Một trong những lý do là vũ khí dễ dàng tìm mua trên thị trường bất hợp pháp. Vũ khí tự động có khả năng sát thương lớn trong thời gian ngắn. Đó là những gì mà khủng bố muốn làm", ông Nils Duquet nói.
Châu Âu nỗ lực kiểm soát súng đạn
Sau vụ tấn công của các phần tử khủng bố vào tòa soạn Báo Charlie Hebdo ở Paris hồi đầu năm 2015, chính quyền Slovakia siết chặt quy định quản lý súng đạn, trong đó có việc cấm buôn bán vũ khí trực tuyến và ngừng cung cấp giấy phép đăng ký cho người sở hữu súng Kalashnikov.
Trong năm 2013, một báo cáo của EU cho hay, "cơ quan thực thi luật pháp EU lo ngại rằng, vũ khí đã ngừng hoạt động đang được kích hoạt bất hợp pháp và được bán với mục đích phạm tội. Các mặt hàng đang được chuyển đổi thành vũ khí gây chết người bất hợp pháp". Một khẩu súng được thu gom với mục đích "dán mác" ngừng hoạt động có thể được mua hợp pháp bởi nhà sưu tập và "tuồn" vào thị trường chợ đen trên khắp châu Âu.
Pháp đã tiến hành một số cuộc điều tra tập trung vào những đường dây buôn bán vũ khí ngừng hoạt động cho tội phạm và khủng bố. Trong năm 2013, Pháp bắt giữ 45 người tình nghi buôn lậu vũ khí từ Slovakia và Bulgaria trong cuộc điều tra khảo sát "dòng chảy giữa người thu gom vũ khí và mạng lưới tội phạm". Năm 2015, một số người cũng đã bị bắt giữ tại Pháp về hành vi tương tự.
Hiện nay, Pháp đã thắt chặt luật quản lý súng đạn. Theo đó, hành vi buôn bán súng bất hợp pháp có thể bị phạt tiền từ 100.000 euro đến phạt tù bảy năm. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh, Theresa May cho biết, nước này cũng tăng cường kiểm soát biên giới để ngăn chặn việc buôn bán súng. Cảnh sát Anh đã thu giữ 22 khẩu Kalashnikov kiểu súng trường tấn công tự động, chín súng ngắn Skorpion, cùng nhiều đạn dược trong chiếc xe trên bến du thuyền ở Kent vào tháng 8-2015.
AK-47 (hay còn gọi là Kalashnikov) do Mikhail Kalashnikov thiết kế, được đưa vào hoạt động trong quân đội Liên Xô năm 1948. Hiện nay, có khoảng 200 mẫu thiết kế khác nhau dựa trên mô hình AK-47. Theo Michael Hodges, tác giả của cuốn sách mang tên: "AK47: Lịch sử một loại súng của nhân dân" cho biết, có khoảng 200 triệu khẩu súng AK-47 lưu hành trên thế giới, trung bình, cứ 35 người có một khẩu súng AK-47. AK-47 được sản xuất hợp pháp tại 30 quốc gia và Trung Quốc là quốc gia sản xuất nhiều nhất. Tuy nhiên, vũ khí hợp pháp nhanh chóng trở thành mặt hàng lậu được buôn bán ở nhiều nơi. Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu vũ khí đến các quốc gia châu Phi. Tại đây, vũ khí có thể xuất hiện trôi nổi trên thị trường do binh lính đem bán hoặc vũ khí rơi vào tay lực lượng nổi dậy. |