Nóng bỏng cuộc chạy đua Robot: So kè về "chất"
Ngày 29-6 vừa qua đã đánh dấu một bước tiến mới của nỗ lực thông minh hóa các robot khi công ty vũ trụ tư nhân SpaceX lần đầu tiên đưa một “phi hành gia” robot với trí tuệ nhân tạo lên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS).
Mỹ vẫn “vô đối”
Những gã khổng lồ của Thung lũng Silicon như Facebook, Amazon, Google và Tesla đã và đang đầu tư hàng tỷ USD để khai thác sức mạnh của máy tính, nhằm thay thế một số tác vụ của con người. Họ đã đạt được những tiến bộ đáng kể khi nghiên cứu chế tạo thành công những loại máy móc có thể thay thế con người trong các lĩnh vực như nông nghiệp và thậm chí là y học, chưa kể đến cuộc chạy đua để đưa xe tự lái lên trên đường phố.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, tính đến cuối năm 2017, Mỹ vẫn là quốc gia “vô đối” trong lĩnh vực công nghệ AI. David Kanter, Trưởng Cố vấn công nghiệp chip của Real World Insights, cho biết thêm: “Hầu hết các chip tập trung vào AI đều do các công ty Mỹ phát triển và điều đó sẽ là một mối đe dọa lâu dài đối với Trung Quốc”.
UBS dự đoán thị trường chip AI sẽ bùng nổ tới 35 tỷ USD vào năm 2021, tăng khoảng 6 tỷ USD trong năm 2016. Nhưng cổ phần AI cao hơn doanh số bán chip. Công nghệ AI dự kiến sẽ biến đổi nền kinh tế. Trí thông minh nhân tạo được gọi là công nghệ "người chiến thắng lấy tất cả", có nghĩa là các công ty và các quốc gia đạt được lợi thế sẽ xây dựng dựa trên sự dẫn dắt đó theo thời gian.
Tất cả phần mềm AI cần sức mạnh tính toán để tìm các mẫu và đưa ra suy luận từ số lượng lớn dữ liệu. Cuộc đua sắp tới sẽ là xây dựng chip AI cho các trung tâm dữ liệu, xe tự lái, robot, điện thoại thông minh, máy bay không người lái và các thiết bị khác… "Cuộc chiến tranh giành vị trí lãnh đạo AI là cuộc chiến lớn nhất trong cuộc đời của chúng tôi", Gary Dickerson, Giám đốc điều hành nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip (AMAT), cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Hiện nay, Mỹ đang dẫn đầu trong các công ty AI khởi nghiệp và triển khai thương mại. Các công ty Fortune 500 của Mỹ đang thúc đẩy các công cụ phân tích AI vào các lĩnh vực như: tài chính, chăm sóc sức khỏe, năng lượng, nông nghiệp, an ninh mạng...
Các gã khổng lồ công nghệ như Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google), Facebook và Microsoft đã đi trước trong việc áp dụng phần mềm AI để nhận dạng giọng nói, tìm kiếm trên internet và phân loại hình ảnh. Khả năng AI của Amazon.com giúp tối ưu các dịch vụ điện toán đám mây và trợ lý kỹ thuật số bằng giọng nói.
Trung Quốc muốn rút ngắn khoảng cách
Cùng với sự bùng nổ kinh tế qua nhiều thập kỷ tăng trưởng thần tốc, một Trung Quốc rủng rỉnh tiền nay đang nhắm tới mục tiêu vượt qua Mỹ trong phát triển AI. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang đặt cược vào trí tuệ nhân tạo. Những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc như Baidu và Tencent đã thành lập trung tâm nghiên cứu AI tại Mỹ và ra sức giành giật các nhân tài về AI với các nhà công nghệ của Thung lũng Silicon.
Jack Ma, người sáng lập, Chủ tịch của Alibaba và hiện đang là người giàu nhất Trung Quốc, cho rằng trí tuệ nhân tạo sẽ mang đến một sự thay đổi lớn trong xã hội, với robot thay thế nhiều CEO cũng như giảm bớt số lượng nhân viên cấp cao.
Tuy nhiên, khác với Mỹ, sự thúc đẩy lớn nhất tới thế giới mới này tại Trung Quốc lại đến từ chính phủ. "Bạn có thể nhìn vào lịch sử và thấy rằng Trung Quốc đã rất thành công, với những khoản tài trợ của nhà nước trong việc phát triển cơ sở hạ tầng của quốc gia này. Và họ đang thực hiện cách tiếp cận tương tự với trí tuệ nhân tạo, và tôi nghĩ rằng điều này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích", Malcolm Frank, Giám đốc chiến lược của Công ty Cognizant, nói.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng cho ngành công nghiệp trị giá 150 tỷ USD này. Ngày 21-7-2017, Bắc Kinh đã đưa ra một lộ trình với mong muốn đưa đất nước đứng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ.
"Đến năm 2020, công nghệ và cơ sở nghiên cứu AI của Trung Quốc sẽ sánh ngang với các quốc gia đang dẫn đầu", Li Meng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đã nói. Ông Li Meng hy vọng nước này sẽ có được "một bước đột phá lớn", và Trung Quốc sẽ trở thành "trung tâm phát triển AI" của thế giới vào năm 2030.
Kế hoạch hành động về trí tuệ nhân tạo của Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh Mỹ sẵn sàng tăng cường kiểm soát các khoản đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, do lo ngại rằng các nước trong đó có Trung Quốc có thể tiếp cận công nghệ có tầm quan trọng chiến lược trong lĩnh vực quân sự.
Chính phủ Trung Quốc cho biết "tình hình an ninh quốc gia và cạnh tranh quốc tế phức tạp" là một phần của động lực thúc đẩy công nghệ AI nước này. Họ sẽ chủ động "nắm bắt giai đoạn phát triển mới đối với AI và tạo ra một cạnh tranh mới".
Song đó, Trung Quốc cũng lên kế hoạch chi tiêu cho ngành công nghiệp bán dẫn. Và họ đã chi 20 tỷ USD vào một dự án ngành công nghiệp chip mới và con số này có thể lên tới 150 tỷ USD. Trung Quốc cũng mua hầu hết các loại chip cao cấp từ các nhà cung cấp nước ngoài.
Khi robot “giành giật” việc làm của con người
Sự phát triển của robot cũng có những mặt trái, nổi bật là lo ngại việc làm của con người bấp bênh hơn. Tự động hóa tạo ra một số công việc có tay nghề cao, trả lương cao nhưng lại đẩy những người khác vào công việc có chi phí thấp và bấp bênh.
Một báo cáo năm 2017 từ Đại học Oxford và Hãng kiểm toán Deloitte cho thấy 35% số công việc ở Anh đang đứng trước nguy cơ “tuyệt chủng” từ tự động hoá trong vòng 20 năm tiếp theo.
Kết quả cho thấy công nhân nhà máy đứng đầu danh sách, với 44% số người cho rằng công việc này sẽ sớm trở thành dĩ vãng trong tương lai. Thứ hai là nhân viên thu ngân tại siêu thị và cửa hàng, với 40% số người cho rằng họ sẽ dễ bị mất việc vào tay robot vào năm 2037.
Tại Mỹ, số liệu cho thấy số lượng việc làm tại các nhà máy đã giảm 16% trong thập kỷ qua. Theo một nghiên cứu của Đại học Oxford, khoảng một nửa trong số các ngành nghề có nguy cơ biến mất do kết quả của tự động hóa và hơn 80% các công việc được trả dưới 20 USD/giờ ở Mỹ có thể được thay thế bằng robot với AI.
Sau nhiều năm nghiên cứu, giáo sư Erik Brynjolfsson thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) kết luận rằng ở các nước công nghệ tiên tiến như Mỹ, sự phát triển không ngừng của AI đã lấy đi nhiều việc làm hơn nó đã tạo ra. Công nghệ tiên tiến phát triển quá nhanh, khiến các công ty, nhà máy không thể thích ứng kịp thời, do đó nhiều công nhân không thể cập nhật hết các kỹ năng làm việc có hiệu quả.