Phần mềm chống mất tích ở Ai Cập

Thứ Hai, 26/09/2016, 15:20
Các nhóm hoạt động nhân quyền ở Ai Cập cho biết, chưa bao giờ, tình trạng người dân bị mất tích trên đường phố lại ở mức báo động như hiện nay. Nhiều nguồn tin cho rằng, lực lượng chức năng Ai Cập đứng đằng sau những vụ bắt giữ người có quan điểm trái chiều. Một phần mềm mới chống mất tích có tên gọi "I Protect" đã ra đời.


Nỗ lực giải cứu người bị bắt giữ

Theo một báo cáo của Ủy ban Ai Cập về quyền tự do (ECRF) cho hay, trong 8 tháng đầu năm 2015, có 1.250 người dân Ai Cập mất tích. Hầu hết những người mất tích còn trẻ, nhất là đối tượng sinh viên tại các thành phố lớn của Ai Cập.

Một báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) hồi đầu tháng nhận định, có tình trạng "trẻ em ở độ tuổi 14 "biến mất" mà không có dấu vết của bàn tay nhà nước".

Trong 8 tháng đầu năm 2015, có 1.250 người dân Ai Cập mất tích, hầu hết là những người trẻ.

Các tổ chức nhân quyền gọi đó là "mất tích cưỡng bức", nghĩa là các nạn nhân "biến mất" tại một cơ sở an ninh lớn, bị từ chối tiếp xúc với gia đình hoặc đại diện pháp lý.

"Buộc những người bị bắt giữ "biến mất" đã trở thành một công cụ quan trọng trong chính sách của nhà nước. Bất cứ ai dám nói ra quan điểm trái chiều đều có thể phải trả giá đắt", Philip Luther, Giám đốc AI khu vực Trung Đông và Bắc Phi nói.

ECRF đã triển khai ứng dụng phần mềm có tên là "I Protect". Với phần mềm này, khi bị giam giữ, người sử dụng điện thoại hệ điều hành android có thể gửi ba tin nhắn văn bản cho các số điện thoại đã lưu sẵn trong danh bạ và một email xác định vị trí mà họ đang bị giam giữ cho ECRF. Phần mềm được mã hóa và người sử dụng phải cung cấp mật mã phù hợp.

ECRF hy vọng, từ những thông tin thu nhận được, tổ chức này sẽ có phản ứng nhanh chóng trong vòng 24 giờ với nỗ lực ngăn cản người bị bắt giữ có thể bị chuyển giao từ trạm cảnh sát này sang trạm cảnh sát khác gây khó khăn trong việc tìm kiếm người bị mất tích.

Mohammed Lotfy, Giám đốc Điều hành của ECRF cho biết, "với sự hỗ trợ của "I Protect, chúng tôi có thể lên tiếng về vụ bắt giữ ngay lập tức. Điều này có thể ngăn cản việc đưa người bị bắt đi nơi khác, làm giảm nguy cơ bị tra tấn hoặc đối xử tồi tệ".

Chỉ là giải pháp tạm thời

Được biết, đây không phải là ứng dụng đầu tiên chống lại những vụ mất tích bí ẩn ở Ai Cập. Vào năm 2013, một phần mềm tương tự đã được triển khai nhằm giúp những người bị bắt giữ trong cuộc biểu tình có được trợ giúp của các tổ chức nhân quyền.

Tuy nhiên, hoạt động của ứng dụng này không mang lại hiệu quả tích cực khi lực lượng cảnh sát cũng có thể cài đặt, sử dụng trên điện thoại di động của mình.

Những chuyên gia IT triển khai "I Protect" nói rằng, giao diện cũng như hoạt động của ứng dụng này được thiết kế đặc biệt, có thể khắc phục được hạn chế của phần mềm trước.

Theo đó, khi cài đặt trên điện thoại di động, ứng dụng sẽ có logo là một chiếc máy tính. "Khi mở ứng dụng, bạn sẽ thấy giao diện của một chiếc máy tính. Chỉ có người dùng mới kích hoạt được phần mềm bằng cách cung cấp mật mã riêng", chuyên gia IT nói.

Sự giám sát chặt chẽ của chính quyền Ai Cập với mạng lưới internet, điện thoại thời gian gần đây là nguyên nhân ra đời của nhiều ứng dụng mã hóa tài liệu, trong đó có "I Protect". 

Tuy nhiên, một số người cho rằng, ứng dụng "I Protect" chỉ là giải pháp tạm thời cho vấn đề mất tích cưỡng bức ở Ai Cập. Trong khi đó, chính quyền Ai Cập không thừa nhận đứng sau những vụ mất tích bí ẩn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ai Cập, Magdy Abdel Ghaffar cho biết trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới hồi tháng ba rằng, mất tích cưỡng bức không xảy ra ở Ai Cập. Đồng thời khẳng định, hoạt động của các cơ quan chức năng luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật.

"I Protect" là ứng dụng mới nhất trong nhiều ứng dụng giúp người dân đối phó với những mối đe dọa trong cuộc sống. Trước tình trạng "báo động đỏ" về nạn hiếp dâm, gần đây, Ấn Độ đã triển khai ứng dụng giúp phụ nữ liên lạc với cảnh sát nếu cảm thấy đang gặp nguy hiểm hay bị đe dọa tấn công tình dục.

Ứng dụng "Watch Over Me" được triển khai rộng rãi ở Kuala Lumpur, Malaysia cho phép hành khách báo cáo cảnh sát nếu phát hiện xe không di chuyển đúng lộ trình…


Mạnh Tường (Tổng hợp)
.
.
.