Nữ y tá "thần chết" người Anh

Thứ Sáu, 14/08/2020, 08:02
Beverley Allitt được người Anh gọi là "thần chết", là một trong những nữ sát nhân hàng loạt nổi tiếng và làm dậy sóng dư luận nước Anh trong thời gian dài.

Dư luận lên án mạnh mẽ vì Allitt thực hiện hành vi tàn độc với nhiều em bé đang bị bệnh và không có khả năng tự vệ. Có điều đặc biệt là, dù phải chịu mức án nặng nhưng Allitt lại không bị giam giữ trong các nhà tù như các tội phạm khác mà thay vào đó là thụ án tại một bệnh viện an ninh Rampton ở Nottingham. Điều này có vẻ rất vô lý với tội phạm giết người hàng loạt.

Những cái chết bất thường tại bệnh viện

Ngày 21-2-1991, bé Liam Taylor mới 7 tháng tuổi được gia đình đưa vào khu trẻ em với tình trạng sung huyết phổi. Allitt cố gắng trấn an bố mẹ bệnh nhân rằng bé có đủ khả năng, và thuyết phục họ về nhà nghỉ ngơi. 

Khi họ quay lại, y tá Allitt nói với họ rằng Liam đã bị cấp cứu về đường hô hấp, nhưng đã bình phục. Cô tình nguyện làm nhiệm vụ thêm ban đêm để có thể trông chừng cậu bé và bố mẹ cậu cũng chọn qua đêm tại bệnh viện.

Liam bị một cơn khủng hoảng hô hấp khác ngay trước nửa đêm, nhưng có cảm giác rằng đã vượt qua. Tuy nhiên, Allitt đã bỏ lại cậu bé khiến tình trạng sức khỏe của cậu bé trở nên tồi tệ: Da mặt nhợt nhạt và xuất hiện những vết đỏ, lúc đó Allitt đã triệu tập một đội hồi sức cấp cứu. 

Bất chấp những nỗ lực của đội cấp cứu, Liam bị tổn thương não nghiêm trọng và nhờ sự trợ giúp của máy. Theo lời khuyên của bác sĩ, gia đình đưa ra quyết định đau đớn, loại bỏ đứa con khỏi sự hỗ trợ sự sống, và nguyên nhân cái chết của cậu bé được ghi là suy tim.

Nữ y tá thần chết Allitt.

Chỉ hai tuần sau cái chết của Taylor, nạn nhân tiếp theo là Timothy Hardwick, một cậu bé 11 tuổi bị bại não, được nhập viện sau một cơn động kinh vào ngày 5-3-1991. Allitt đã tiếp nhận công việc chăm sóc cậu bé nhưng đã bỏ mặc. Bác sĩ hồi sức cấp cứu được triệu tập nhưng đã quá muộn. Khám nghiệm tử thi sau đó xác định động kinh là nguyên nhân khiến Hardwick thiệt mạng.

Ngày 3-3-1991, bé Kayley Desmond, 1 tuổi, nhập viện bị nhiễm trùng ngực đã phục hồi tốt và được y tá Allitt chăm sóc. Năm ngày sau, Kayley bị ngừng tim trên chính chiếc giường nơi Liam Taylor đã chết hai tuần trước đó. Khám nghiệm tại bệnh viện khác ở Nottingham đã phát hiện ra một lỗ thủng kỳ lạ dưới nách của bệnh nhân. Họ cũng phát hiện ra một bong bóng khí gần vết thủng mà họ cho là do vô tình tiêm thuốc, nhưng không có cuộc điều tra nào được tiến hành. 

Ngày 20-3-1991, Paul Crampton, 5 tháng tuổi do nhiễm trùng phế quản không nghiêm trọng. Cậu bé bị phát hiện có quá nhiều insulin trong cơ thể nhưng được cấp cứu kịp thời. Ngày hôm sau, Bradley Gibson, 5 tuổi, một người bị viêm phổi, đột ngột ngừng tim, nhưng đã được đội hồi sức cứu sống. Các xét nghiệm máu sau đó cho thấy bệnh nhân có insulin cao hơn bình thường.

Vào ngày 22-3-1991, nạn nhân Yik Hung Chan, 2 tuổi điều trị tại khoa đã phải chuyển đến bệnh viện lớn hơn ở Nottingham sau đó đã bình phục. Bệnh nhân được cho là do vỡ hộp sọ, hậu quả của một cú ngã.

Tiếp theo, là trường hợp của cặp song sinh Katie và Becky Phillips 2 tháng tuổi được giữ lại ở khoa để theo dõi do sinh non. Theo đó, Becky được chẩn đoán đau dạ dày và vào viện ngày 1-4-1991. Hai ngày sau Becky bị hạ đường huyết và lạnh, nhưng không phát hiện ra bệnh tật. Bé Becky được mẹ cho về nhà ngoại.

Trong đêm, bé lên cơn co giật rồi tử vong không rõ nguyên nhân. Khám nghiệm tử thi, các nhà nghiên cứu bệnh học không thể tìm ra nguyên nhân tử vong rõ ràng.

Người em song sinh của Becky là Katie được đưa vào Grantham điều trị và phải cấp cứu do không thở được. Hai ngày sau, Katie lại bị một cuộc tấn công tương tự dẫn đến việc dập phổi. Sau một nỗ lực hồi sinh khác, cô bé được chuyển đến Nottingham, nơi người ta phát hiện ra rằng bé đã bị gãy 5 xương sườn và tổn thương não nghiêm trọng do thiếu oxy.

Bài báo viết về hành vi của Allitt.

Bí mật điều tra

Những trường hợp bất thường ở Khoa Nhi đã khiến nghi ngờ nổi lên và tập trung vào Allitt. Đặc biệt trước cái chết của Claire Peck, 15 tháng tuổi, vào ngày 22-4-1991, một bệnh nhi hen suyễn phải đặt ống thở. Khi được Allit chăm sóc chỉ vài phút, đứa trẻ sơ sinh bị đau tim. Đội hồi sức đã hồi sinh cô bé thành công nhưng khi còn lại một mình Allitt, bé Claire lại phải chịu một đợt tấn công thứ hai, khiến bé không thể hồi sinh.

Trước những nghi ngờ này một cuộc điều tra đã được tiến hành bởi một nhà tư vấn tại bệnh viện, Tiến sĩ Nelson Porter, người đã báo động về số lượng cao các ca ngừng tim trong hai tháng trước đó tại khoa dành cho trẻ em. 

Ban đầu người ta nghi ngờ một loại virus trong không khí, nhưng không tìm thấy gì. Một cuộc kiểm tra cho thấy nồng độ kali trong máu của bé Claire cao bất thường khiến cảnh sát triệu tập Allitt 18 ngày sau đó. Quá trình khai quật tử thi của Claire đã phát hiện ra dấu vết của Lignocaine, một loại thuốc được sử dụng làm ngừng tim.

Sĩ quan cảnh sát Stuart Clifton đã nghi ngờ có hành vi giết người và ông đã kiểm tra các trường hợp đáng ngờ khác xảy ra trong hai tháng trước đó. Ông thấy rằng hầu hết liều lượng insulin trong các tử thi cao bất thường. Các bằng chứng khác cho thấy Allitt đã báo mất chìa khóa trong tủ lạnh đựng insulin. Tất cả hồ sơ đã được kiểm tra, cha mẹ của nạn nhân đã được phỏng vấn và cảnh sát cũng kiểm tra các camera an ninh.

Kiểm tra hồ sơ bệnh viện, cảnh sát thấy thiếu nhật ký điều dưỡng hằng ngày, tương ứng với khoảng thời gian bệnh nhân Paul Crampton đã ở trong bệnh viện.

Những nạn nhân của Allitt.

Bắt giữ và xét xử

Ngày 26-7-1991, cảnh sát có đủ bằng chứng để buộc tội Allitt về tội giết người, nhưng phải đến tháng 11-1991, Allitt mới chính thức bị buộc tội.

Allitt tỏ ra bình tĩnh và kiềm chế khi bị thẩm vấn đồng thời phủ nhận cáo buộc của cảnh sát và khẳng định cô chỉ chăm sóc cho các nạn nhân. Khám xét nhà của Allitt cảnh sát thu giữ các phần của nhật ký điều dưỡng bị mất. Lúc này, lịch sử con người Allitt mới được dư luận biết đến.

Beverley Allitt sinh năm 1968 và ngay từ bé đã bộc lộ một số xu hướng đáng lo ngại. Biểu hiện đáng chú ý là việc đeo băng và băng bó vết thương để thu hút sự chú ý của mọi người nhưng không cho ai được kiểm tra vết thương. 

Cô ta thừa cân khi ở tuổi vị thành đã luôn tìm cách thu hút sự chú ý bằng cách tỏ ra hung hăng với người khác. Cô ta dành thời gian để đến các bệnh viện, tìm kiếm sự chăm sóc y tế vì một chuỗi bệnh tật, mà đỉnh điểm là việc cắt bỏ ruột thừa trong khi hoàn toàn khỏe mạnh. Vết thương của cô ta rất chậm lành vì thường xuyên bị can thiệp không đúng cách.

Các chuyên gia nhận xét, hành vi của Allitt ở tuổi vị thành niên dường như là điển hình của hội chứng Munchausen và khi hành vi này không thể gây ra phản ứng mong muốn ở người khác, cô ta  bắt đầu làm hại người khác để thỏa mãn mong muốn được chú ý.

Trong thời gian học nghề y tá, Allitt luôn có những hành vi kỳ quặc, chẳng hạn như bôi phân lên tường trong một viện dưỡng lão nơi cô được đào tạo. Bạn trai của Allitt nói rằng, cô ta hung hăng, lôi kéo và lừa đảo, tuyên bố mang thai giả, cũng như bị cưỡng hiếp, trước khi kết thúc mối quan hệ.

Bất chấp tiền sử đi học kém và liên tiếp thất bại trong các kỳ kiểm tra điều dưỡng, năm 1991, cô được nhận vào làm hợp đồng tạm thời 6 tháng tại Bệnh viện Grantham & Kesteven vì thiếu nhân sự. Allitt làm việc tại khoa trẻ em, nơi chỉ có hai y tá được huấn luyện vào ca ngày và một y tá vào ban đêm, điều này có thể giải thích cho việc hành vi bạo lực, tìm kiếm sự chú ý của cô ta đã không bị phát hiện.

Sau một loạt các phiên xét xử, Allitt bị buộc tội 4 tội danh giết người, 11 tội danh cố ý giết người và 11 tội danh gây tổn thương cơ thể.

Sau nhiều lần trì hoãn vì "bệnh tật", Allitt đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án Nottingham Crown vào ngày 15-2-1993. Bằng chứng về các chỉ số insulin và kali cao ở mỗi nạn nhân, cũng như vết tiêm và đâm ma túy, cũng liên quan đến Allitt được làm rõ. Allitt bị cáo buộc đã cắt đứt lượng oxy của nạn nhân, bằng cách thổi ngạt hoặc giả mạo máy móc.

Sau phiên tòa kéo dài gần hai tháng, ngày 23-5-1993, Allitt bị kết án 13 án chung thân cho tội giết người và cố gắng giết người.

Hậu quả

Tác động của trường hợp của Allitt đối với Bệnh viện Grantham & Kesteven nghiêm trọng đến mức bệnh viện đã phải đóng cửa. Thay vì phải vào tù, Allitt bị giam giữ tại Bệnh viện Rampton Secure ở Nottingham, một cơ sở an ninh, chủ yếu giam giữ những người phạm tội theo Đạo luật Sức khỏe Tâm thần. Là một tù nhân tại Rampton, Allitt lại bắt đầu hành vi tìm kiếm sự chú ý, nuốt thủy tinh mài và đổ nước sôi lên tay. 

Allitt đã thừa nhận thực hiện 3 trong số các vụ giết người đã bị buộc tội, cũng như 6 trong số các vụ tấn công. Bộ Nội vụ đưa Allitt vào danh sách những tội phạm không bao giờ đủ điều kiện để được ân xá.

Gần đây, Allitt là chủ đề của một cuộc điều tra của Mirror Newspaper về thông tin nhận được hơn 40.000USD tiền trợ cấp của Nhà nước kể từ khi bị giam giữ vào năm 1993. Vào tháng 8-2006, Allitt nộp đơn xin xem xét lại bản án nhưng chưa được chấp nhận. Hiện Allitt vẫn thụ án ở Rampton. 
Mạnh Thắng
.
.
.