Phát hiện, xử lý nhiều vụ sản xuất, tiêu thụ tiền giả

Thứ Năm, 13/02/2020, 12:12
Gần đây, Cơ quan Công an các địa phương liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều vụ việc sản xuất, tiêu thụ tiền giả với số lượng lớn bằng các thủ đoạn tinh vi và liều lĩnh. Trước đây, việc sản xuất tiền giả đều do các đối tượng ở nước ngoài thực hiện nhưng hoạt động của loại tội phạm này nay đã khác...

Phương thc th đon mi ca các đi tượng sn xut, mua bán tin gi

Mới đây, ngày 21/1/2020, Phòng An ninh Kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh đã phối hợp Công an quận Gò Vấp bắt giữ 2 đối tượng là Nguyễn Quang Bình (30 tuổi) và Vũ Duy Phương (26 tuổi, cùng thường trú quận Gò Vấp). Đây là 2 đối tượng chủ chốt trong đường dây sản xuất, vận chuyển, mua bán tiền Việt Nam giả.

Đối tượng Nguyễn Đức Huy và một số tờ tiền giả bị thu giữ tại cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Nông.

Tiến hành khám xét phương tiện và nơi ở của các đối tượng, Công an TP Hồ Chí Minh đã thu giữ tiền Việt Nam giả mệnh giá 500.000 VNĐ, với tổng trị giá là 14,5 triệu đồng, cùng nhiều phương tiện, dụng cụ, nguyên vật liệu để làm tiền giả (máy tính xách tay, máy scan, máy in màu, dao rọc giấy, thước kim loại, giấy A4, sơn xịt nhanh, keo sữa...).

Qua điều tra ban đầu xác định, Nguyễn Quang Bình là đối tượng cầm đầu nhóm chuyên sản xuất, tiêu thụ tiền giả ở quận Gò Vấp. Bình khai sau khi học cách sản xuất tiền giả từ internet, Bình mua máy móc và nguyên liệu về cùng Phương và các đối tượng khác sản xuất và đem đi tiêu thụ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh.

Ngoài việc đăng tải bán trên mạng xã hội, các đối tượng còn sử dụng tiền giả này mua đồ dùng và… ma túy mà không bị phát hiện.


Phương tiện sản xuất và số tiền giả trong đường dây sản xuất, vận chuyển, mua bán tiền Việt Nam giả tại TP Hồ Chí Minh.

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, việc sản xuất tiền giả ngay tại thành phố là phương thức thủ đoạn mới của các đối tượng. Trước đây, việc sản xuất tiền giả đều do các đối tượng ở nước ngoài thực hiện, các đối tượng trong nước đặt mua tiền giả về để tiêu thụ. Trước đó, ngày 2/1/2020, thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông cho biết cơ quan này đã nhận hồ sơ điều tra của Công an tỉnh chuyển đến đề nghị truy tố đối với 16 bị can trong vụ án làm, tàng trữ và lưu hành tiền giả ở nhiều tỉnh, thành phía Nam. Trước khi bị triệt phá, đường dây này đã sản xuất gần 2 tỷ đồng tiền giả.

Theo kết quả điều tra, vào cuối 2018, Công an huyện Đắk G’long (Đắk Nông) nhận tin báo của người dân ở thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) về một người sử dụng 2 tờ tiền giả để trả khi mua hàng qua mạng. Tiến hành xác minh, ngày 16/1/2019, Công an huyện Đắk G’long xác định người lưu hành tiền giả là Ngô Nguyễn Trung Hiếu (trú xã Quảng Sơn, Đắk G’long).

Vụ việc được Công an huyện Đắk G’long chuyển đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Nông để điều tra theo thẩm quyền. Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố Hiếu về hành vi lưu hành tiền giả và điều tra, làm rõ nguồn gốc tiền giả mà Hiếu tiêu thụ.

Tại Cơ quan Công an, Hiếu khai nhận số tiền giả trên do Phạm Hữu Chí (19 tuổi, trú xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, Đắk Nông) nhờ cất giữ. Qua đấu tranh, Chí khai nhận, từ cuối năm 2018, đối tượng cùng Đăng và Mạch Xuân Thái (30 tuổi, cùng ngụ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) có khoảng 40 lần đi mua tiền giả của Nguyễn Đức Huy (32 tuổi, ở phường 5, quận 10, TP Hồ Chí Minh), với tổng cộng khoảng 540 triệu đồng, rồi bán lại cho nhiều đối tượng khác để hưởng chênh lệch, mua ma túy và tiêu xài.

Tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Cơ quan điều tra Công an các tỉnh, thành như Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh, truy bắt những người đã mua tiền giả từ Huy đưa đi tiêu thụ.

Hầu hết các đối tượng trong đường dây làm, tiêu thụ tiền giả này đều nghiện ma túy, có tiền án tiền sự. Các đối tượng khai nhận, phương thức thủ đoạn giao dịch tiền giả như buôn bán ma túy. Theo đó, khi có người hỏi mua tiền giả, Huy yêu cầu người mua chuyển tiền thật vào tài khoản, sau đó đem tiền giả bỏ vào bịch xốp đen, mang ra để tại các điểm người dân bỏ rác, dưới cột điện trong các con hẻm rồi đứng từ xa quan sát, chờ các đối tượng lấy “hàng” xong, sau đó hai bên nhắn tin thông báo cho nhau, dùng tên giả để liên lạc...

Từ lời khai của Huy cùng nhiều tài liệu chứng cứ khác, Cơ quan điều tra xác định, trong khoảng thời gian từ tháng 10-2018 đến tháng 5-2019, Huy đã làm khoảng 1 tỷ 750 triệu đồng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng, sau đó bán cho các đối tượng trên và nhiều đối tượng khác.

Liên quan đến vụ án này, Bộ Công an giao Công an tỉnh Đắk Nông chủ trì, nhập các vụ án tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả của Công an các địa phương đang điều tra, và đã khởi tố tổng cộng 16 bị can để điều tra mở rộng, làm rõ vụ án. Theo Công an tỉnh Đắk Nông, vụ án đã góp phần rất lớn để bảo đảm an ninh tiền tệ cho quốc gia.

Trước đó, vụ án sản xuất tiền giả tại An Giang cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhóm đối tượng gồm: Trần Minh Trí (31 tuổi), Châu Anh Phụng (22 tuổi) và Võ Minh Quang (21 tuổi), cùng trú tại huyện Tri Tôn, An Giang đã bị bắt giữ vào ngày 31/10/2019 để điều tra về hành vi sản xuất và lưu hành tiền giả.

Để tiêu thụ, nhóm này đợi khi trời tối, dùng tiền giả mệnh giá lớn mua hàng hóa có giá trị nhỏ tại các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn để được trả lại số tiền dư là tiền thật. Bằng thủ đoạn trên, các đối tượng đã tiêu thụ trót lọt 9 tờ tiền giả mệnh giá 50.000 đồng. Ngay sau khi bị bắt, gia đình các nghi phạm đã giao nộp thêm một tờ tiền giả mệnh giá 50.000 đồng…

Tiền giả được rao bán công khai trên mạng xã hội

Một số vụ án điển hình này trong số nhiều vụ án khác cùng với hiện trạng hiện nay tiền giả là mặt hàng được rao bán công khai trên Facebook, Zalo (các đối tượng buôn tiền thường để lại số điện thoại để tư vấn và giao dịch)... càng cho thấy tình trạng sản xuất, mua bán, kinh doanh tiền giả rất đáng báo động.

Truy cập vào mạng xã hội Facebook đánh từ khóa “tiền giả” là có thể dễ dàng tìm thấy một loạt tài khoản như Ship tiền giả; Tiền giả uy tín; Tiền giả không cọc; Uy tín tiền giả… đã và đang được rao bán công khai với mệnh giá tiền khá đa dạng, từ 5.000 đồng đến 500.000 đồng. Với những lời quảng cáo, mời gọi đầy hấp dẫn như giống tiền thật 99%, giá rẻ giật mình, tiêu xài thả ga không sợ bị phát hiện… những trang mạng này thu hút sự chú ý của rất nhiều người.

Các đối tượng buôn bán tiền giả ngoài việc quảng cáo công khai trên Facebook, chúng còn thường để lại số điện thoại để tư vấn và giao dịch qua Zalo. Khi hai bên đã đạt được thỏa thuận mua-bán, người bán tiền giả sẽ chuyển hàng qua đường bưu điện, khi nhận được hàng thì người mua mới phải trả tiền qua bưu tá…

Buôn bán tiền giả là hành vi nguy hiểm cho xã hội, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về việc xử lý những người có hành vi này tại Điều 207 đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.

Cụ thể, người tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả sẽ bị phạt tù từ 3-7 năm; Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 5 - 12 năm; Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá từ 50.000.000 đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 - 20 năm hoặc tù chung thân...

Theo các luật sư, theo quy định của pháp luật, người mua và bán tiền giả đều bị xử lý hình sự với các mức phạt tù khác nhau mà không phụ thuộc vào mệnh giá, giá trị tiền để mua bán.

Để hạn chế nạn mua bán tiền giả, ngành chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tiền giả dù làm tinh vi đến đâu cũng chỉ gần giống tiền thật về hình thức, không có yếu tố bảo an, không tinh xảo, nếu để ý kỹ dễ nhận biết được. 

Cách phân biệt tiền thật, giả dễ nhất là khi vo tờ tiền nắm trong lòng bàn tay, khi mở ra, tiền thật chất liệu polymer sẽ bung ra và nhanh chóng trở lại hình dạng bình thường, trong khi đó, tờ tiền giả sẽ có các nếp gấp; tờ tiền thật trơn, rõ nét, trong khi tiền giả mờ, nhòe; gặp nước tiền giả dây mực ra tay. Nếu thấy đối tượng nghi ngờ, người dân hãy ngừng giao dịch và báo cơ quan chức năng…

Ánh Xuân
.
.
.