Sự suy yếu tạm thời của IS và nỗi lo lâu dài về cuộc chiến chống khủng bố

Thứ Tư, 06/11/2019, 19:00
Cái chết của thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi hồi cuối tháng 10 không đánh dấu sự kết thúc của IS, cũng như các nỗ lực quân sự của Mỹ và các quốc gia đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố trên thế giới và hơn thế nữa.


Bước ngoặt cho cuộc chiến chung

Theo tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thủ lĩnh IS đã bị lực lượng đặc nhiệm nước này tiêu diệt trong một cuộc tấn công ở khu vực Tây Bắc Syria hồi cuối tháng 10. Đây được coi là bước tiến đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống IS nói riêng và khủng bố nói chung. 

Để minh chứng cho những thông tin này, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã cho công bố những hình ảnh đầu tiên về cuộc đột kích tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi… 

Tờ The Guardian của Anh đã đánh giá cái kết này cũng tàn khốc như 6 năm cai trị không kém phần khủng khiếp của Abu Bakr al-Baghdadi tại các khu vực mà IS chiếm đóng ở Syria và Iraq… 

Vài ngày sau khi chiến dịch bão táp đó của lực lượng đặc nhiệm Mỹ, IS mới chính thức xác nhận thông tin về cái chết của thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi và người phát ngôn Abu al-Hassan al-Muhajir đồng thời thông báo đã lựa chọn một người mang tên Ibrahim al-Quraishi làm thủ lĩnh mới.

Hiện trường khu vực nơi thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt.

Abu Bakr al-Baghdadi là một trong những nhân vật bị truy nã gắt gao nhất thế giới. Trước đó, đã có hơn một chục tuyên bố về cái chết của thủ lĩnh này của IS nhưng lần này, sự xác nhận của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã mang lại mối yên tâm cho nhiều quốc gia. 

Giới quan sát nhận định, cái chết của Abu Bakr al-Baghdadi có thể làm suy yếu IS trong ngắn hạn bởi nhân vật này luôn mang tính biểu tượng cao đối với IS. Điều này có thể thấy rõ trong sự kiện hồi tháng 4 vừa qua. 

Lúc đó, ngay sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố IS tại Syria đã sụp đổ, Abu Bakr al-Baghdadi lập tức tái xuất trong một đoạn video lan truyền trên mạng, kêu gọi thực hiện "các hành động trả thù" cho những thất bại của IS ở Syria, sự việc được cho là nhằm phát đi thông điệp rằng IS vẫn tồn tại và đang chiến đấu.

Tin từ hãng AP cho hay, Abu Bakr al-Baghdadi được biết đến dưới nhiều cái tên như Caliph Ibrahim, Sheikh Baghdadi, Al-Shabah. Tên này đến từ thành phố Smarra, cách thủ đô Baghdad của Iraq 125km về phía Bắc và là người của bộ lạc al-Bu Badri. 

Cuộc xâm lược Iraq của Mỹ được cho là đã thúc đẩy Abu Bakr al-Baghdadi và các cộng sự tạo ra các nhóm vũ trang trung thành với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, để rồi từ đó tạo ra IS. Do đó, việc tên này bị tiêu diệt cũng có thể được coi là thành công lớn nhất của quân đội Mỹ kể từ chiến dịch tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden năm 2011. 

Diễn biến này càng có ý nghĩa đặc biệt với Mỹ và ông chủ Nhà Trắng trong bối cảnh Washington dường như "thất thế" ở Syria trước Nga và phải quyết định rút quân khỏi khu vực Đông Bắc quốc gia Trung Đông này. Bản thân Tổng thống Donald Trump cũng phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì thể hiện chính sách thiếu nhất quán đối với vẫn đề Syria và gây ra nhiều mối lo ngại về cuộc chiến chống IS. 

Hãng CNN bình luận: "Việc Mỹ rút quân khỏi Syria từng bị coi là dọn đường cho IS trỗi dậy. Nhưng giờ đây, với tuyên bố về cái chết của thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi, Tổng thống Donald Trump đang lấy lại được uy tín của mình và có thể đây sẽ là lợi thế cho đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử sắp tới".

Còn đó kỷ nguyên chống khủng bố

Tuy nhiên, trong khi Mỹ tung hô thành công của chiến dịch thì nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông lại tỏ ra thận trọng, đôi khi nghi ngờ về chủ ý của Washington. 

Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn SANA hôm 1-11 khẳng định không liên quan đến vụ đột kích nhằm vào thủ lĩnh IS và cho rằng còn nhiều nghi vấn về tuyên bố Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt. 

Cũng theo nhà lãnh đạo Syria, kể cả trong trường hợp Baghdadi bị tiêu diệt thì cuộc chiến chống IS cũng không thay đổi nhiều. Căn nguyên của vấn đề là tư tưởng Hồi giáo cực đoan đã tồn tại hơn 200 năm qua và nó sẽ không thể biến mất trong một sớm một chiều. 

"Baghdadi sẽ tái sinh dưới một cái tên khác, một hình hài khác, hoặc bản thân IS cũng có thể được sản sinh với một tên gọi khác nhưng lý tưởng và mục đích của chúng thì vẫn vậy thôi", ông Bashar al-Assad nói. Nga thì chưa công nhận vai trò của Mỹ trong chiến dịch này. 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov còn nói: "Abu Bakr al-Baghdadi là con tốt của Mỹ. IS tồn tại sau sự xâm lược trái phép của Mỹ vào Iraq, sự sụp đổ của nhà nước Iraq và sự phóng thích các tù binh mà họ từng giam giữ". Nhiều quốc gia khác cũng cho rằng, việc tiêu diệt thủ lĩnh IS chỉ là một bước và cuộc chiến nhằm quét sạch tổ chức khủng bố này vẫn còn tiếp diễn. 

Giới quan sát thì nhận định, cho dù Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt thì cũng không có nghĩa là đã triệt tiêu được hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố hay những tư tưởng cực đoan. Hay nói cách khác, thủ lĩnh IS có thể bị tiêu diệt nhưng IS thì chưa, bóng ma của IS vẫn là nỗi ám ảnh ở nhiều quốc gia. 

"Có thể thấy rõ điều này khi Tổng thống Mỹ tuyên bố xóa sổ IS tại Syria và trước đó là ở Iraq nhưng tổ chức khủng bố này vẫn là mối đe dọa lớn đối với toàn thế giới. IS được cho đã thiết lập các cơ sở bí mật để có thể tồn tại được ở cả Iraq và Syria, và các tư tưởng cực đoan của IS tiếp tục được truyền bá trên mạng Internet", tờ Independent dẫn lời một chuyên gia cảnh báo.

Các thành viên IS được cho là đang "náu mình chờ thời" để chuẩn bị cho các cuộc tấn công khủng bố tàn độc hơn.

Trên thực tế, IS hiện đang trải qua thời kỳ thích nghi và bước vào giai đoạn mới của quá trình lan rộng ra toàn cầu. Và nguy cơ về việc IS tập hợp lực lượng, có thể trỗi dậy là có thật bởi lẽ tân thủ lĩnh của tổ chức này, Abdullah Qardash được đánh giá là kẻ mang tư tưởng tàn độc hơn cả Abu Bakr-al-Baghdadi. Tên này được gọi với biệt danh là "Giáo sư", là cựu sĩ quan quân đội Iraq dưới thời Tổng thống Saddam Hussein. 

Newsweek dẫn một nguồn tin khác từ tờ báo Amaq chính thức của IS cho hay, thực tế, Abudllah Qardash đã được Abu Bakr al-Baghdadi đề cử vào vị trí thay thế mình từ hồi tháng 8 với nhiệm vụ điều hành "các vấn đề Hồi giáo" trong nhóm. 

"Abu Bakr al-Baghdadi là kẻ đầu sỏ nhưng hắn ta không trực tiếp tham gia vào các hoạt động hàng ngày của IS. Tất cả những gì Abu Bakr al-Baghdadi  làm là nói có hoặc không có kế hoạch. Còn Abudllah Qardash là kẻ triển khai, thực thi. Vì thế, IS đã không mất quá nhiều thời gian để tìm thủ lĩnh mới cho mình. ", tờ Newsweek viết. 

Trong khi đó, thông tin mà tờ The Times thu thập được lại cho thấy, Abudllah Qardash là bạn tâm giao của Abu Bakr al-Baghdadi trong IS. Cả hai biết nhau khi bị quân đội Mỹ bỏ tù ở Basra vào năm 2003 vì liên kết với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. 

Cũng chính tại nhà tù này, Abu Bakr al-Baghdadi đã trở thành một kẻ tuyên truyền thánh chiến, biến đổi hàng trăm tù nhân theo tư tưởng bệnh hoạn của hắn mà người ta hay nói là caliphate. Abudllah Qardash là một trong những kẻ như vậy và đã làm việc cho Abu Bakr al-Baghdadi từ thời điểm đó với tư cách là nhà lập pháp hàng đầu của IS. 

Biệt danh "Giáo sư" của Abudllah Qardash xuất phát từ việc tên này là nhà hoạch định chính sách tàn nhẫn trong tổ chức IS. Abudllah Qardash cũng có mối quan hệ thân thiết với Abu Alaa al-Afri, phó tướng trước đây của Abu Bakr al-Baghdadi, kẻ đã bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công bằng máy bay trực thăng của Mỹ năm 2016.

Đó là về tân thủ lĩnh, còn về các thành viên trong IS, tờ Times of Indian khẳng định, khi bị thu hẹp vùng kiểm soát ở Syria, các thành viên IS đã bắt đầu thay đổi phương thức hoạt động trong đó chúng chuộng cách "ẩn mình chờ thời" để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố theo kiểu "con sói đơn độc". 

Thêm vào đó, IS đang ngầm bắt tay với các nhóm cực đoạn khác ở khu vực Trung Đông và châu Á. Chưa hết, các thành viên IS là người phương Tây và Mỹ được huấn luyện cũng đã trở về nước rất nhiều và đây là một trong những "nguồn dùng để tấn công khủng bố một cách hữu ích" của IS…

Bản thân Mỹ trong khi "say sưa trong niềm vui chiến thắng" cũng vẫn không quên xúc tiến các hoạt động để đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố trong giai đoạn mới. Hiện Mỹ đang ráo riết tìm hiểu về tân thủ lĩnh IS cũng như xác định vai trò của tên này trong tổ chức. 

Điều phối viên chống khủng bố của Mỹ Nathan Sales hôm 1-11 cũng khẳng định, chống IS vẫn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ: "Tổ chức khủng bố IS vẫn là ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu của chúng tôi. Mỹ biết rằng nhóm này đã lựa chọn thủ lĩnh mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các biện pháp bao gồm quân sự, tình báo, luật pháp, tài chính và biên giới để gia tăng sức ép lên tổ chức khủng bố này. Chúng ta sẽ xóa bỏ được tổ chức này bất chấp thủ lĩnh của lực lượng này là ai". 

Trong khi đó, một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ, để xem xét các bước đi tiếp theo nhằm gia tăng năng lực chống khủng bố trên toàn cầu, tăng cường sự hiện diện của liên quân tại Đông Bắc Syria, hơn 30 quốc gia đang chiến đấu chống IS sẽ nhóm họp tại Washington vào ngày 14-11 tới. Quan chức này nhấn mạnh, cuộc họp là một cách để Mỹ tìm kiếm thêm sự ủng hộ từ các đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố.

Huyền Chi
.
.
.