Peru triệt phá nhiều băng nhóm sản xuất tiền giả
Vụ bắt 11 đối tượng của băng nhóm "Los coyotes del Pacifico", chuyên sản xuất và vận chuyển tiền giả tiêu thụ ở nước ngoài với một mạng lưới hoạt động ở Mexico, Mỹ, Argentina, El Salvador, Chile và Paraguay, càng khiến cho dư luận và giới chuyên môn quan tâm hơn tới công tác điều tra và triệt phá tình trạng sản xuất tiền giả ở Peru.
Trong thông báo tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Nội vụ Mauro Medina cho biết, cảnh sát quốc gia Peru đã triệt phá thành công băng nhóm chuyên sản xuất tiền giả "Los coyotes del Pacifico", thu giữ 5,2 triệu USD và 8 triệu soles (tương đương 2,5 triệu USD) tiền giả. Và kẻ cầm đầu "Los coyotes del Pacifico" là Hernando Rodriguez Chavez, trùm tội phạm sản xuất tiền giả ở Peru.
Theo giới truyền thông, vợ của Hernando Rodriguez Chavez cũng tham gia vào quá trình hoàn thiện và tiêu thụ số tiền giả kể trên. Cảnh sát Peru cho biết, để cất mẻ lưới này, họ đã điều tra và lập chuyên án từ năm 2017, sau khi bắt 6 đối tượng đang vận chuyển tiền giả qua các cửa khẩu của Peru đi tiêu thụ ở nước ngoài.
Sau khi xác định chính xác địa điểm sản xuất tiền giả cùng các đối tượng tham gia và kẻ cầm đầu, cơ quan chức năng đã huy động hơn 300 cảnh sát vũ trang tham gia chiến dịch triệt phá tại 16 địa điểm ở các quận Comas, Carabayllo và San Martin de Porres ở phía Bắc thủ đô Lima.
Hơn 3 tháng trước (25-5), cảnh sát thủ đô Lima từng thu giữ một khối lượng lớn tiền giả sắp được chuyển tới Mỹ và châu Âu. Nếu gần 8 triệu USD và 11 triệu euro tiền giả cùng nhiều thiết bị của bọn tội phạm chuyên làm giả ngoại tệ không bị triệt phá và chúng tiêu thụ thành công số tiền kể trên thì hậu quả khôn lường.
Khi đó, cảnh sát đã bắt 5 đối tượng, trong đó có kẻ bị tình nghi là cầm đầu tổ chức này. Theo điều tra của cảnh sát, số tiền giả kể trên đang trên đường tới Mỹ, châu Âu và các quốc gia trong khu vực như Bolivia, Colombia, Ecuador.
Trước đó (tháng 4-2018), cảnh sát Peru đã bắt 10 nghi phạm và thu giữ số tiền giả trị giá khoảng 18,5 triệu USD, khi đang chuẩn bị đưa vào Mỹ tiêu thụ.
Phát biểu tại cuộc họp báo, cảnh sát Peru cho biết, đường dây làm giả USD tại thủ đô Lima đã in tổng cộng 18,5 triệu USD tiền giả trong khoảng 2 tuần. Ngoài USD, cơ sở này còn làm giả tiền của Peru và Boliva. Và để triệt phá đường dây này, cảnh sát phải mất nhiều tháng điều tra và lập chuyên án.
Trùm tội phạm người Peru Hernando Rodriguez Chavez. |
Theo giới truyền thông, kể từ năm 2013, Peru đã trở thành địa điểm tập trung nhiều tổ chức tội phạm làm giả ngoại tệ với số lượng tiền được sản xuất nhiều nhất thế giới.
Tình trạng sản xuất tiền giả ở Peru khiến Mỹ phải cử một đơn vị đặc nhiệm tới quốc gia này (Cơ quan mật vụ Mỹ đặt một văn phòng ở Lima) để phối hợp và tham gia vào cuộc chiến chống nạn sản xuất tiền giả có nguy cơ làm lũng đoạn thị trường.
Và gần 2 năm trước, Mỹ cùng Peru đã phối hợp triệt phá đường dây làm tiền giả lớn nhất từ trước tới nay. Giới truyền thông cho biết, để bắt 48 đối tượng và thu giữ 30 triệu USD và 50.000 euro tiền giả, hơn 1.500 nhân viên đã được huy động nhằm khám xét và lục soát hàng loạt địa điểm ở thủ đô Lima.
Vụ bắt giữ này được tiến hành hôm 16-11-2016 và Cơ quan mật vụ Mỹ đã cung cấp thông tin để cảnh sát Peru phá án. Đây là đường dây sản xuất USD giả quy mô lớn nhất từ trước tới nay bị phá tại Peru.
Theo giới chuyên môn, Peru hiện là quốc gia sản xuất và phân phối USD giả lớn nhất thế giới. Và giới chuyên môn thực sự choáng trước tốc độ làm giả USD tại Peru - trung bình có từ 3 đến 5 triệu tờ 100 USD bị làm giả mỗi tuần.
Tuy đã đặt văn phòng tại thủ đô Lima và phối hợp chặt chẽ với cảnh sát nước sở tại, nhưng hiệu quả trong công tác ngăn chặn, triệt phá đường dây sản xuất và tiêu thụ USD giả tại Peru không được như mong muốn.Theo giới chức Mỹ, Joel Quispe được coi là ông trùm có "số má" trên thế giới về làm USD giả - là kẻ đứng đầu của một trong bốn băng nhóm chuyên sản xuất tiền giả xung quanh thủ đô Lima.
Người ta ước tính, Joel Quispe đã tuồn ra thị trường hàng triệu USD giả và việc này được thực hiện trong lúc hắn đang bị giam trong nhà tù Peru. Giới tội phạm cho biết, sản xuất tiền giả thu lợi nhiều hơn buôn bán ma túy bởi chi phí và đầu tư thấp, lại không quá mạo hiểm tới tính mạng.
Theo giới truyền thông, tại Mỹ và các nước châu Âu, việc buôn bán, phân phối và sử dụng máy in offset được giám sát chặt chẽ bởi các đơn vị chống hàng giả, nhưng việc này khá lỏng lẻo ở Peru, và đó là một trong những điều kiện thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động.
Bên cạnh đó, tình trạng tham nhũng trong ngành tư pháp và cảnh sát đã khiến cho cuộc chiến chống tiền giả ở Peru gặp nhiều khó khăn.