Nước Mỹ vì sao nên nỗi?
- Những “vết sẹo” của nước Mỹ
- Nước Mỹ đối mặt với khủng hoảng kép
- Cựu Tổng thống Bush: Đã đến lúc nước Mỹ xem xét lại sự thất bại thảm hại
Hiện hàng chục thành phố của Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm ở mức độ chưa từng thấy kể từ khi các cuộc bạo động bùng phát sau vụ ám sát nhà hoạt động Martin Luther King Jr. năm 1968. Các chuyên gia cho rằng chỉ có thay đổi trong cách thực thi pháp luật mới có thể chấm dứt vòng xoáy bạo lực vì phân biệt chủng tộc kéo dài hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ qua ở Mỹ.
Vấn nạn phân biệt chủng tộc
Theo báo Le Monde (Pháp) có 3 nguyên nhân làm cho cơn giận của người Mỹ gốc Phi châu lan ra hàng chục thành phố. Trước hết là bốn cảnh sát da trắng ở Minneapolis uy hiếp một người da đen George Floyd. Lý do thứ hai là 6 năm trước tại New York, cũng xảy ra một vụ tương tự, nạn nhân là Eric Garner, 44 tuổi, bán thuốc lá trên vỉa hè, cũng chết ngạt do bị một cảnh sát da trắng kẹp cổ trong một lần bị bắt giữ bất chấp 11 lần kêu gào "Tôi không thở được".
Chân dung George Floyd được trương lên trong cuộc biểu tình bên ngoài Nhà Trắng ngày 2-6. |
Thứ ba, George Floyd và Eric Garner không phải là những nạn nhân da đen duy nhất khi nhỡ phải "tao ngộ không suôn sẻ" với cảnh sát tại một nước mà đeo súng là chuyện bình thường còn kỳ thị là chuyện khỏi bàn.
Đây không phải là hai trường hợp đơn lẻ. Danh sách các nạn nhân mỗi ngày một dài, phần đông là người Mỹ gốc châu Phi, ở đủ mọi độ tuổi. Các bà mẹ da đen dậy con từ tuổi thiếu niên phải ăn mặc, cư xử ra sao để không bị cảnh sát để ý. Thanh niên da đen cũng ý thức là lúc chạy bộ, nếu trùm mũ ni bịt tai, đeo dụng cụ nghe nhạc, không nghe tiếng cảnh sát kêu lại là có thể mất mạng.
Tình trạng bất công này đã quá dài, bám rễ trong tiềm thức người Mỹ da đen. Nhưng bây giờ phương tiện thông tin thời đại, với video và mạng xã hội, giúp mọi người hay biết nhanh chóng. Các biện pháp cải cách cũng được thi hành, xe cảnh sát có máy quay phim ghi lại các vụ xét hỏi.
Bùng nổ xã hội lần này phản ánh rõ có một sự cách biệt chủng tộc trong hành xử của cảnh sát, cách xử lý tư pháp đối với người da đen. Thế nhưng, theo giới quan sát, nạn phân biệt đối xử chưa phải là nguyên nhân duy nhất của làn sóng bất bình đó.
Dịch bệnh COVID-19 hoành hành tại Mỹ khiến hơn 100.000 người chết, trong đó tỷ lệ người Mỹ gốc Phi và gốc Latin tử vong do mắc COVID-19 cao hơn so với người da trắng, như một tấm gương phản chiếu bối cảnh xã hội nước Mỹ: Người Mỹ gốc Phi châu vẫn là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Eddie Glaude Jr., Chủ tịch khoa Nghiên cứu người Mỹ gốc Phi tại Đại học Princeton, cho rằng dịch COVID-19 khiến nỗi tuyệt vọng dồn nén của người da màu thêm chồng chất. "COVID-19 đang tàn phá cộng đồng của chúng tôi. Nỗi đau càng sâu sắc hơn bởi dường như chúng tôi không được đất nước này quan tâm, không ai để mắt tới những điều đang xảy ra với người Mỹ da màu. Do tính chất công việc, nhiều người trong cộng đồng phải ra ngoài đối mặt với COVID-19, mạo hiểm vì mức lương không tương xứng", Glaude nói.
Dịch bệnh xảy ra, cùng với lệnh phong tỏa làm hàng triệu người Mỹ thất nghiệp. Những bất ổn kinh tế bắt nguồn từ các biện pháp giãn cách xã hội khiến người da màu rơi vào tình cảnh đặc biệt khó khăn. Họ mất việc nhiều hơn và chẳng có cơ hội ổn để chuẩn bị cho đại dịch vì cảnh chạy ăn từng bữa.
Riêng tại bang Minnesota, nơi bùng phát bạo động xã hội, đã có đến 700.000 người mất việc làm. Nếu như trong tháng 2-2020, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất là 5%, thì đến đầu tháng 5, tỷ lệ này trên toàn quốc là 14,7%, và trong số này có đến 16,5% là người Mỹ gốc châu Phi.
Biểu tình đã lan ra 70 thành phố của nước Mỹ. |
Không chỉ trên phương diện sắc tộc, vụ George Floyd còn phơi bày cả những bất bình đẳng trên phương diện chăm sóc sức khỏe. Trong số hơn 50 triệu người không có bảo hiểm y tế, có bao nhiêu người là người Mỹ gốc Phi? Họ là những nhóm người có tỷ lệ mắc các chứng bệnh béo phì, tiểu đường cao hơn những nhóm chủng tộc khác, bởi vì người da đen tập trung một tỷ lệ đói nghèo cao nhất.
Glaude cho rằng cái chết của Floyd như đổ dầu vào "ngọn lửa giận" âm ỉ suốt những thập kỷ qua. Các khu dân cư của người da màu không còn được đầu tư, bất bình đẳng thu nhập ngày càng gia tăng. Thực trạng đó như "xát muối" vào vấn đề sức khỏe và hậu quả kinh tế do COVID-19 trong cộng đồng người da màu.
"Trên thực tế, đây là đỉnh điểm của 40 năm bất bình đẳng thu nhập không thể tưởng tượng nổi, cùng sự chia rẽ chủng tộc sâu sắc xuất phát từ một tư tưởng đặc thù. Điều duy nhất Trump làm là phá vỡ quy tắc ứng xử bất thành văn về cách lãnh đạo nước Mỹ theo đuổi các chính sách", Glaude nói.
Lòng căm hờn và quyền lực đường phố
Derek Chauvin, viên cảnh sát làm chết George Floyd là người có tiếng hung bạo: 19 năm trong nghề, 17 lần bị kiện nhưng được cấp trên bao che, chỉ bị khiển trách. Lần này, Derek Chauvin có nguy cơ lãnh án 25 năm tù. Vấn đề là giọt nước đã làm tràn ly, như một thanh niên tên Rachael, nhìn cảnh cửa hàng bị tấn công, cướp phá, bốc lửa, bình luận: “Chúng tôi đã đi biểu tình từ bao nhiêu năm nay, có thay đổi gì đâu không lẽ im lặng nhìn một cuộc đời tắt lịm? Nếu không lên tiếng mạnh mẽ, bất công sẽ kéo dài triền miên.
Cảnh sát New York ngăn chặn người biểu tình quá khích. |
Cảnh sát Mỹ có quyền sử dụng vũ lực một cách hợp pháp. Họ thường dùng những cái đó nhằm vào những người da đen trẻ tuổi như George Floyd, Breonna Taylor, Eric Garner, Michael Brown, Tamir Rice - những người mất mạng khi chẳng đe dọa ai. Khi họ chết, những viên cảnh sát gây ra vụ việc thường không bị trừng trị bởi nghịch lý là họ được pháp luật bảo vệ. Nếu những kẻ giết George Floyd phải ngồi tù, nó sẽ là ngoại lệ của quy tắc lâu đời đó.
Người da màu thường xuyên bị ngược đãi bởi những người thực thi pháp luật. Tỷ lệ đàn ông da màu bị cảnh sát giết là 1/1.000. Khi họ bị sát hại, vụ việc thường chìm xuống. Ngay cả việc đi tù, người da màu thường có xu hướng bị kết án lâu hơn. Đối với những người Mỹ gốc Phi, đây không phải số liệu thống kê mà là thực tế họ phải đối mặt hàng ngày.
Theo Reuters, phần lớn người Mỹ thông cảm với các cuộc biểu tình toàn quốc phản đối cái chết của công dân da màu George Floyd và không chấp nhận phản ứng của Tổng thống Donald Trump trước các cuộc biểu tình và bạo loạn. Cuộc khảo sát, thực hiện ngày 1 và 2-6, cho thấy 64% người Mỹ trưởng thành "thông cảm với những người biểu tình hiện nay" trong khi 27% nói rằng họ không thông cảm và 9% không chắc họ có thông cảm hay không.
Ngày 2-6, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Michelle Bachelet cho rằng, các cuộc biểu tình ở Mỹ, xuất phát từ cái chết của người đàn ông da đen George Floyd, cho thấy "nạn bạo lực của cảnh sát" nhằm vào người da màu và sự bất bình đẳng cố hữu trong tiếp cận y tế, giáo dục và việc làm. Bà Bachelet cho rằng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã có "tác động tàn phá" đối với người gốc Phi.
"Virus này đang phơi bày những bất bình đẳng cố hữu bị phớt lờ trong thời gian quá dài. Tại Mỹ, các cuộc biểu tình nổ ra xuất phát từ cái chết của George Floyd đang nhấn mạnh không chỉ bạo lực của cảnh sát nhằm vào người da màu, mà còn cả những bất bình đẳng trong y tế, giáo dục, tuyển dụng và sự phân biệt chủng tộc cố hữu".
Trong khi đó, Đại diện Cấp cao về Chính sách đối ngoại và An ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell kêu gọi chính quyền Mỹ kiềm chế "sử dụng vũ lực thái quá" khi các cuộc biểu tình về vụ việc này đang lan rộng ra khắp nước Mỹ và Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho quân đội can thiệp.