Nóng bỏng cuộc chạy đua robot: Chạy đua về “lượng”

Thứ Tư, 19/09/2018, 10:52
Hiện nay loài người đang ở trong một giai đoạn thay đổi công nghệ mới cực kỳ quan trọng: Một cuộc “cách mạng Robot”. Và để có thể nắm lấy lợi thế đi trước đón đầu, các cường quốc công nghệ đang có một cuộc chạy đua ngấm ngầm trong lĩnh vực tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.

Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR) ngày 7-2-2018 đã công bố một báo cáo, cho biết quá trình ứng dụng robot vào hoạt động sản xuất trên thế giới hiện nay đang gia tăng.

Theo báo cáo, cứ 10.000 nhân viên con người thì có 74 “nhân viên” robot tham gia trong các ngành công nghiệp sản xuất toàn cầu năm 2017, tăng gần 10 robot so với năm trước đó (2016).

Hàn Quốc đi đầu

Theo báo cáo của IFR, 10 quốc gia/vùng lãnh thổ robot hóa hàng đầu trên thế giới là: Hàn Quốc, Singapore, Đức, Nhật Bản, Thụy Điển, Đan Mạch, Mỹ, Ý, Bỉ và Đài Loan. Trong đó, khu vực có sự tăng trưởng mạnh nhất trong tự động hóa là châu Á.

Từ năm 2010, Hàn Quốc đã dẫn đầu về mật độ robot trong các ngành công nghiệp sản xuất. Mật độ robot của quốc gia vượt quá mức trung bình toàn cầu tới 8 lần, với 631 đơn vị. Tốc độ tăng trưởng cao này là kết quả của việc tiếp tục lắp đặt một lượng lớn robot đặc biệt trong ngành công nghiệp điện/điện tử và trong ngành công nghiệp ô tô. Singapore là nước về nhì với tỷ lệ 488 robot/10.000 nhân viên trong năm 2016. Khoảng 90% robot được lắp đặt trong ngành công nghiệp điện tử ở Singapore.

Xét về mật độ robot, Nhật Bản xếp hạng thứ 4 trên thế giới. Năm 2016, 303 robot được lắp đặt trên 10.000 nhân viên trong ngành sản xuất - sau xếp hạng thứ 3 của Đức (309 robot). Tuy nhiên, Nhật Bản hiện là nhà sản xuất robot công nghiệp chiếm hàng đầu thế giới, với năng lực sản xuất của các nhà cung cấp trong nước đạt 153.000 chiếc trong năm 2016 - mức cao nhất từng được ghi nhận. Hiện nay, các nhà sản xuất của Nhật Bản cung cấp 52% nguồn cung robot toàn cầu.

Dù không có tên trong top 10 nước tự động hóa cao nhất thế giới, nhưng Trung Quốc là nơi có mật độ robot gia tăng nhanh nhất trên thế giới, với mức tăng từ 25 đơn vị năm 2013 lên 68 đơn vị năm 2016. 

Hiện mật độ robot của Trung Quốc đứng thứ 23 trên thế giới, và Bắc Kinh đang đặt mục tiêu sẽ gia nhập top 10 quốc gia tự động hóa mạnh nhất thế giới vào năm 2020. Khi đó, mật độ robot của Trung Quốc sẽ tăng lên 150 đơn vị. 

Nước này cũng đặt mục tiêu bán được tổng cộng 100.000 robot công nghiệp sản xuất trong nước vào năm 2020. Năm 2017, các doanh nghiệp trong nước đã mua tổng cộng 27.000 robot từ các nhà cung cấp robot Trung Quốc và 60.000 robot từ các nhà cung cấp nước ngoài.

Châu Âu vẫn dẫn trước

Xét theo khu vực, mật độ robot trung bình ở châu Âu là dẫn đầu, với 99 đơn vị, theo sau là châu Mỹ với 84. Tuy nhiên, với 63 đơn vị năm 2017, châu Á được xem là nơi có tốc độ tăng trưởng “dân số” robot cao nhất thế giới. 

Junji Tsuda, Chủ tịch IFR, cho biết: “Do khối lượng lắp đặt robot ở châu Á cao trong những năm gần đây, khu vực này có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Từ năm 2010 đến 2016, tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm của mật độ robot ở châu Á là 9%, châu Mỹ là 7% và châu Âu là 5% ”.

Quốc gia tự động hóa cao nhất của châu Âu là Đức - xếp thứ 3 trên thế giới với 309 đơn vị. Nguồn cung hàng năm và số robot hoạt động trong các ngành công nghiệp ở nước này năm 2016 chiếm lần lượt 36% và 41% tổng doanh số bán robot tại châu Âu. Giai đoạn 2018 - 2020, nguồn cung hàng năm ở Đức dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ít nhất 5% mỗi năm do nhu cầu ngày càng cao về robot trong ngành công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp ô tô nói riêng.

Pháp có mật độ robot là 132 đơn vị (xếp thứ 18 trên thế giới), cao hơn mức trung bình toàn cầu nhưng tương đối yếu so với các nước EU khác. Các thành viên EU như Thụy Điển (223 chiếc), Đan Mạch (211 chiếc), Ý (185 chiếc) và Tây Ban Nha (160 chiếc) được hưởng mức tự động hóa cao hơn nhiều bằng cách sử dụng robot công nghiệp trong phân khúc sản xuất. 

Nhưng dưới chính phủ mới, Pháp đang trong quá trình lấy lại năng lực cạnh tranh trong các lĩnh vực sản xuất của mình. Điều này có thể thúc đẩy việc lắp đặt các robot mới trong vài năm tới. Năm 2017, số lượng lắp đặt robot tại Pháp ước tính tăng khoảng 10%. Giai đoạn 2018 -2020, ước tính tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm của nước này từ 5-10%, theo IFR.

Trong khi đó, Anh là quốc gia duy nhất của G7 có mật độ robot dưới mức trung bình của thế giới, với 71 đơn vị, xếp thứ 22 toàn cầu. Theo IFR, mật độ robot thấp là dấu hiệu của thực tế nước Anh có khả năng tự động hóa trong sản xuất công nghiệp chưa cao. Mặc dù London đã quyết định rời khỏi EU (Brexit), hiện tại vẫn có rất nhiều kế hoạch đầu tư được đề xuất để mở rộng năng lực và hiện đại hóa các công ty ô tô trong và ngoài nước.

Các nước Đông Âu như Slovenia (137 đơn vị, đứng thứ 16 trên thế giới) và Slovakia (135 đơn vị, xếp thứ 17) đều có mật độ robot cao hơn Thụy Sĩ (128 đơn vị, xếp thứ 19). 

Cộng hòa Séc xếp thứ 20 trên quy mô toàn cầu với 101 đơn vị. Nguồn cung robot tại Cộng hòa Séc và Slovakia chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu của ngành công nghiệp ô tô. 

Slovenia là nước thành công nhất trong số các nước Balkan với 60% tổng số lượng cung cấp robot được sử dụng chủ yếu trong ngành công nghiệp ô tô (387 robot, tăng 33% so với năm 2015).

Mỹ xếp thứ 7

Mật độ robot tại Mỹ tăng đáng kể lên 189 robot/10.000 nhân viên vào năm 2016, trở thành quốc gia đứng thứ 7 trên thế giới. Từ năm 2010, nhu cầu hiện đại hóa các cơ sở sản xuất trong nước đã thúc đẩy doanh số bán robot tại Mỹ. 

Động lực chính của sự tăng trưởng này là xu hướng liên tục tự động hóa sản xuất nhằm tăng cường các ngành công nghiệp Mỹ trên thị trường toàn cầu và củng cố năng lực sản xuất trong nước. 

Ngành công nghiệp ô tô vẫn dẫn đầu là khách hàng chính của robot công nghiệp với khoảng 52% tổng doanh thu năm 2016. IFR dự báo doanh số bán robot tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng từ năm 2017 đến 2020 với mức trung bình ít nhất 15% mỗi năm.

Mật độ robot tại Canada đã tăng lên và đạt 145 đơn vị năm 2016, xếp thứ 13 trên thế giới. Tăng trưởng chủ yếu do việc lắp đặt trong ngành công nghiệp ô tô. 

Việc Mexico ngày càng đóng vai trò như một trung tâm sản xuất cho các nhà sản xuất ô tô và các nhà cung cấp phụ tùng ô tô xuất khẩu sang Mỹ và Nam Mỹ đã biến ngành công nghiệp ô tô nước này trở thành khách hàng chính của ngành robot với tỷ trọng 81% năm 2016. 

Dù vậy, mật độ robot ở nước này chỉ đạt mức 33 đơn vị, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới với 74 đơn vị, đứng thứ 31 trên toàn cầu.

(Còn tiếp)

Vinh Trang
.
.
.