Phía sau động thái cắt đứt kênh liên lạc của Triều Tiên đối với Hàn Quốc

Thứ Ba, 16/06/2020, 20:35
Ngày 9-6, Triều Tiên tuyên bố cắt đứt "hoàn toàn" đường dây liên lạc liên Triều, các đường dây nóng giữa quân đội và các văn phòng lãnh đạo giữa hai bên để phản đối việc Hàn Quốc không thể ngăn những kẻ đào tẩu rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng vào CHDCND Triều Tiên.

Cộng đồng quốc tế nhận định động thái này của Triều Tiên đã làm tăng thêm biến số mới cho tình hình bán đảo Triều Tiên, vốn đã bị rơi vào bế tắc trước đó và đòi hỏi một giải pháp thực tế hơn của các bên.

Lúc thông suốt, lúc gián đoạn

Giáo sư Jaewoo Choo của Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc viết trên Twitter rằng "cắt đứt mọi thông tin liên lạc là biện pháp thường thấy của Triều Tiên". Quan sát trong 10 năm qua, đường dây nóng liên Triều "lúc thông suốt, lúc gián đoạn" gắn liền với diễn biến thực tế của tình hình trên bán đảo Triều Tiên, ở mức độ nhất định được coi là phong vũ biểu đo quan hệ hai miền. 

Năm 2011, sau khi Chính phủ Hàn Quốc hủy bỏ dự án du lịch ở khu vực núi Kumgang, Triều Tiên đã cắt đứt đường dây nóng ở bờ biển phía Đông giữa quân đội hai nước. Năm 2013, do Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung, Triều Tiên cũng đã cắt đứt đường dây nóng quân sự ở bờ biển phía Tây. Sau đó, cùng với việc khôi phục tiếp xúc đàm phán, hai bên mới từng bước nối lại liên lạc. 

Năm 2016, sau khi Hàn Quốc đột ngột tuyên bố dừng toàn bộ hoạt động của khu công nghiệp Kaesong, Triều Tiên quyết định cắt đứt liên lạc quân sự giữa hai bên và kênh liên lạc làng đình chiến Panmunjon. 

Cho đến khi Tổng thống Moon Jae-in lên cầm quyền, hai bên mới nối lại kênh liên lạc làng đình chiến Panmunjon vào năm 2018, đồng thời nhanh chóng khôi phục đường dây liên lạc quân sự. 

Cũng trong năm 2018, dưới sự nỗ lực hòa giải giữa hai miền, Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un tổ chức ba cuộc gặp, lần lượt ký các văn kiện quan trọng như Tuyên bố chung Panmunjon, Tuyên bố chung Bình Nhưỡng, Thỏa thuận triển khai tuyên bố chung  Panmunjon trên lĩnh vực quân sự... phát đi tín hiệu cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên ra toàn thế giới.

Song hành với chuyển biến tích cực này chính là tần suất hoạt động của đường dây nóng giữa hai bên tăng lên. Tháng 4-2018, đường dây nóng giữa lãnh đạo hai nước được kết nối; tháng 9-2018, hai nước khánh thành văn phòng liên lạc chung đầu tiên tại khu công nghiệp Kaesong, điều này khiến thế giới cảm nhận được quan hệ hai miền đang tốt dần lên. 

Tuy nhiên, đáng tiếc là ngày vui không kéo dài, tờ The Guardian bình luận: "Thông báo mới của Triều Tiên dường như là một trở ngại lớn gây khó khăn cho việc làm dịu quan hệ căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên trong hai năm qua".

Đường dây liên lạc liên Triều.

Điều gì khiến Triều Tiên một lần nữa cắt đứt liên lạc?

Thứ nhất, theo Tuyên bố chung Panmunjon, nên đình chỉ tất cả các hành vi và công cụ tuyên truyền thù địch bao gồm loa khuếch đại âm thanh, thả truyền đơn ở đường phân giới quân sự. Triều Tiên cho rằng Hàn Quốc không tôn trọng thỏa thuận khi đã dung túng cho những kẻ đào tẩu sử dụng bóng bay để thả tờ rơi chống Triều Tiên ở gần vĩ tuyến 38. 

Theo BBC, việc sử dụng bóng bay phát tán tờ rơi luôn kích động thần kinh nhạy cảm của Triều Tiên. Năm 2014, hai bên đã xảy ra sự kiện đấu súng lẫn nhau và may mắn là không có thương vong. 

Thứ hai, phe chống Triều Tiên ở Hàn Quốc lần này đã mắc sai lầm nghiêm trọng, trong tờ rơi xuất hiện nội dung xâm phạm sự tôn nghiêm cao nhất của Triều Tiên nên không lấy gì làm lạ khi Triều Tiên phản ứng cứng rắn, tuyên bố không thể tha thứ. Thứ ba và cũng chính là nguyên nhân sâu xa, Triều Tiên không hài lòng với chính sách của Tổng thống Moon Jae-in đối với Bình Nhưỡng trong thời gian qua.

Hiện nay, trọng tâm chiến lược của Triều Tiên chuyển sang xây dựng kinh tế và cải thiện dân sinh nên cần đến môi trường xung quanh hòa bình, cộng thêm những nỗ lực cải thiện quan hệ hai miền Bắc-Nam của Moon Jae-in sau khi lên cầm quyền nên Triều Tiên rất kỳ vọng vào Hàn Quốc. 

Hai bên cũng đã tương tác qua đường dây nóng. Tuy nhiên, sau khi đàm phán Mỹ-Triều rơi vào bế tắc, Bình Nhưỡng mới phát hiện rằng khi đụng chạm đến các vấn đề thực chất như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên..., cho dù hợp tác kinh tế giữa hai miền không nằm trong phạm vi trừng phạt của Liên Hợp Quốc thì Tổng thống Moon Jae-in cũng không dám tự đưa ra quyết định. Việc Seoul vẫn bị Washington kiểm soát khiến Triều Tiên cảm thấy thất vọng.

Văn phòng liên lạc Keasong.

Cánh cửa quan hệ vẫn chưa khép lại

Vấn đề tiếp theo là việc Triều Tiên cắt đứt liên lạc sẽ tác động như nào đến quan hệ liên Triều? Liệu Bình Nhưỡng có triển khai giai đoạn 2 hay không? Không thể đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của sự việc này nhưng đúng như một số nhà phân tích đã nhận xét, không dễ để thiết lập các cơ chế liên lạc giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. 

Việc cắt đứt liên lạc có nghĩa là mất đi cơ hội kết nối. Hơn nữa, sự kết nối có vai trò rất quan trọng đối với việc xây dựng lòng tin, giảm thiếu rủi ro tiềm ẩn. Hành động này của Triều Tiên là sự phủ nhận chính sách của Tổng thống Moon Jae-in đối với Triều Tiên, đánh dấu bước thụt lùi trong quan hệ liên Triều.

Tuy vậy, quan hệ này vẫn chưa đi vào ngõ cụt. Theo các chuyên gia, động thái trên của Triều Tiên vẫn chỉ là một biện pháp trong chiến lược gây sức ép tối đa, chưa đóng chặt cánh cửa quan hệ. Đối với chính quyền Moon Jae-in, việc giảm bớt căng thẳng trong quan hệ với Triều Tiên chắc chắn vẫn là ưu tiên ngoại giao của ông, không muốn coi Triều Tiên là kẻ thù. 

Trong bài phát biểu nhân ngày Lễ tưởng niệm các binh sỹ đã thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) được phát trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh thiết lập nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là trách nhiệm của chính phủ, đồng thời khẳng định Seoul sẽ nỗ lực hết sức vì mục tiêu tăng cường sức mạnh quốc phòng và đảm bảo an ninh vững chắc.

Xét về góc độ quốc tế, tính độc lập trong chính sách đối với Triều Tiên của Hàn Quốc chịu ảnh hưởng của Mỹ. Theo AP, nhân tố Mỹ là mấu chốt quan trọng trong vấn đề bán đảo Triều Tiên. Sau khi đàm phán Mỹ-Triều rơi vào bế tắc, Mỹ đã từ chối dỡ bỏ lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với Triều Tiên để đổi lấy bước đi phi hạt nhân hóa từng phần. 

Giáo sư Liuming, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bán đảo Triều Tiên của Viện khoa học xã hội Thượng Hải, Trung Quốc cho rằng, mối quan hệ Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ có thể quay lại trạng thái căng thẳng nhưng không đối đầu, rơi vào cục diện "không chiến tranh, không hòa bình và không đàm phán". Nút thắt đàm phán Mỹ-Triều chưa được tháo gỡ cộng với rào cản đối với sự phát triển quan hệ kinh tế liên Triều.

Tờ Korea Times dẫn lời của Giáo sư Chính trị học Đại học Yonsei, Moon Chung-in thì nhận định, các bên nên cùng nhau nỗ lực để tìm kiếm giải pháp cho bán đảo Triều Tiên. Trước hết, Mỹ cần phải có thái độ thực tế hơn. Yêu cầu phi hạt nhân hóa trước rồi mới có phần thưởng sau cho thấy không có hiệu quả đối với Triều Tiên. 

Do đó, một số biện pháp đồng bộ, linh hoạt hơn cần được cân nhắc như ký kết hiệp ước hòa bình, cắt giảm quân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, thiết lập quỹ hợp tác nhằm giảm thiểu các mối đe dọa… 

Hai là, cần phải quan tâm đến nghị quyết về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên do Nga và Trung Quốc đề xuất trước đây. Có thể xem đây là bàn đạp hữu dụng để củng cố niềm tin, khởi động lại tiến trình đàm phán Mỹ-Triều. Cuối cùng, Hàn Quốc cần phát huy hơn nữa vai trò tích cực của mình trong việc thúc đẩy Mỹ và Triều Tiên đi trên con đường đối thoại. 

Khi đối thoại Mỹ-Triều rơi vào bế tắc, Hàn Quốc không những không thuyết phục được Mỹ mà còn chưa thể tái khởi động các dự án kinh tế liên Triều dưới sức ép của Washington. Điều này dẫn đến sự không hài lòng của Triều Tiên. Việc thúc đẩy các dự án kết nối đường sắt liên Triều, tái khởi động hợp tác kinh tế, triển khai các dự án liên quan đến hòa bình ở khu vực phi quân sự đều có lợi cho việc phá vỡ cục diện bế tắc.

Thanh Bình
.
.
.