Quan điểm chủng tộc tác động đến bầu cử Tổng thống Mỹ như thế nào?

Thứ Ba, 16/06/2020, 14:40
Hai tuần kể từ khi George Floyd qua đời dưới bàn tay của một sĩ quan cảnh sát thành phố Minneapolis, quan điểm về chủng tộc đã trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu trong các cuộc thăm dò dư luận. Và theo kết quả khảo sát mới nhất của hãng Hill-HarrisX, nhờ có sự kiện này, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vượt qua đương kim Tổng thống Donald Trump với cách biệt 10 điểm phần trăm


Điểm cộng nhờ cam kết sớm

Những ngày đầu tháng 6, cựu Phó Tổng thống Mỹ Jode Biden đã có màn bứt phá ngoạn mục khi vượt qua đối thủ hàng đầu là Thượng nghị sĩ Sanders với tỷ lệ cách biệt về số cử tri ủng hộ lên tới gần 29% để chính thức trở thành ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm nay. Chưa hết, tin vui tiếp tục đến với chính trị gia này khi ông vượt qua cả đương kim Tổng thống Donald Trump với cách biệt 10 điểm phần trăm trong cuộc thăm dò về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 mới được Hill-HarrisX công bố.

Tang lễ của George Floyd -người đàn ông gốc Phi bị cảnh sát ghì cổ đến chết, diễn ra ngày 9-6 tại Houston, bang Texas. Ảnh: Getty.

Theo đó, có tới 47% cử tri đã đăng ký cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông Joe Biden nếu cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được tổ chức ngay thời điểm được khảo sát, tăng 5 điểm phần trăm so với kết quả cuộc thăm dò được công bố hồi tháng 5. Ngược lại, chỉ có 37% số người được hỏi cho biết sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử, giảm 4 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát trước đó. Đáng chú ý là trong cuộc thăm dò này, chỉ có 12% cử tri da màu gốc Phi cho biết họ sẽ ủng hộ Tổng thống Donald Trump, trong khi con số này với ông Joe Biden là 74%.

Ông Terrance Woodbury, chuyên gia về bầu cử của đảng Dân chủ kiêm đối tác sáng lập tại Hit Strategies, nhận định sự ủng hộ từ cử tri da màu gốc Phi đối với ông Jode Biden tuy cao nhưng lại không quá áp đảo như phiếu bầu mà các ứng cử viên Dân chủ khác đã nhận được. Hồi năm 2016, trong các cuộc thăm dò ý kiến trước thềm bầu cử, ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ khi đó là bà Hillary Clinton đã nhận được mức 89% ủng hộ.  Do đó, theo ông Terrance Woodbury là vẫn còn những yếu tố bất ngờ khác.

"Thêm vào đó, sự ủng hộ của các cử tri da trắng cũng rất quan trọng. Bốn năm trước, ứng cử viên Donald Trump lúc đó đã chiếm đa số (57%) cử tri da trắng, còn bà Hillary Clinton chỉ chiếm 37%. Lần này, ít hơn ½ số cử tri da trắng đã đăng ký nói rằng họ sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống đương nhiệm trong khi con số ủng hộ ông Joe Biden lại vượt bà Hillary Clinton", ông Terrance Woodbury cho biết thêm.

Tờ Washingtonpost lý giải sự vượt trội của cựu Phó Tổng thống Mỹ trong lần khảo sát lần này là bởi ông đã biết "chớp thời cơ". "Tang lễ của George Floyd diễn ra ngày 9-6 tại Houston, bang Texas. Cái chết của công dân Mỹ gốc châu Phi này đã làm dấy lên một làn sóng rộng lớn chống bạo lực cảnh sát nhắm vào cộng đồng người da đen ở Mỹ.

Bảng thống kê các mối quan tâm của cử tri Mỹ trong đó phân biệt chủng tộc đứng đầu.

Joe Biden, ứng viên tranh cử Tổng thống của đảng Dân Chủ trong một thông điệp video được phát vào lúc tang lễ, cho rằng "thời của công bằng chủng tộc đã điểm ở Mỹ", tờ Washingtonpost viết và cho biết thêm vào hôm 1-6, ông Joe Biden cũng đã có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Phi tại quê nhà ở tiểu bang Delaware trong một chiến dịch vận động tranh cử. Tại đây, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ từng bước giải quyết vấn nạn phân biệt chủng tộc và tái thiết một cơ quan giám sát hoạt động của toàn thể cảnh sát Mỹ...

Chưa hết, ngày 3-6, Ban vận động tranh cử của ông Joe Biden còn cho ra mắt đoạn quảng cáo trong đó có bài phát biểu của ông về tình trạng bất ổn dân sự cũng như các cuộc biểu tình lan rộng sau cái chết George Floyd. Trong đoạn quảng cáo dài 1 phút với tựa đề "Xây dựng tương lai", ông Joe Biden nhấn mạnh, Mỹ đang cần một sự lãnh đạo có thể mang lại đoàn kết, đồng thời khẳng định ông sẽ tìm cách chữa lành vết thương về phân biệt chủng tộc tồn tại lâu nay trong xã hội Mỹ và không sử dụng điều này cho mục đích chính trị.

Nước cờ của ông Donald Trump

Trước việc đối thủ Joe Biden chiếm ưu thế trên các nền tảng xã hội như Facebook, Instagram và YouTube nhờ những phát biểu liên quan đến chống phân biệt chủng tộc, đương kim Tổng thống Mỹ không hề nao núng. Ngược lại, ông đã có một bước đi khá mạnh, đó là đề cử Tướng Charles Brown làm Tham mưu trưởng Không quân.

Hôm 9-6, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn đề cử này với tỷ lệ nhất trí tuyệt đối khiến ông Charles Brown trở thành công dân gốc Phi đầu tiên được nắm giữ cương vị lãnh đạo một trong sáu quân chủng của quân đội. Tổng thống Donald Trump đã lập tức hoan nghênh gọi đây là "ngày lịch sử của nước Mỹ".

"Tướng Brown, 57 tuổi, hiện là Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương. Ông cũng sẽ là người Mỹ gốc Phi thứ hai làm việc trong Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, sau ông Colin Powell - người từng giữ cương vị đứng đầu cơ quan này giai đoạn 1989-1993. Sự kiện này quả thực là một cách đáp trả khôn khéo cho các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc trên toàn nước Mỹ", hãng CNN bình luận.

Các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc diễn ra trên khắp nước Mỹ. Trong ảnh là một cuộc biểu tình ở đại lộ Flatbush, thành phố New York. Ảnh: AP.

Còn hãng AP thì cho biết, ông Joe Biden đã cam kết với các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Phi ở tiểu bang Delaware rằng nếu được bầu làm Tổng thống Mỹ, ông sẽ giải quyết vấn nạn phân biệt chủng tộc vốn đang cản trở các cộng đồng người da màu, đặc biệt sau khi một người da màu có tên George Floyd, 46 tuổi tử vong hôm 25-5 khi bị một cảnh sát da trắng có tên Derek Chauvin bắt giữ.

Ngoài cam kết sẽ giải quyết nạn phân biệt chủng tộc, ứng cử viên Joe Biden cũng kêu gọi cử tri da màu đi bỏ phiếu không chỉ đối với cuộc đua vào Nhà Trắng mà với cả cuộc đua tại Thượng viện - nơi đảng Cộng hòa hiện chiếm đa số với 53 ghế. Bên cạnh đó, cựu Phó Tổng thống Mỹ cũng đề cập đến việc tìm kiếm một nhân vật liên danh tranh cử, trong đó ông cho biết đang cân nhắc tới một số phụ nữ Mỹ gốc Phi…

Đáp lại, Tổng thống Donald Trump đã thông báo về cam kết của mình với người Mỹ gốc Phi, rằng, trên thực tế ông làm nhiều hơn cho người Mỹ da màu, so với bất kỳ Tổng thống nào trong lịch sử Mỹ, ngoại trừ Tổng thống Abraham Lincoln. Nhưng có một sự khác biệt rất lớn trong cách người Mỹ da màu (và công chúng nói chung) nhìn hai ứng cử viên khi nói đến câu hỏi liệu hai người đàn ông này có thực sự quan tâm đến các vấn đề của người da màu hay không. Và cuộc bầu cử Tổng thống vẫn còn hơn bốn tháng nữa nên thật khó để dự đoán liệu những mối quan tâm này có tiếp tục làm nóng nghị trường cho đến tháng 11 hay không.

"Bốn tháng trước, khi chúng tôi đến New Hampshire với ứng cử viên hàng đầu Bernie Sanders, Washington đang nổi lên với cuộc chiến luận tội Tổng thống Donald Trump. Bốn tháng là một chặng đường dài, nhưng điều đó không có nghĩa là những vấn đề này sẽ biến mất mà nó chỉ có thể hoán đổi vị trí với các vấn đề khác mà cử tri quan tâm như phát triển kinh tế, việc làm, đối phó với bệnh dịch COVID-19… Mặc dù hiện tại, ông Joe Biden đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, nhưng ông vẫn ở phía sau Tổng thống khi mọi người được hỏi suy nghĩ của họ về nền kinh tế.

Nhiều cử tri đã nói rằng nền kinh tế sẽ cải thiện (chiếm 40%) nếu ông Donald Trump được bầu lại trong khi chỉ có 25% người bày tỏ sự tin tưởng này với ông Joe Biden và có tới hơn 50% người cho biết sẵn sàng phê duyệt cách Tổng thống Donald Trump đang xử lý với vấn đề kinh tế và việc làm", hãng CNN phân tích.

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.
.