Pháp: Tăng cường các biện pháp chống khủng bố

Thứ Năm, 05/11/2020, 20:21
Các quốc gia Hồi giáo đang phản đối Pháp và kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của nước này. Các cuộc khủng bố bạo lực liên tục diễn ra khiến Pháp đứng trước nguy cơ phải đối phó với cả hai phía trong và ngoài nước.


Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron tuyên bố đất nước của ông sẽ đứng vững trước những phần tử tôn giáo cực đoan sau vụ việc một người đàn ông cầm dao lao vào nhà thờ đâm chết ba người, đây được cho là cuộc tấn công thứ hai trong tháng 10 do nhóm khủng bố Hồi giáo gây ra.

Vài tuần trước, Tổng thống Pháp có mô tả đây là một cuộc chiến mới chống lại chủ nghĩa cực đoan và những thách thức đối với lý tưởng thế tục của quốc gia (chủ nghĩa thế tục là một thế giới quan phát xuất từ phong trào thế tục hoá.

Quá trình tinh thần chia cách giữa nhà nước với tôn giáo, cụ thể là việc bàn giao tài sản, quyền lực của các cơ sở tôn giáo cho nhà nước. Điều này dẫn đến chính trị, kinh tế, khoa học thoát ra khỏi ảnh hưởng của tôn giáo, tạo ra một quốc gia trung lập về niềm tin tôn giáo). Các vụ tấn công xảy ra trước Ngày Các Thánh Công giáo vào Chủ nhật đã khiến chính phủ Pháp nâng mức báo động khủng bố lên mức đỏ "khẩn cấp" tối đa trên toàn quốc.

Những ký ức đau buồn tại Pháp do sự tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Chuỗi tấn công khủng bố liên tiếp do thành viên Hồi giáo cực đoan gây ra đẫm máu nhất tại Pháp là vào tháng 1/2015, khiến 250 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Vụ tấn công tháng 1/2015, mở đầu chuỗi khủng bố là hai tay súng Hồi giáo tiến vào trụ sở chính của Toà soạn Charlie Hebdo tại Paris, xả súng giết 12 người và nhiều người bị thương nặng.

Trong cuộc tấn công, hai tay súng đã hét lên rằng "Nhà tiên tri đã được báo thù", toà soạn bị tấn công bởi lẽ nơi đây đã sản xuất ra ấn phẩm Muhammad, nội dung các tranh vẽ được cho rằng xúc phạm đến Nhà tiên tri Muhammad của Hồi giáo. Toà soạn sản xuất những tạp chí, phim hoạt hình thuộc dạng trào phúng, châm biếm các tổ chức, cá nhân người nổi tiếng. Ấn phẩm được cho là xúc phạm Nhà tiên tri Muhammad được xuất bản ngày 9/2/2006, vừa ra mắt đã làm dậy sóng cộng đồng người Hồi giáo tại nước này và trên thế giới. Ấn phẩm ra mắt đã thành công lớn về mặt thương mại với 160.000 bản được bán hết ngay ngày ra mắt và 150.000 bản được in thêm vào cuối ngày hôm đó. Hàng loạt cuộc biểu tình mở ra bởi những người Hồi giáo tại Pháp nhằm chống lại việc xuất bản những bức tranh biếm hoạ về Muhammad. Gần đây, toà soạn này tuyên bố sẽ tái bản lại ấn phẩm về Nhà tiên tri Mohammed, điều này lại tiếp tục làm dậy sóng.

Các vụ tấn công gần đây là lời nhắc nhở về những căng thẳng trong xã hội thế tục của Pháp. Pháp là nơi sinh sống của 5 triệu người Hồi giáo, nhiều người trong số họ đang sống tại các khu vực nghèo nàn và thường không có tiếng nói trong chính trị lẫn truyền thông. Một số chuyên gia cho biết, tuyệt đại đa số người Hồi giáo ở Pháp không ủng hộ chủ nghĩa cực đoan, nhưng họ vẫn thường phải đối mặt với các định kiến không công bằng.

Phát ngôn dậy sóng

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đã lên tiếng bảo vệ quyền tự do ngôn luận, các giá trị thế tục, cũng như phim hoạt hình gây tranh cãi. Cuối cùng, ông Macron còn tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không can thiệp để xóa bỏ các bức tranh biếm hoạ".

Điều đã dẫn đến những tuyên bố của ông Emmanuel Macron là gì? Đó là vào tiết học về tự do ngôn luận, giáo viên lịch sử Samuel Paty cho học sinh của mình xem một số bức tranh được cho là xúc phạm đến Nhà tiên tri Muhammad (xuất bản bởi tạp chí châm biếm Charlie Hebdo vào năm 2006). Tiết học này đã được đăng tải lên mạng xã hội, giáo viên lịch sử Samuel Paty đã bị chặt đầu bên ngoài trường học của mình bởi kẻ Hồi giáo cực đoan tên là Chechnya (18 tuổi).

Các phim hoạt hình gây tranh cãi đã khơi mào ra nhiều vụ tấn công, bạo lực của người Hồi giáo cực đoan. Các mô tả về Nhà tiên tri Muhammad của tòa soạn Charlie Hebdo gây khó chịu cho một số thành phần người Hồi giáo. Trong kinh Qur'an không cấm rõ ràng về việc miêu tả Nhà tiên tri, nhưng một số thành phần người Hồi giáo không muốn điều này.

Một số ấn phẩm của Charlie Hebdo đã trở thành biểu tượng cho truyền thống thế tục từ thời Cách mạng của nước Pháp. Thực tế, các vụ tấn công bởi Hồi giáo cực đoan bắt đầu dồn dập trở lại kể từ tháng 9/2020, khi phiên toà mở ra đối với 14 đồng phạm bị tình nghi trong vụ tấn công làm tử vong 250 người vào tháng 1/2015 tại Pháp. Vài ngày sau khi phiên tòa mở, một thanh niên Hồi giáo đến từ Pakistan đã đâm trọng thương hai người đi đường bằng dao thái thịt bên ngoài văn phòng cũ của tòa soạn Charlie Hebdo tại Paris.

Vào thứ Năm ngày 29/10, ba người đã bị đâm chết tại một nhà thờ trong thành phố Nice (Pháp), ngoài ra còn một phụ nữ (40 tuổi), người Brazil đã chạy ra khỏi nhà thờ và kêu cứu. "Hãy nói với các con tôi rằng, tôi rất yêu chúng", người phụ nữ đã cố gắng nói trước khi qua đời bởi nhiều vết dao từ kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan. Trong khi cuộc điều tra đang tiến hành, Tổng thống Pháp cho biết quốc gia của ông bị tấn công bởi "thế lực Hồi giáo điên cuồng và khủng bố".

Cùng ngày, một người Hồi giáo cực đoan đã dùng dao tấn công vào Lãnh sự quán Pháp ở Jeddad, Ả Rập Xê Út. Những ký ức tang thương tại Pháp do sự tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan vẫn luôn được tưởng nhớ, đặc biệt là sự việc một người đàn ông cố tình lái xe tải làm tử vong 86 người trong lễ kỉ niệm Ngày Bastille 14/7/2016.

Tại Nice, ông Emmanuel Macron tuyên bố tăng cường giám sát các nhà thờ bởi lực lượng tuần tra quân sự Sentinelle (Pháp), đội được tăng cường từ 3.000 người lên đến 7.000 người. Đồng thời, an ninh trong trường học cũng được thắt chặt hơn, một cáo buộc cho rằng Tổng thống Pháp đang nhắm mục tiêu không công bằng vào khoảng 5 đến 6 triệu người Hồi giáo của Pháp - cộng đồng lớn nhất ở châu Âu.

Tại Nice, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố tăng cường giám sát các nhà thờ bởi lực lượng tuần tra quân sự Sentinelle (Pháp).

Đối lập

Nhiều quốc gia Hồi giáo đã lên án việc Tổng thống Emmanuel Macron bênh vực phim hoạt hình của Charlie Hebdo, không những vậy, các quốc gia này đồng loạt kêu gọi tẩy chay hàng hoá Pháp. Sau vụ tấn công hôm thứ Năm ngày 29/10, cựu Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad đã đăng lên mạng xã hội Twitter: "Người Hồi giáo có quyền tức giận... vì những vụ thảm sát trong quá khứ".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan đã cáo buộc Tổng thống Pháp đang điều hành một chương trình nghị sự chống Hồi giáo. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ so sánh cách đối xử của châu Âu với người Hồi giáo giống với cách đối xử của Đức Quốc xã với người Do Thái trước đó.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố vào hôm thứ Hai ngày 26/10, trong một bài phát biểu trên truyền hình: "Không bao giờ sử dụng hàng hoá có nhãn hiệu nước Pháp, đừng mua chúng". Được biết, Pháp là nhà nhập khẩu lớn thứ 10 của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của nước này.

Ủng hộ

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã tập hợp xung quanh ủng hộ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đồng thời chỉ trích lãnh đạo các nước công kích vào Pháp, đặc biệt là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Đức, phát ngôn viên Steffen Seibert của Thủ tướng Angela Merkel nhận định rằng: "Đó là những bình luận phỉ báng không thể chấp nhận được, đặc biệt là trong bối cảnh vụ sát hại man rợ giáo viên người Pháp Samuel Paty bởi một kẻ cuồng tín Hồi giáo".

Thủ tướng các nước Ý, Hà Lan và Hy Lạp cũng bày tỏ sự ủng hộ với Pháp. Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte đã đăng tải lên trang mạng xã hội rằng: "Những lời lẽ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đối với Tổng thống Pháp là không thể chấp nhận được… Hà Lan ủng hộ quyền tự do ngôn luận, chống lại chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa cấp tiến".

Một số quan chức EU đã chỉ trích về lời công kích của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đối với Tổng thống Pháp. Uỷ ban châu Âu cảnh cáo Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan rằng ông đang làm tổn hại thêm hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên Minh châu Âu.

Ngọc Hà (tổng hợp)
.
.
.