Nỗi kinh hoàng mang tên Abu Sayyaf ở miền Nam Philippines
- Thủ lĩnh tổ chức Hồi giáo Abu Sayyaf bị bắt tại Kuala Lumpur?
- Thêm một công dân Việt Nam bị nhóm Abu Sayyaf giết hại
Đây chỉ là một trong nhiều vụ tấn công do các tay súng của nhóm phiến quân này nhằm vào lực lượng cảnh sát và quân đội Philippines trong những năm gần đây.
Gây tiếng vang từ khủng bố
Abu Sayyaf là một trong các nhóm quân sự ly khai theo chủ nghĩa Hồi giáo tách ra từ tổ chức Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro (MNLF) ở miền Nam Philippines năm 1991.
Đặt căn cứ tại Bangsamoro (Jolo và Basilan), nơi mà trong suốt 30 năm qua đã có nhiều nhóm Hồi giáo khác nhau tham gia và cuộc nổi dậy đòi độc lập, Abu Sayyaf mong muốn xây dựng một nhà nước Hồi giáo độc lập bằng những vụ khủng bố.
Nhận được 6 triệu USD từ al-Qaeda, dưới sự lãnh đạo của Abdurajak Abubakar Janjalani - người từng được trùm khủng bố Osama bin Laden đào tạo, Abu Sayyaf nhanh chóng gieo rắc nỗi kinh hoàng với những cuộc tấn công liều lĩnh và cách hành xử máu lạnh.
Kể từ khi thành lập nhóm Abu Sayyaf đã thực hiện các vụ đánh bom, bắt cóc, ám sát và tống tiền trong những gì mà họ mô tả là cuộc chiến để lập ra một địa phận Hồi giáo độc lập tại Philippines.
Để phô trương thanh thế và khẳng định "số má", năm 1995, Abu Sayyaf đã thực hiện vụ thảm sát kinh hoàng tại thị trấn Ipil thuộc tỉnh Zamboanga Sibugay, Philippines. Hai trăm thành viên của Abu Sayyaf đã giết Cảnh sát trưởng, bắt cóc 30 người dân làm con tin, đốt phá và cướp hơn 19 triệu USD từ các ngân hàng.
Abu Sayyaf cũng là thủ phạm gây ra vụ đánh chìm phà Superferry 14 năm 2004, khiến 116 người thiệt mạng. Chúng thậm chí thực hiện hàng loạt vụ giết hại dân thường như sát hại 6 công nhân nhà máy cao su ở Basilan năm 2012, chiếm đồn cảnh sát ở Basilan năm 2015 hay giết 7 binh sĩ trong vụ đụng độ ở Jolo năm 2012...
Nhưng sự tàn bạo của tổ chức này chỉ được cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý sau khi cảnh tượng hành quyết công dân Mỹ Guillermo Sobero đăng tải trên Internet năm 2001. Hình ảnh du khách người Mỹ bị cứa cổ bằng dao rựa, biểu tượng của Abu Sayyaf, dưới sự hò reo của các chiến binh, đã bị cộng đồng quốc tế lên án kịch liệt.
Hiện nay Abu Sayyaf được coi là nhóm phiến quân quy mô nhỏ nhất, nhưng lại là nhóm hoạt động mạnh nhất ở miền Nam Philippines. Với khoảng 400 thành viên, nhóm này hoạt động mạnh tại các tỉnh nghèo là Sulu và Basilan.
Các tay súng Abu Sayyaf thông thạo địa hình và cách chiến đấu trong khu vực rừng núi ở miền Nam Philippines. Vì có quy mô nhỏ nên tổ chức này phân tán lực lượng và thực hiện chiến tranh du kích.
Trong nhiều năm, Abu Sayyaf cũng nhận được hậu thuẫn về tiền bạc, vũ khí và được đào tạo kỹ năng chiến đấu từ IS. Từ tháng 3-2016, chúng đẩy mạnh các hoạt động cướp biển. Với phần lớn con tin được cứu bằng tiền chuộc, chúng đã kiếm được hàng triệu USD .
Cảnh sát và binh sĩ Philippines phong tỏa hiện trường một vụ tấn công ở TP Jolo, tỉnh Sulu ngày 27-1-2019. |
Cuộc chiến dai dẳng
Năm 2002, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa Abu Sayyaf vào danh sách các nhóm khủng bố. Gần 20 năm qua, sau khi Mỹ đổ quân xuống Philippines để giúp nước này chống lại nhóm khủng bố Abu Sayyaf ở miền Nam nước này, nhưng cho đến nay kết quả đạt được không như mong đợi.
27-1- 2019, hai quả bom phát nổ tại Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Núi Carmel thuộc Giáo hội Công giáo Roma ở Jolo, Sulu, Philippines. 21 người đã thiệt mạng và 100 người khác bị thương trong vụ tấn công.
Tổng thống Rodrigo Duterte và quân đội cho rằng Abu Sayyaf đứng sau vụ đánh bom nhà thờ, dù đến nay chỉ có IS đứng ra nhận trách nhiệm. Ông Duterte đến Sulu vào ngày 28-1 và ra lệnh cho quân đội tiêu diệt toàn bộ nhóm Abu Sayyaf "bằng mọi cách".
Đã có nhiều chiến dịch được quân đội Philipines triển khai tấn công vào sào huyệt của Abu Sayyaf nhưng các vụ khủng bố đẫm máu vẫn diễn ra. Vào đầu tháng 2- 2020, năm binh sĩ Philippines đã thiệt mạng trong cuộc giao chiến dữ dội với các tay súng Abu Sayyaf ở tỉnh Sulu.
Có khoảng 150 tay súng của Abu Sayyaf đang cố thủ tại thị trấn Patikul của tỉnh Sulu. Các tay súng Abu Sayyaf được cho là nằm dưới sự lãnh đạo của chỉ huy phó Hatib Hajan Sawadjaan - người mà chính quyền Manila tin rằng đứng sau vụ đánh bom kép vào nhà thờ Thiên chúa giáo Jolo vào sáng 27-1.Tiếp đó ngày 18-4-2020, 11 binh sĩ quân đội Philippines cũng thiệt mạng và 14 binh sĩ khác bị thương trong vụ đấu súng với lực lượng Abu Sayyaf tại tỉnh Sulu.
Theo Trung tướng Cirilito Sobejana, Chỉ huy Bộ tư lệnh Tây Mindanao, các binh sĩ thuộc lữ đoàn bộ binh số 21 đang thực hiện chiến dịch đảm bảo an ninh tại thị trấn Patikul vào khoảng 15h (giờ địa phương) thì bị phục kích. Lực lượng phiến quân với khoảng 40 tên đã đấu súng với binh sĩ quân đội suốt 1 giờ.
Theo giới quan sát, với thực tế hiện nay, việc tiêu diệt tận gốc nhóm khủng bố này là nhiệm vụ không dễ của chính quyền Philippines.