Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước chống khủng bố

Thứ Bảy, 08/08/2020, 08:50
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã tham dự Phiên thảo luận mở trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về chủ đề “Giải quyết mối liên hệ giữa khủng bố và tội phạm có tổ chức” do Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi chủ trì vào tối 6/8.


Phiên họp có sự tham dự của Giám đốc Điều hành Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm (UNODC) Ghada Fathi Waly và Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách Văn phòng LHQ về Chống khủng bố (UNOCT) Vladimir Voronkov.

Phát biểu khai mạc Phiên thảo luận, Ngoại trưởng Retno Marsudi nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần có hành động chung để không tạo môi trường thuận lợi cho khủng bố và tội phạm có tổ chức phát triển; quan ngại về nguy cơ khủng bố gia tăng câu kết với tội phạm có tổ chức, gây ra nhiều thách thức đối với hòa bình, an ninh khu vực, quốc tế.

Ngoại trưởng Retno Marsudi cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần tập trung điều chỉnh chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, tăng cường hợp tác khu vực. Trong khi đó, Giám đốc Điều hành UNODC Ghada Fathi Waly khẳng định, các nhóm khủng bố và tội phạm đang lợi dụng những tổn thương của xã hội gây ra bởi đại dịch COVID-19 để tiến hành các hoạt động phi pháp và điều này là rất đáng quan ngại. Về phần mình, Phó Tổng Thư ký Vladimir Voronkov nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực ứng phó của các quốc gia và cho biết các cơ quan Liên hợp quốc đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế để giải quyết vấn đề. 

Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chia sẻ những quan ngại chung về nguy cơ, ảnh hưởng của khủng bố, tội phạm có tổ chức và mối liên hệ giữa chúng đối với hòa bình, an ninh, phát triển bền vững của các quốc gia thành viên LHQ, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định, các quốc gia thành viên có trách nhiệm hàng đầu trong công tác chống khủng bố và tội phạm có tổ chức. Các hoạt động nhằm giải quyết những vấn đề này cần được tiến hành trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, nhất là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia liên quan, thực hiện Chiến lược chống khủng bố toàn cầu của LHQ và các nghị quyết liên quan của Đại hội đồng và HĐBA LHQ.

Trong tiến trình này, HĐBA LHQ có thể đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng, lồng ghép cách tiếp cận tổng thể nhằm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ như tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng, thất nghiệp bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng, cần tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế trong đấu tranh chống khủng bố, tội phạm có tổ chức, đặc biệt là chống tài trợ, tuyển mộ khủng bố; ủng hộ các cơ quan liên quan của LHQ như: Văn phòng LHQ về Chống khủng bố, Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm, Ủy ban Chống khủng bố của LHQ, các tổ chức khu vực, tiểu khu vực phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong quá trình này.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ các nước, nhất là các nước đang phát triển trong trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng năng lực trong đấu tranh chống khủng bố, tội phạm có tổ chức, đặc biệt về quản lý biên giới, quản lý tội phạm ma túy, chống rửa tiền, tài trợ cho khủng bố, các vấn đề tư pháp, xây dựng pháp luật, tính tới điều kiện đặc thù, hoàn cảnh của mỗi quốc gia.

Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, kinh tế, tài chính nhằm giảm thiểu nguy cơ tài trợ cho khủng bố, phòng chống các loại hình tội phạm có tổ chức, đồng thời thực thi các nghĩa vụ phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. AEAN luôn coi chống khủng bố, tội phạm có tổ chức là ưu tiên cao trong hợp tác nội khối và đã có nhiều khuôn khổ, biện pháp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này; khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước thành viên, các bên liên quan để chống khủng bố, tội phạm có tổ chức, vì hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế.

Việt Nam vừa trải qua 6 tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021 khi tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội thế giới diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống quốc tế ở khắp các châu lục, bao gồm cả hoạt động của HĐBA.

Trong thời gian đó, HĐBA đã tổ chức 30 hoạt động chính thức, trong đó có 2 cuộc thảo luận mở, 8 cuộc họp nghe báo cáo và 4 cuộc họp thông qua nghị quyết được phát trực tiếp trên hệ thống thông tin của LHQ. Với tư cách Chủ tịch, Việt Nam cũng đã tổ chức buổi họp báo quốc tế và nhiều cuộc họp thông tin về hoạt động của HĐBA cho các nước thành viên, quan sát viên của LHQ, các tổ chức phi chính phủ và các đối tượng quan tâm khác.

HĐBA đã thông qua 13 quyết định, bao gồm 4 nghị quyết và một quyết định về việc gia hạn các phái bộ, lực lượng và cơ chế LHQ, một tuyên bố của Chủ tịch, 5 tuyên bố báo chí và 2 thông tin báo chí. Đây là số lượng quyết định nhiều nhất trong một tháng làm việc của HĐBA trong nhiều năm gần đây.

Với những gì đã làm được trong 6 tháng qua, lãnh đạo LHQ, các nước và dư luận quốc tế có nhiều nhận định, đánh giá tích cực về vai trò, sự tham gia của Việt Nam, thể hiện vai trò một Ủy viên không thường trực HĐBA luôn chủ động đóng góp vào mọi lĩnh vực hoạt động của LHQ. Điều này góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam, tạo tiền đề để Việt Nam tự tin phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của mình, đảm đương và hoàn thành tốt trọng trách ủy viên không thường trực HĐBA trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, đồng thời khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực, chủ động của LHQ, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.