Những tiết lộ mới từ "Hồ sơ Panama"

Thứ Năm, 23/02/2017, 08:49
Hãng CNN vừa dẫn lời của ông Ramon Fonseca và ông Jurgen Mossack, 2 nhà sáng lập công ty luật Mossack Fonseca tuyên bố, họ vô tội sau khi bị bắt trong cuộc đột kích tại trụ sở của họ mới đây.


Được biết, ông Ramon Fonseca và ông Juergen Mossack bị tạm giữ tối 9-2 và họ phải đối mặt với tội danh rửa tiền. Tổng chưởng lý Kenia Porcell tuyên bố, Công ty luật Mossack Fonseca đã "che giấu và tiêu hủy bằng chứng liên quan đến những người có dính dáng đến vụ tham nhũng tại Brazil". "Nói ngắn gọn là tiền từ các vụ hối lộ luân chuyển qua nhiều nơi khác nhau để có thể trở về Brazil", bà Kenia Porcell nhấn mạnh. 

Bà Kenia Procell còn cho biết, công ty luật Mossack Fonseca bị tình nghi rửa tiền và thành lập "một tổ chức tội phạm che giấu tài sản và tiền bạc có nguồn gốc đáng ngờ". Nhưng luật sư của Mossack Fonseca, ông Elias Solano cho rằng, các cáo buộc kể trên thiếu bằng chứng thuyết phục.

Ông Ramon Fonseca tuyên bố, hành động của chính quyền Panama là nỗ lực nhằm chuyển hướng sự chú ý của dư luận vào một vụ án khác, để "Hồ sơ Panama" rơi vào quên lãng. Đồng thời nhấn mạnh, trong hơn 10 tháng điều tra, giới chức Panama không thể đưa ra bất cứ bằng chứng nào cho thấy họ có tội.

Kể từ khi "Hồ sơ Panama" bị rò rỉ hồi tháng 4-2016, Công ty luật Mossack Fonseca luôn là tâm điểm chú ý của dư luận bởi họ bị cáo buộc giúp nhiều nhân vật nổi tiếng, có quyền lực trên thế giới giấu tiền và trốn thuế.

Hơn 10 ngày trước (9-2), ông Ramon Fonseca tiết lộ, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela có liên quan tới vụ bê bối tham nhũng tại tập đoàn xây dựng Odebrecht. Theo ông Ramon Fonseca, ông Juan Carlos Varela từng nói đã nhận tiền đóng góp của Odebrecht cho chiến dịch tranh cử năm 2014. 

Nhưng Tổng thống Juan Carlos Varela đã phủ nhận cáo buộc kể trên. Tổng thống Juan Carlos Varela cũng tuyên bố, sẽ công khai toàn bộ số tiền tài trợ cá nhân mà ông từng nhận được.

Ông Ramon Fonseca từng đặt câu hỏi về quá trình thẩm tra sơ sài trong dự án xây dựng giai đoạn 3 của con đường mang tên Cinta Costera tại Thủ đô Panama do Odebrecht đảm nhiệm. Bởi theo một số nhà thầu, dự án này có giá trị thi công thực tế trong khoảng 200-300 triệu USD, nhưng đã bị đội vốn lên tới 780 triệu USD.

Hai thành viên sáng lập công ty luật Mossack Fonseca, ông Jurgen Mossack (trái) và ông Ramon Fonseca.

Tổng thống Juan Carlos Varela cho biết, việc điều tra về các dự án của Odebrecht sẽ do Bộ Công cộng Panama đảm nhiệm, ngoài ra hai dự án do Chính phủ của ông cấp phép cũng sẽ được kiểm toán một cách kỹ lưỡng.

Những thông tin này xuất hiện trong bối cảnh, cơ quan công tố Panama vừa buộc tội nhận hối lộ và rửa tiền đối với 17 cựu quan chức và doanh nhân nước này liên quan tới việc Odebrecht đưa hối lộ 59 triệu USD để nhận các dự án công trị giá trên 9 tỷ USD tại Panama.

Hơn 8 tháng trước (16-6-2016), cảnh sát Thụy Sĩ đã bắt một kỹ sư tin học làm việc cho chi nhánh của Công ty luật Mossack Fonseca ở Geneva. Nhân viên này bị cáo buộc đánh cắp số lượng lớn dữ liệu từ kho lưu trữ của công ty Mossack Fonseca.

Bastian Obermayer, nhà báo và là người hỗ trợ đắc lực cho cuộc điều tra về "Hồ sơ Panama" của tờ Suddeutsche Zeitung (Đức) cho rằng, nghi can bị bắt tại Geneva dường như không phải là nguồn gây rò rỉ khối lượng thông tin khổng lồ kể trên.

Trong khi đó, Đài phát thanh Czech Radio.cz vừa dẫn cáo buộc của Thủ tướng Cộng hòa Czech Bohuslav Sobotka đối với Phó thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Tài chính Andrej Babis đã phạm tội trốn thuế và đạo đức giả. Cáo buộc kể trên được Thủ tướng Bohuslav Sobotka đưa ra tại cuộc họp của Chính phủ Cộng hòa Czech hôm 4-2.

Theo đó, ông Andrej Babis đã lừa dối đất nước và trốn thuế trong hợp đồng mua bán kỳ phiếu của tập đoàn Agrofert do Phó thủ tướng làm chủ. Hơn 1 tháng trước (12-1), Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) đã bác đơn kháng cáo của ngân hàng UBS (một trong những ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ) về việc phải nộp khoản thế chấp trị giá hơn 1 tỷ euro liên quan đến hành vi gian lận thuế. 

Phán quyết của ECHR là đòn giáng mạnh đối với những nỗ lực của UBS trong việc dàn xếp cuộc chiến pháp lý liên quan đến hành vi gian lận thuế tại Pháp. Bởi trước đó, Pháp đã điều tra UBS sau khi một số nhân viên cũ của ngân hàng này tiết lộ "UBS có hệ thống thiết lập tài khoản kép nhằm che giấu dòng tiền đến Thụy Sĩ trong giai đoạn 2004-2012".

Theo quyết định có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, Thụy Sĩ không còn được coi là thiên đường thuế nữa. Bởi kể từ 1-1-2017, các tổ chức tài chính tại Thụy Sĩ phải thu thập thông tin về khách hàng của họ sống ở nước ngoài và chuyển thông tin này mỗi năm một lần tới Cục thuế Liên bang Thụy Sĩ. Thông tin này sẽ được chia sẻ với các quốc gia hữu trách kể từ năm 2018. Và tới ngày 15-3-2017, Thụy Sĩ sẽ tham vấn về việc nước này muốn mở rộng trao đổi dữ liệu tài chính với nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuệ Sỹ
.
.
.