Philippines: Ai dính đến ma túy đều bị "xử lý"
- Cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của Tổng thống Duterte1
- Philippines: Tội phạm ma túy chi hơn 1 triệu USD để giết Tổng thống Rodrigo Duterte
Ngày 6-9, phái đoàn Philippines đã phát tài liệu dày 38 trang cho các đại biểu tham dự hội nghị, để giải thích về chiến dịch chống ma túy gây tranh cãi. Theo đó, sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức, 7.532 chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy đã được triển khai, 12.972 đối tượng buôn bán ma túy bị bắt và hơn 2.400 người đã thiệt mạng trong hơn 2 tháng qua...
Tổng thống Rodrigo Duterte từng khẳng định, cảnh sát chỉ giết nghi phạm để tự vệ, và những người khác đã bị sát hại bởi các băng nhóm tội phạm đang cố gắng bịt miệng họ.
Tổng thống Rodrigo Duterte (giữa) tại hiện trường vụ đánh bom ở Davao. |
Ngày 5-9, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố, sẽ còn nhiều người phải bỏ mạng trước khi chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy chính thức khép lại tại Philippines.
Cùng ngày 5-9, Cảnh sát trưởng quốc gia (Tư lệnh cảnh sát quốc gia) Ronald dela Rosa cảnh báo, các sỹ quan thuộc lực lượng cảnh sát sẵn sàng hành quyết bất kỳ ai, kể cả chính trị gia giàu có và quyền lực để thực thi cuộc chiến chống ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động.
Đồng thời nhấn mạnh, sẽ khắt khe hơn đối với những cảnh sát biến chất tham gia sử dụng và kinh doanh ma túy, cùng các loại thuốc trái phép. “Nếu sử dụng ma túy và dám chống cự, chúng sẽ chết cho dù họ là ai”, Cảnh sát trưởng quốc gia Ronald dela Rosa tuyên bố. Cảnh sát cho biết, đã giết chết 1.011 nghi can buôn bán và sử dụng ma túy.
Ngoài ra, 1.391 người khác cũng được liệt vào danh sách "những cái chết đang được điều tra". Trước đó, ông Rodrigo Duterte từng cảnh báo, sẽ trừng phạt mạnh tay những sĩ quan cảnh sát hoặc công nhân viên chức trong chính phủ nếu họ có hành vi bao che cho tội phạm ma túy hoặc các băng đảng buôn bán loại chất cấm này.
Ông Rodrigo Duterte còn treo giải thưởng 2 triệu peso (42.900 USD) cho bất kỳ ai cung cấp thông tin giúp chính phủ phát hiện những đối tượng tuy mang danh “người nhà nước”, nhưng lại tiếp tay cho tội phạm.
Giới truyền thông đưa tin, nỗi sợ hãi đang phủ bóng lên cuộc chiến chống ma túy ở Philippines. Bởi danh sách nghi phạm ma túy đang được trưởng thôn, trưởng xóm chuyển cho cảnh sát và việc này làm dấy lên cảm giác nghi ngờ, sợ hãi trong cộng đồng dân cư.
Trong khi đó, nữ Thị trưởng thành phố Davao, bà Sara Duterte (con gái Tổng thống Rodrigo Duterte) cho biết ngày 5-9, cảnh sát đã bắt 1 người đàn ông có khả năng liên quan tới vụ đánh bom tối 2-9 khiến 14 người chết và gần 70 người khác bị thương.
Bà Sara Duterte còn thông báo giải thưởng 2 triệu peso (42.900 USD) cho bất cứ ai cung cấp thông tin đáng tin cậy về danh tính và nơi ở của nghi can vụ tấn công, cũng như đối tượng có thể đưa nghi can đến công an thành phố Davao.
Theo đó, 1 triệu peso tặng người cung cấp thông tin nhận diện và hành tung của kẻ đánh bom, số tiền còn lại trao cho người giao nộp thủ phạm với nhà chức trách.
Nhưng hiện chưa có bất cứ ai bị bắt hoặc chính thức bị buộc tội liên quan đến vụ tấn công khủng bố. Ngoài ra, Thị trưởng Sara Duterte còn ra lệnh bãi nhiệm Cảnh sát trưởng Davao Michael John Dubria và chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Henry Robinson.
Cảnh sát trưởng quốc gia Philippines Ronald dela Rosa. |
Tờ Philippine Daily Inquirer vừa dẫn lời Tổng thống Rodrigo Duterte - sẵn sàng sử dụng lính đánh thuê (lực lượng Gurkha của Nepal) để tiêu diệt nhóm phiến quân Abu Sayyaf. Hôm 5-9, ông Rodrigo Duterteđã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
An ninh đã được siết chặt tại thành phố Davao và nhiều địa phương khác trên khắp Philippines kể từ sau vụ khủng bố tối 2-9. Cảnh sát trưởng quốc gia Ronald dela Rosa cho rằng, rất có thể vụ đánh bom ở Davao có liên quan tới chiến dịch trấn áp ma túy đang được đẩy mạnh ở Philippines.
“Ngoài tổ chức Abu Sayyaf bị tình nghi thực hiện vụ đánh bom nhằm giảm sức ép từ chiến dịch tiễu trừ chúng, cảnh sát đang xem xét tới khả năng khủng bố ma túy”, Đài ABN-CBS dẫn lời ông Ronald dela Rosa tuyên bố hôm 5-9. Theo đó, có khả năng các ông trùm ma túy đã chi tiền để Abu Sayyaf đánh bom ở Davao.
Hãng Reuters cho rằng, Cơ quan nội vụ (IAS) của Cảnh sát Philippines và Ủy ban nhân quyền (CHR) đang đối mặt với số vụ giết chóc lớn tới mức họ chỉ có thể điều tra một lượng nhỏ trong đó. Ông Leo Angelo Leuterio, chỉ huy IAS cho biết, nhiệm vụ của họ là điều tra mọi vụ nổ súng liên quan tới cảnh sát, nhưng IAS chỉ có khoảng 170 điều tra viên nên mới xử lý được 30% trong số 30 vụ nổ súng diễn ra mỗi ngày. Trong khi đó, CHR chỉ xem xét 259 vụ/hơn 2.400 vụ giết người diễn ra kể từ ngày 1-7 và trở ngại lớn nhất của họ là tìm nhân chứng. |