Phía sau khủng hoảng Qatar
Lý do được đưa ra: Doha hỗ trợ các tổ chức khủng bố quốc tế, tuyên truyền tư tưởng cực đoan và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước trong khu vực.
Mượn gió bẻ măng
Trước đó, trong chuyến thăm đến Riyadh, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng yêu cầu các lãnh đạo Hồi giáo chấm dứt ủng hộ cho khủng bố, cũng như hô hào cô lập Iran.
Qatar đã chi hơn 1 tỷ USD cho Iran và các chi nhánh của Al-Qaeda. Đây là cái cớ hoàn hảo để Ảrập Xê-út rủ rê các nước trong khu vực “cắt cầu” với Qatar. Tuy nhiên, thấy vậy mà không hẳn vậy. Vấn đề sâu xa, theo các nhà phân tích, là một sự kết hợp giữa nhiều yếu tố, từ chính trị đến kinh tế và tôn giáo.
Quan hệ Qatar và Ảrập Xê-út bị cắt đứt vì cáo buộc "ủng hộ khủng bố". |
Về kinh tế, theo Hãng tin Bloomberg, do Doha và Riyadh dính vào “cuộc chiến khí đốt tự nhiên”. Cuộc chiến này bắt đầu từ năm 1995, khi Qatar bắt đầu khai thác và xuất khẩu khí đốt ra toàn thế giới. Lúc đó, đường dẫn khí đốt Phương Bắc là đường cung hầu hết khí đốt của Qatar được chia sẻ với Iran, trong khi Iran là đối thủ đáng ghét nhất của Ảrập Xê-út ở khu vực.
Hiện nay, chi phí sản xuất khí đốt ở Qatar rẻ nhất thế giới, cạnh tranh hơn hẳn ngành sản xuất khí đốt của láng giềng. Các nước lân cận từng kỳ vọng Qatar sẽ giảm giá khí đốt cho họ, tuy nhiên Qatar đã không làm như vậy. Năm 2005, Qatar tuyên bố sẽ đẩy mạnh phát triển Phương Bắc - đường ống nối Qatar với thị trường tiêu thụ khí đốt lớn nhất thế giới, khiến phần còn lại của vùng Vịnh giận dữ và cảm thấy bị “phản bội”.
Về chính trị, các nước Vùng Vịnh cho rằng Qatar có khuynh hướng “giàu đổi bạn”. Nhờ dầu mỏ, Qatar từ một nước nông nghiệp nghèo nàn trở thành một trong những quốc gia giàu nhất, với thu nhập bình quân đầu người lên đến 130.000 USD/năm.
Với vị thế là một nước giàu và là cường quốc cung cấp khí đốt lớn nhất khu vực, Qatar đã bắt đầu thay đổi, từ chỗ như một “chư hầu” của Ảrập Xê-út sang tìm kiếm một vị thế như một “tay chơi” độc lập trên bàn cờ chính trị thế giới.
Sau khi nhận ra không thể đối đầu với Nga ở Syria để xây dựng một đường ống dầu mới đi qua nước này, Qatar quyết định thay đổi thái độ đối với đối thủ xưa. Năm 2016, Doha ký kết một khoản đầu tư trị giá 2,7 tỷ USD cho Rosneft, một công ty khí đốt nhà nước của Nga.
Động thái này của Qatar khiến tất cả các bên lo ngại Qatar sẽ đứng về liên minh Nga - Iran - chính quyền Assad. Thêm vào đó, Qatar cũng không tham gia OPEC, nơi Ảrập Xê-út là người cầm chịch.
Về tôn giáo, Qatar được cho là ủng hộ cho người Shiite ở Iran, trong khi Ảrập Xê-út lại chống lưng cho người Sunny. Ngoài ra, Qatar đỡ lưng cho Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, Hamas ở Dải Gaza và các phe phái vũ trang chống Ảrập Xê-út và UAE ở Lybia và Syria.
Tuy nhiên, Ảrập Xê-út cùng các nước cấm vận Doha như UAE và Ai Cập đều phụ thuộc rất lớn vào đường ống và khí đốt của Qatar. Vì vậy, đây dường như là một trò chơi mà cả 2 bên cùng bại trận.
Chưa rõ nước cờ Mỹ
Cho đến nay, qua những dòng tweet của mình, Tổng thống Mỹ bày tỏ sự hài lòng với việc Qatar bị cô lập, dù căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ đặt ở nước này. Ông Donald Trump cáo buộc Qatar là "quốc gia có lịch sử lâu đời tài trợ ở mức cao cho các lực lượng khủng bố".
Tuy nhiên, ngày 14-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lại chào mừng người đồng cấp Qatar tới Washington và ký kết thương vụ mua bán chiến đấu cơ F-15 với trị giá ban đầu lên tới 12 tỷ USD.
Bộ Ngoại giao Mỹ gọi việc bán vũ khí này nhằm giúp các nỗ lực “tăng cường an ninh và quốc phòng trong khu vực”. Bản thông cáo cũng cho hay việc bán vũ khí cũng không ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc tranh chấp trong vùng hiện nay giữa Qatar và các quốc gia láng giềng, vì phải mất mấy năm mới hoàn tất hợp đồng.
Cáo buộc Doha tài trợ khủng bố, nhưng lại bán vũ khí cho Doha, dường như có điều gì đó “sai sai”.