Sự thật về vụ cướp phá lăng mộ trong lịch sử Trung Quốc

Thứ Bảy, 04/07/2020, 11:26
Thời kỳ Dân Quốc đã xảy ra vụ án cướp bóc ở khu mộ Thanh Đông Lăng của nhà Thanh gây chấn động cả nước Trung Quốc. Nhân vật chính của vụ án là Tôn Điện Anh, từ nhỏ hắn ta đã là một tên cướp, năm 1922 khi 33 tuổi hắn tham gia quân đội và sau đó hắn lãnh đạo một cuộc binh biến ở tiền tuyến và tự mình chỉ huy một đội quân.


Tôn Điện Anh tin rằng "Có sữa là có mẹ" và ai có quyền lực thì theo người ấy, hắn đã từng làm bộ hạ của Phùng Ngọc Tường, Trương Tôn Xương. Năm 1928 khi Tưởng Giới Thạch phát động cuộc "Bắc phạt lần thứ 2" hắn mang quân đi theo Tưởng Giới Thạch và được làm chỉ huy Quân đoàn thứ 12. Tuy nhiên vì đội quân của Tôn Điện Anh là một đội quân tạp nham không được coi trọng nên hắn phải nghĩ cách để kiếm tiền và ánh mắt của hắn đã hướng đến Đông Lăng.

Đông Lăng ở vùng Tuân Hóa tỉnh Hà Bắc cách Bắc Kinh khoảng 250 km. Đông Lăng là khu lăng mộ của 5 vị Hoàng đế nhà Thanh là Hoàng đế Thuận Trị, Hoàng đế Khang Hy, Hoàng đế Càn Long, Hoàng đế Hàm Phong, Hoàng đế Đồng Trị cùng với 15 Thái hậu (bao gồm cả Từ Hy Thái hậu), 136 phi tử và 2 công chúa, trong những lăng mộ đó của cải, châu báu thì không thể tính được. 

Thi hài bà Từ Hy Thái hậu trong mộ.

Mùa hè năm 1928 đội quân của Tôn Điện Anh đóng ở huyện Bắc Kế tỉnh Hà Bắc chỉ cách Đông Lăng có một ngọn núi. Thời gian này, có một bọn cướp đang hoành hành ở Đông Lăng nên mượn cớ đánh đuổi bọn cướp, ngày mùng 7 tháng 6 Tôn Điện Anh đưa quân đội tiến vào Đông Lăng.

Để che mắt việc làm xấu xa của mình, Tôn Điện Anh tuyên bố mở cuộc luyện tập quân sự và trong phạm vi 30 km dân chúng không được tự do đi lại, hắn đưa tất cả dân cư khu vực xung quanh Đông Lăng đi chỗ khác, hắn còn cho người phao tin rằng xung quanh Đông Lăng đã được đặt mìn làm cho người ta sợ không dám đến gần.

Để cho việc trộm cướp lăng mộ hợp lý, Tôn Điện Anh có một bài huấn thị trước đội quân của hắn, trong bài nói này hắn bịa ra chuyện tổ tiên nhà hắn bị Hoàng đế Thuận Trị giết hại, tổ tiên đã báo mộng cho hắn phải trả mối thù này, nói xong hắn khóc lên rất to.      

Khi mọi sự chuẩn bị xong xuôi, Tôn Điện Anh chính thức hành động. Ngày mùng 4 tháng 7 năm 1928 Tôn Điện Anh chỉ huy quân lính bắt đầu đào bới lăng mộ của Từ Hy Thái hậu. Sau hai ngày đào bới nhưng không tìm được cửa vào lăng mộ, hắn nghĩ rằng cứ làm như thế này thì chỉ tốn công tốn sức mà không có kết quả. 

Hắn cho người đi tìm người dân địa phương cao tuổi để hỏi về vị trí cửa của lăng mộ nhưng họ đều không biết lối vào ở chỗ nào. Mới đầu hắn còn thuyết phục nhưng sau đó dùng biện pháp đánh đập, có người chịu không nổi nói là có một người thợ đá tham gia xây dựng lăng có thể biết được vị trí cửa đi vào lăng mộ.  

Cửa vào trong lăng mộ là một điều bí mật, năm 1908 Từ Hy Thái hậu băng hà, sau khi mai táng Từ Hy xong người ta chọn khoảng 80 người thợ làm công đoạn cuối cùng là lấp kín cửa vào lăng mộ và người thợ đá họ Khương được chọn làm công việc này. Những người làm công việc này đều biết rằng không thể sống mà trở về. 

Trong thời gian này người họ Khương nghe tin ở nhà vợ sinh con trai nhưng anh ta biết rằng mình không bao giờ được thấy mặt đứa con yêu quý. Do đau buồn khi làm việc tâm trí không được tập trung anh ta bị trượt chân ngã xuống một cái khe, những đồng nghiệp tưởng anh ta đã chết nên bỏ mặc anh ta, ban đêm anh ta tỉnh lại và đi về nhà vì thế anh ta mới không bị giết.

Binh lính của Tôn Điện Anh nhanh chóng tìm được nhà người thợ đá họ Khương, người họ Khương cũng không muốn tiết lộ vị trí cửa của lăng mộ nhưng do bị đe dọa nên đành làm theo ý của bọn cướp.     

Dưới sự chỉ dẫn của người thợ đá, cuối cùng Tôn Điện Anh đã tìm được cửa vào trong lăng mộ nhưng cửa bị lấp bằng đá rất chắc chắn không thể mở được và Tôn Điện Anh đã ra lệnh cho binh lính dùng thuốc nổ để phá cửa lăng mộ.

Khi cửa thứ nhất được mở, có một luồng hơi nóng phả ra làm quân lính rất hoảng loạn, sợ hãi đến nỗi một tên sĩ quan phải quỳ xuống khấn vái cầu xin được bình an.

Khi vào được cửa thứ 2, thấy bên trong có 8 cỗ quan tài và không biết cơ man là vàng bạc châu báu. Ở sau một bức bình phong bằng đá lại phát hiện một cánh cửa ngầm, sau cánh cửa là một hầm mộ vàng son lộng lẫy ở giữa có một cỗ quan tài sơn son thếp vàng rất đẹp, không nói cũng biết đây là quan tài của Từ Hy Thái hậu.

Khi quan tài được mở, có mùi hương phả ra thơm ngát, dưới ánh sáng của những ngọn nến vàng bạc, châu báu sáng lấp lánh. Từ Hy mặc áo hoàng bào đầu gối lên một viên ngọc hình quả dưa hấu, cái vương miện trên đầu đính một viên ngọc to bằng quả trứng gà, da dẻ bà hồng hào trông như đang nằm ngủ. Trong quan tài tất cả những chỗ trống đều được lấp đầy bằng vàng bạc và châu báu. 

Do tiếp xúc với không khí, không lâu sau da mặt của Từ Hy Thái hậu rất nhanh chuyển sang màu đen, đôi môi co lại lộ hai hàm răng trắng đục trông rất đáng sợ. Nhưng bọn binh lính như không để ý đến vấn đề này, chúng tranh nhau vơ vét của cải, châu báu. Ba viên sĩ quan vì tranh giành nhau châu báu đã bắn nhau chết ngay ở trong hầm mộ. Khi đã vơ vét hết của cải, bọn chúng còn lột cả quần áo mặc trên người Từ Hy, dùng dao cạy mồm bà để lấy viên ngọc minh châu và vứt xác bà ra bên ngoài.

Sau khi cướp hết mọi thứ trong mộ Từ Hy Thái hậu, Tôn Điện Anh lại tiếp tục mở hầm mộ của Hoàng đế Càn Long nhưng thi thể của vị Hoàng đế này đã bị tiêu hủy chỉ còn xương và tóc. Trong hầm mộ Hoàng đế Càn Long, bọn cướp cũng lấy được rất nhiều của cải châu báu. Tôn Điện Anh còn muốn tiếp tục cướp phá ngôi mộ của Hoàng đế Thuận Trị nhưng vì vị Hoàng đế này sinh thời sớm xuất gia ở trên Ngũ Đài Sơn nên hắn cho là lăng mộ của vị Hoàng đế này sẽ không có gì, phá ra thì mất công mất sức nên hắn không động đến.

Tôn Điện Anh chuyển sang cướp phá mộ của Hoàng đế Khang Hy nhưng khi vừa mới động vào thì bỗng có dòng nước màu vàng từ trong mộ chảy ra, nước chảy ngập sâu đến hơn 2 thước nên bọn cướp đành phải dừng lại.

Sau 7 ngày cướp phá các ngôi mộ, ngày 11 tháng 7 Tôn Điện Anh đắc thắng trở về, hắn đã phải dùng đến 30 chiếc xe để chở của cải cướp được.

Ngày mùng 4 tháng 8, cảnh sát Thanh Đảo bắt được 3 tên lính đào ngũ của Tôn Điện Anh thu được 36 viên đá quý, từ hai tên lính này việc làm xấu xa của Tôn Điện Anh đã bị tiết lộ. Ngày mùng 5 tháng 8, một tờ báo đưa tin về vụ cướp phá Đông Lăng của Tôn Điện Anh và đến ngày mùng 6 thì các báo trong toàn quốc tới tấp đưa tin vụ án này và sự việc cướp phá Đông Lăng của Tôn Điện Anh làm chấn động cả nước. 

Của cải châu báu trong mộ Từ Hy Thái Hậu.

Nhiều tổ chức, đoàn thể đã gọi điện cho chính phủ yêu cầu trừng phạt nghiêm khắc kẻ phạm tội. Chính quyền tỉnh Hà Bắc đã đưa quân đội đến bảo vệ Đông Lăng và cử một phái đoàn đến Đông Lăng điều tra. Ngày 14 tháng 8, thành phố Thiên Tân thu được 35 hòm chứa của cải báu vật cướp được ở Đông Lăng chuẩn bị mang ra nước ngoài nên dư luận càng thêm phẫn nộ. 

Là một tên cáo già, Tôn Điện Anh đã sớm có sự thu xếp cho việc này. Theo thuộc hạ của hắn kể lại, trong số báu vật lấy được trong lăng mộ có một thanh bảo kiếm, trên thanh bảo kiếm khắc 9 con rồng, Tôn Điện Anh mang thanh kiếm này và một hòm châu báu biếu cho Tưởng Giới Thạch. Viên ngọc lớn hình quả dưa hấu mà Từ Hy Thái hậu dùng để gối đầu hắn đem biếu Tống Tử Văn, tất cả những quan chức trọng yếu trong chỉnh phủ và quân đội đều được hắn "bịt miệng" bằng châu báu.

Đúng là chiêu thức của Tôn điện Anh rất có tác dụng. Lúc này, ngoài Tưởng Giới Thạch, lực lượng của Phùng Ngọc Tường, Diêm Tứ Sơn và Lý Tông Nhân đều rất mạnh, ai cũng muốn mở rộng thế lực của mình và kết quả đã sinh ra mâu thuẫn. Tôn Điện Anh đã cử người đi "thu xếp" với các lực lượng này và cả hai bên đều nhận được lợi ích của nhau nên không ai động đến việc của Tôn Điện Anh và cuối cùng không ai động đến vụ án này.

Sau khi biết tin Đông Lăng bị cướp phá, vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh là Phổ Nghi vừa phẫn nộ vừa đau buồn, vị Hoàng đế này đã lập một bàn thờ để tang tổ tiên ở trong nhà. Ngày 18 tháng 8, vị Hoàng đế Phổ Nghi cử người đến Đông Lăng để phục táng Hoàng đế Càn Long và Từ Hy Thái hậu cùng các phi tần nhưng vì xương cốt đã bị bọn cướp vứt lẫn lộn lung tung nên không thể phân biệt được là của ai nữa nên chỉ đành để tất cả xương cốt vào chung một chiếc quan tài rồi mai táng.

Năm 1947, Tôn Điện Anh bị Quân giải phóng bắt giữ và chết ở trong nhà giam trong năm đó. Đối với những của cải, châu báu hắn cướp được, một số được bán cho nước ngoài, một số dùng để hối lộ, còn phần lớn là không rõ tăm tích. Đầu những năm 1990 Bảo tàng Philadelphia của Mỹ đã trưng bày một số báu vật của Đông Lăng, trong đó có cả viên ngọc hình quả dưa hấu nhưng sau đó thì không thấy ở đâu nữa và cho đến bây giờ những báu vật ở Đông Lăng vẫn được ẩn giấu trong lịch sử sâu thẳm.

Nguyễn Đình Thiêm (Theo "Xinhuanet.com")

.
.
.