Phát hiện nguyên nhân thật sự của thảm họa Chernobyl?

Thứ Ba, 12/12/2017, 10:56
Các nhà khoa học tin rằng họ đã khám phá ra nguyên nhân thực sự của vụ nổ Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl gây ra sự tàn phá cho người Ucraina vào năm 1986.


Vùng xung quanh Pripyat vẫn còn đầy bức xạ sau vụ nổ cách đây hơn 30 năm, một trong 2 sự kiện đã từng được xếp loại thảm họa cấp 7, cấp cao nhất trên Thang đo Sự kiện Hạt nhân Quốc tế.

Những giả thuyết cũ

Có 2 giả thuyết chính thức xung đột với nhau về nguyên nhân gây tai nạn trước đây. Giả thuyết đầu tiên được đưa ra vào tháng 8-1986 và chỉ buộc tội những người điều hành nhà máy điện. Giả thuyết thứ hai do Valeri Legasov ủng hộ và được công bố năm 1991, coi nguyên nhân vụ tai nạn là do những yếu kém trong thiết kế lò RBMK, đặc biệt là các thanh điều khiển.

Cả 2 giả thiết này đều được nhiều nhóm ủng hộ, gồm cả các nhà thiết kế lò phản ứng, những người điều hành Nhà máy điện Chernobyl và chính phủ. Một số chuyên gia độc lập hiện nay tin rằng không một giả thiết nào trong số hai giả thiết trên là hoàn toàn chính xác.

Một nhân tố quan trọng góp phần vào vụ tai nạn là những người điều hành không được thông báo về các vấn đề của lò phản ứng. Anatoliy Dyatlov là một trong những người thiết kế, biết rằng lò phản ứng sẽ gặp nguy hiểm ở một số điều kiện nhưng đã cố tình che đậy thông tin đó. Một lý do khác là Ban quản lý nhà máy điện phần lớn gồm những người chưa được đào tạo về kiểu lò RBMK.

Ðài tưởng niệm thảm họa hạt nhân Chernobyl.

Lò phản ứng có một hệ số trống dương lớn rất nguy hiểm. Theo cách hiểu thông thường, điều này có nghĩa là nếu các bong bóng hơi nước hình thành trong nước làm mát của lò phản ứng, phản ứng hạt nhân sẽ tăng tốc, dẫn tới việc phản ứng xảy ra dễ dàng hơn nếu không có một cơ chế kiểm soát khác. 

Một điều tồi tệ hơn, khi lò phản ứng sản xuất điện ở mức thấp, hệ số trống dương này không được bù đắp bằng những nhân tố khác, nó sẽ làm lò phản ứng mất ổn định và nguy hiểm. Việc lò phản ứng gặp nguy hiểm khi nó sản xuất điện ở mức thấp là điều hoàn toàn xa lạ với trực giác của những người điều hành và họ cũng chưa từng biết đến điều đó.

Một chỗ yếu kém đáng lưu ý khác của lò phản ứng là thiết kế các thanh điều khiển. Trong một lò phản ứng hạt nhân, các thanh điều khiển được đưa vào trong lò để làm chậm quá trình phản ứng. Tuy nhiên, trong thiết kế lò RBMK, đầu mút của thanh điều khiển được làm bằng graphit, những phần kéo dài ra là rỗng và chứa đầy nước, trong khi sự cân bằng của thanh điều khiển - phần thực sự hoạt động, hấp thụ các nơtron và do đó ngăn chặn phản ứng - được làm bằng cacbua bo.

Khi các thanh điều khiển kiểu được đưa vào trong lò, nước làm mát sẽ bị những đầu mút bằng graphit chiếm chỗ. Vì thế, (nước) làm mát, một chất hấp thụ nơtron, bị graphit chiếm chỗ, một cơ cấu điều tiết nơtron - là một vật chất có tác dụng làm tăng phản ứng hạt nhân chứ không phải làm chậm nó lại. Trong vài giây đầu tiên khi vận hành, các thanh điều khiển "làm tăng" tốc độ phản ứng chứ không phải làm giảm như mong muốn. Những người điều hành nhà máy điện không hề biết tới điều đó.

Theo báo cáo của Ủy ban chính phủ  vào tháng 8-1986, những người điều hành đã dời ít nhất 204 thanh điều khiển khỏi tâm lò (trong tổng số 211 thanh của kiểu lò này). Những hướng dẫn kỹ thuật như vừa đề cập ở trên cũng cấm điều hành lò RBMK-1000 khi có ít hơn 15 thanh điều khiển bên trong vùng tâm lò phản ứng.

Nguyên nhân trực tiếp?

Một nhóm các nhà khoa học mới đây tin rằng bi kịch là do hai sự kiện phát nổ. Đầu tiên, các mảnh vỡ đã bị ném hai dặm vào không khí bởi một loạt vụ nổ hạt nhân trong nhà máy điện của Liên Xô. Sau đó 2,7 giây, một vụ nổ hơi đã tách lò phản ứng và ném thêm nhiều mảnh vụn bay vào bầu khí quyển.

Nhân chứng cho biết đã nhìn thấy một luồng ánh sáng màu xanh phía trên lò phản ứng sau vụ nổ đầu tiên, một dấu hiệu cho thấy vụ việc xảy ra là hậu quả của một vụ nổ hạt nhân. Và các phân tích địa chấn cùng với thiệt hại đối với lõi hạt nhân cũng cho thấy vụ nổ nguyên tử đã gây ra thảm họa.

Những phát hiện của họ có thể giúp làm cho các nhà máy điện hạt nhân an toàn hơn sau sự hoài nghi rộng rãi về công nghệ sau thảm họa Chernobyl và gần hơn là thảm họa Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản.

Giáo sư De Geer phát biểu trên tờ Fox News: "Chúng tôi nhận ra rằng, dựa trên các phép đo và quan sát thực tế, có thể giải thích chi tiết kịch bản tai nạn Chernobyl và bản chất của hai vụ nổ lớn xảy ra trong vài giây vào đêm của 31 năm trước.

"Lý thuyết mới của chúng tôi làm sâu sắc hơn sự hiểu biết về những ảnh hưởng nghiêm trọng có thể là kết quả của một số lỗi thiết kế ban đầu trong các lò phản ứng đó.

"Phần lớn đã được sửa chữa trong các lò phản ứng RBMK còn lại, nhưng sự hiểu biết tốt hơn về điều thực sự xảy ra vào năm 1986 tất nhiên phải có giá trị lớn trong việc giám sát cũng như có thể cải thiện thiết kế trong tương lai".

Những phát hiện mới được công bố sau khi một nhà khoa học tiết lộ về cuộc sống của những người ở lại nhà mình tại Chernobyl sau vụ nổ hạt nhân.

Sơ tán 50.000 người

Vụ nổ xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vào ngày 26-4-1986 đã làm 31 người thiệt mạng, dẫn đến việc di tản người dân và bỏ hoang một khu vực rộng lớn cũng như việc sơ tán 50.000 người. Một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc đã ước tính số người tử vong cuối cùng do các bệnh ung thư liên quan đến vụ nổ và các bệnh khác sẽ lên tới 4.000.

Tuy nhiên, một bản báo cáo năm 2005 do Hội nghị Chernobyl, dưới quyền lãnh đạo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết có 56 người chết ngay lập tức; 47 công nhân và 9 trẻ em vì ung thư tuyến giáp, và ước tính rằng có khoảng 9.000 người, trong số gần 6,6 triệu, cuối cùng sẽ chết vì một loại bệnh ung thư nào đó.

Riêng Tổ chức Hòa bình Xanh ước tính tổng số người chết là 93.000 người, nhưng đã ghi trong bản báo cáo của họ là "Những con số được đưa ra gần đây nhất cho thấy rằng chỉ riêng ở Belarus, Nga và Ukraina vụ tai nạn có thể đã dẫn tới cái chết của khoảng 200.000 người từ năm 1990 đến 2004".

Thảm họa đã dẫn đến một nỗ lực dọn sạch hạt nhân đắt đỏ thứ hai trong lịch sử nhân loại, trị giá tới 52 tỷ USD.

Hiện nay một khu vực cấm trải dài 19 dặm vẫn còn tồn tại, và các cơ quan chức năng ước tính hàng trăm năm sau khu vực vẫn sẽ không an toàn cho người dân cư trú do lượng phóng xạ rất lớn được giải phóng. Cho đến nay, khu vực xảy ra thảm họa ở Ucraina vẫn là một khu vực cấm đi lại vì lượng phóng xạ vẫn còn hiện diện.

Những kẻ can trường

Nhưng có một số người đã từ chối rời khỏi nhà sau thảm hoạ, và Jim Smith, Giáo sư Khoa học Môi trường tại Đại học Portsmouth, đã cho biết điều gì diễn ra cho cuộc sống những người ở đó.

Giáo sư Smith thực hiện các chuyến đi thường xuyên đến khu vực loại trừ như một phần của cuộc điều tra khoa học với các chuyên gia Anh và Ucraina về việc liệu lương thực có thể được trồng trong khu vực hay không.

Trong thời gian đó, Giáo sư Smith đã gặp một số người dân địa phương mà ông nói đang ngày càng đông hơn ở thị trấn hoang vắng.

Ông nói với Express.co.uk: "Có những người đã sống ở đó từ vụ tai nạn, một số người lớn tuổi, một số người tự khai phá, và họ đã trồng những vụ mùa của họ kể từ đó, và dĩ nhiên họ đang bị nhiễm một liều phóng xạ.

"Nhưng chúng tôi đã xem xét một số dữ liệu, và họ đang sống ở các khu vực ít bị ô nhiễm hơn.

"Những người sống sót sau tai nạn, những người tự khai phá, những người già, họ đã không được nghiên cứu bởi vì họ là một nhóm cụ thể và rất khó để tìm một nhóm so sánh với những họ, bởi vì họ là người già và họ có lối sống khác với hầu hết mọi người.

"Tôi đã nghe câu chuyện ở Ucraina rằng họ có cuộc sống tốt hơn so với những người ở cùng độ tuổi, những người đã di tản đi nơi khác, bởi vì họ đang sống cuộc sống mà họ chọn; họ đang sống trong nhà riêng của họ, họ đang trồng các loại cây trồng của họ, họ đang có một tinh thần sống sót".

Vĩnh Cẩm
.
.
.