Những vụ trộm không tưởng

Thứ Ba, 11/04/2017, 07:00
Từ khi biết tích trữ tài sản, loài người đồng thời phát triển một kỹ năng khác: trộm cướp. Người ta không chỉ trộm tiền bạc, hàng hóa mà còn trộm những tác phẩm nghệ thuật, thậm chí là thông tin, dữ liệu… Lịch sử nhân loại đã ghi lại những vụ siêu trộm có giá trị hàng chục triệu USD.


Kỳ 1: Đột nhập “thủ đô kim cương”

Năm 2003, một vụ trộm kim cương xảy ra ở tòa nhà Antwerp Diamond Centre của “thủ đô kim cương” Antwerp ở Bỉ đã trở thành một tin tức chấn động. Nhiều người gọi đó là “vụ trộm của thế kỷ”, một phần vì nó là vụ trộm kim cương lớn nhất cho tới thời điểm đó (trị giá 100 triệu USD, một phần vì kế hoạch hoàn hảo của vụ trộm, được so sánh với các pha hành động của bộ phim “Điệp vụ bất khả thi”.

Vượt 10 lớp an ninh, phá 100 triệu mật mã

Antwerp là một trong hai thủ phủ kim cương trên thế giới. Thủ phủ kim cương còn lại là Dubai (UAE). 80% số kim cương chưa cắt trên thế giới đều phải đi qua Antwerp và phần lớn kim cương sẽ được cất giữ trong một khoảng thời gian trong các hầm ngầm tại tòa nhà của Trung tâm Kim cương Antwerp (ADC). 

Số kim cương, đá quý đang trong thời gian ký gửi, giao dịch, mua bán sẽ được cất giữ ở một căn hầm nằm sâu dưới mặt đất với hệ thống bảo vệ nghiêm ngặt từng được mệnh danh là “không thể xuyên thủng”. 

Hiện trường vụ trộm thế kỷ.

Cụ thể, căn hầm được bảo vệ với 10 lớp an ninh tối tân, bao gồm các bộ phận cảm ứng nhiệt hồng ngoại, radar siêu âm, máy cảm biến từ trường, cảm biến địa chấn và mỗi tủ đựng kim cương đều được bảo vệ bằng một ổ khóa chìa và một ổ khóa số có thể kết hợp 100 triệu mật mã an ninh. Ngoài ra, cánh cửa của căn hầm được làm bằng thép nặng 3 tấn.

Người ta không biết vụ trộm diễn ra chính xác lúc nào, chỉ có thể đoán nó diễn ra một thời điểm nào đó trong 2 ngày cuối tuần 15 và 16-2-2003. Vụ trộm chỉ được phát hiện vào sáng thứ hai kế tiếp, ngày 17-2. Người ta tá hỏa khi phát hiện có đến 123 tủ ký gửi kim cương trong tổng số 160 tủ ở căn hầm đã bị lấy trộm. 

Lưu lại hiện trường là những vỏ hộp vứt bừa bãi, và cả những viên kim cương nhỏ. Trong 123 chiếc tủ bị mở, có 72 tủ được mở bằng chìa, số còn lại bị bọn trộm dùng các dụng cụ thô sơ để cạy phá. Cảnh sát nghi ngờ vụ trộm có liên quan đến “tay trong”, vì bọn trộm đã hoàn hảo lọt qua cả 10 lớp an ninh hiện đại. Ngoài ra, hầu như mọi không gian của tòa nhà đều có gắn camera an ninh.

 “Không có dấu hiệu đột nhập, vì vậy cảnh sát nghi ngờ đây là vụ trộm có tay trong, liên quan tới những người đang làm việc ở tòa nhà” - quan tòa Leen Nuyts nói với hãng CNN sau đó. Dựa vào số tủ đựng kim cương bị mở, người ta đoán rằng bọn trộm hoặc phải có rất nhiều tên, hoặc đã ở rất lâu trong căn phòng bị đột nhập mới có thẻ làm được điều đó.

Dấu vết từ miếng bánh cắn dở

Cảnh sát hầu như không giải thích được vì sao bọn trộm có thể làm được điều không tưởng: vượt hàng rào an ninh 10 lớp, lấy trộm và rời đi an toàn. Điều này chứng tỏ bọn trộm đã lên kế hoạch rất kỹ cho vụ trộm. 

Tuy nhiên, chúng lại mắc phải một sai sót khá sơ đẳng: để lại dấu vết DNA từ một mẫu sandwich cắn dở, được quẳng giữa những cái túi đựng kim cương vứt ở một rãnh nước gần hiện trường phạm tội. 

Sau đó, cảnh sát lại tìm thấy một dấu vết khác cực kỳ quan trọng. Chủ một khu rừng cách ADC khoảng 150km điện thoại báo cảnh sát ông đã vô tình phát hiện ra những vật nghi ngờ liên quan đến vụ siêu trộm. Đó là những đôi găng tay, túi nhựa đựng tài liệu, một ít tiền lẻ và cả những chiếc túi vải đựng kim cương của ADC. 

Khi chủ rừng thông báo, đội điều tra ngay lập tức đến hiện trường và thu thập được khá nhiều chi tiết quan trọng của vụ án, trong đó đáng kể nhất là một số mảnh vụn của phiếu giao dịch đá quý của ADC. Chắp nối lại các mảnh giấy vụn này, cảnh sát phát hiện ra tờ phiếu giao dịch có liên quan đến cái tên Leonardo Notarbartolo.

Ảnh minh họa.

Trong chiếc túi này, cảnh sát còn tìm thấy một vé thu phí giao thông tuyến đường cao tốc từ Italia đến Antwerp qua dãy núi Alpes, ngày giờ ghi trên hóa đơn cách thời điểm vụ mất trộm kim cương ở Antwerp không lâu. Ngoài ra, trong túi còn có một hóa đơn của một cửa hiệu kim hoàn ở Italia, trên đó có thống kê tên các loại đá quý đã bị mất trong vụ trộm. 

Với những chứng cứ trên, cảnh sát đã mở cuộc điều tra mở rộng và cuối cùng dẫn tới Italia. Nhóm trộm được xác định là các tay anh chị kỳ cựu thuộc băng Trường học Turin, trong đó có tên Leonardo Notarbartolo, người được mệnh danh là “Vua trộm”. 

Ngoài “Vua trộm” Notarbartolo còn có một tên khác với biệt danh “Nhà ảo thuật chìa khóa”. Tên này có lẽ chính là tên đã phá được mật mã các két sắt. Ngay sau khi xác định đầy đủ các bằng chứng Notarbartolo đã bị bắt giữ. 

Trong ngày Notarbartolo bị bắt, cảnh sát Italia đã phá vỡ hệ thống an toàn tại nhà hắn ở Turin và tìm thấy 17 viên kim cương đánh bóng kèm giấy chứng nhận xuất xứ từ Bỉ. Họ cũng tìm thấy các viên đá quý dưới tấm thảm trong căn hộ của hắn ở Antwerp. 

Tuy không có bằng chứng buộc tội Notarbartolo tham gia trực tiếp vào vụ trộm nhưng những bằng chứng gián tiếp cho thấy hắn chính là người vạch ra kế hoạch của vụ trộm hoàn hảo kia. Năm 2005, tòa án Bỉ tuyên án Notarbartolo 10 năm tù và phạt tiền 1,3 triệu USD. 

Về sau, Notarbartolo cho biết 3 năm trước khi thực hiện vụ trộm thế kỷ, hắn đã thuê một văn phòng có giá tới 700USD/tháng ở ADC và vào vai một lái buôn kim cương người Italia. Nhờ đó, hắn lần lượt làm được nhiều chìa khóa giả, lấy được thẻ an ninh có thể cho phép vào ADC 24/24. Cho đến nay, khoảng 20 tỷ USD kim cương bị đánh cắp không thu hồi lại được do bị bán ra thị trường chợ đen. Notarbartolo cũng được khoan hồng trước thời hạn nhờ cải tạo tốt.

Vĩnh Đông
.
.
.