Những bà trùm trong thế giới ngầm
- Cái chết bí ẩn của "hoa hậu thế giới ngầm" Mexico
- Thế giới ngầm mafia, khủng bố và thị trường đen thuốc giảm đau gây nghiện
Chân dung những "bà trùm"
Một mái tóc dài bồng bềnh mầu hạt dẻ, một thân hình mảnh dẻ, dáng vẻ trẻ trung và lịch lãm, đó là chân dung của Luz Irene Fajardo Campos, một phụ nữ sinh ra ở bang Culiacán, Mexico. Nhưng Campos còn có biệt danh là "La Comadre", "La Madrina" hay "La Dona" và là kẻ cầm đầu một đường dây buôn lậu ma túy đa quốc gia, một đồng minh của cartel Sinaloa, từ hơn hai thập kỷ đã vận chuyển một khối lượng rất lớn cocain và methamphetamine vào Mỹ. Những thông tin này đã được Phó Tổng chưởng lý Brian Benczkowski, đại diện cho Bộ Tư pháp Mỹ công bố ngày 19/2/2020 trong một bản cáo trạng dài hơn 200 trang.
Cùng với những đứa con lớn của mình, Campos đã điều hành một đường dây buôn lậu ma túy, trực tiếp tìm mua cocaine ở Colombia, thuê máy bay và phi công để vận chuyển ma túy về Trung Mỹ và Mexico. Đường dây của Campos cũng hoạt động rất mạnh ở Ecuador và Panama.
Campos còn tổ chức nhập khẩu một số lượng lớn các "tiền chất" về Mexico sau đó chuyển tới một cơ sở bí mật chuyên chế biến các loại ma túy đá đặt tại vùng hoang mạc gần thành phố Hermosillo, thủ phủ tỉnh Sonora, sát biên giới với Mỹ. Mạng lưới phân phối ma túy của băng đảng này đã vươn những chiếc vòi bạch tuộc sang cả phía bên kia biên giới với Mỹ, chủ yếu đặt tại Tucson bang Arizona và Jakson bang Mississippi của Mỹ.
Sau nhiều lần trốn thoát khỏi các sự truy bắt, tháng 4/2017, Campos đã bị cơ quan kiểm soát nhập cư Colombia bắt giữ tại sân bay quốc tế Bogota (Colombia) và ngay lập tức được dẫn độ sang Mỹ. Với bản cáo trạng mà Bộ Tư pháp Mỹ vừa công bố, Campos có nguy cơ phải đối diện với một bản án 20 năm tù.
Năm 2017, Luz Irene Fajardo Campos đã bị bắt giữ tại sân bay quốc tế Bogota (Colombia) và ngay lập tức được dẫn độ sang Mỹ. |
Nhưng Campos không phải là người phụ nữ Mexico đầu tiên điều hành một đường dây buôn lậu ma túy xuyên quốc gia, cũng không phải người phụ nữ đầu tiên đã tạo lập được tên tuổi lừng lẫy trong thế giới của tội phạm có tổ chức và cô ta cũng sẽ không phải là người cuối cùng.
Tháng 6/2014, sau khi con trai là Fernando Sánchez Arellano, kẻ cầm đầu của băng đảng ma tuý Tijuana bị cảnh sát bắt giữ, lập tức mẹ của Arellano là Enedina trực tiếp điều hành. Enedina là em gái út trong số 7 anh em của gia đình Arellano Felix, những kẻ đã lập ra băng đảng Tijuana và độc quyền buôn bán ma túy xuyên biên giới dọc theo đường biên Mexico với bang California của Mỹ trong vài thập kỷ qua.
Trái với đường lối thích sử dụng bạo lực của những người anh và của con trai, khi lên nắm quyền lãnh đạo băngTijuana, Enedina đã tiến hành cải tổ bộ máy theo nguyên tắc chuyên môn hóa cao độ và thiết lập các liên minh rộng rãi với những tổ chức tội phạm khác. Ngay từ khi còn chưa giữ vị trí thủ lĩnh, Enedina vẫn luôn được giới tội phạm đánh giá cao và luôn được xem như bộ óc tài chính của cartel Tijuana của anh em nhà Arellano Felix.
Một bà trùm khác là Sandra Ávila Beltrán, được biết nhiều hơn dưới biệt danh "Nữ hoàng Thái Bình Dương" cũng là một trong những nữ tội phạm khét tiếng về buôn lậu ma túy. Người phụ nữ này khởi đầu con đường tội phạm bằng việc liên kết với băng đảng Sinaloa (Mexico) và băng đảng Norte del Vall (Colombia).
Bác của Sandra là Miguel Ángel Félix Gallardo, là một trong những kẻ buôn ma túy có tầm cỡ của Mexico.Sandra lấy chồng hai lần, cả hai đều là những sĩ quan cảnh sát rồi chuyển thành những kẻ buôn ma túy và bị sát hại bởi những kẻ giết thuê.
Theo nhận định của Cảnh sát Mexico, Sandra đã đi tới đỉnh cao quyền lực trong giới tội phạm sau khi đã trở thành người tình của Juan Diego Espinoza Ramírez, còn gọi là "El Tigre", một gương mặt quan trọng của băng đảng Norte del Vall (Colombia).
Năm 2001, Cảnh sát Mexico phát hiện 9 tấn cocain trên một con tàu đậu tại cảng Manzanillo bên bờ biển Thái Bình Dương. Truy tìm theo các đầu mối, cảnh sát đã phát hiện ra Sandra và Ramírez là những kẻ chủ mưu, lệnh bắt giữ được đưa ra vào ngày 28/9/2007.
Ngay lập tức Sandra bị dẫn độ sang Mỹ và chỉ được phóng thích và trục xuất về Mexico 5 năm sau đó (2012). Năm 2013, bà trùm lại bị bắt giữ tại quê hương vì tội rửa tiền và chỉ được trả tự do vào ngày 7/2/2015.
Năm 2012, sau 5 năm bị giam giữ tại Mỹ, Sandra Ávila Beltrán đã được Mỹ phóng thích và trục xuất ngay lập tức về Mexico. |
Phụ nữ trong các tổ chức tội phạm Mỹ La tinh
Bà Guadalupe Correa-Cabrera, một nữ chuyên gia về tội phạm có tổ chức ở Mexico, trong một lần trả lời phỏng vấn tờ báo điện tử InSight Crime đã tuyên bố rằng hiện tượng các nữ thủ lĩnh như Campos hay Enedina Félix nổi lên trong thế giới tội phạm không có gì đáng ngạc nhiên.
"Phụ nữ giờ đây đã có mặt trong nhiều lĩnh vực khác nhau của các nền kinh tế, nền kinh tế hợp pháp cũng như nền kinh tế ngầm, và đôi khi họ vượt xa những người đàn ông về khả năng tổ chức, lãnh đạo cũng như những hiểu biết về công việc".
Theo Cabrera, những nghiên cứu trước đây về các tổ chức tội phạm thường không chú ý đến những người phụ nữ trong nhóm, bỏ qua vô số những vai trò mà họ đã đảm nhiệm cũng như những ảnh hưởng của các hoạt động tội phạm đối với họ.
"Sau nhiều năm, chúng ta đã chứng kiến những người phụ nữ có khả năng tổ chức những chiến dịch xuyên quốc gia ở một trình độ rất cao. Đây không phải là trường hợp cá biệt và tôi không nghi ngờ gì việc hiện có rất nhiều phụ nữ vẫn đang nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong các nhóm tội phạm, chỉ có điều họ vẫn chưa bị bắt giữ mà thôi", Cabrera nói.
Ngày 10/3/2020, Viện Nghiên cứu Tội phạm có Tổ chức thuộc Đại học Del Rosario và tổ chức InSight Crime (Colombia) đã họp báo công bố kết quả nghiên cứu chung của họ với nhan đề: "Phụ nữ và các tổ chức tội phạm châu Mỹ La tinh: không đơn thuần chỉ là nạn nhân hay thủ phạm".
Bản báo cáo đã tập trung phân tích ba nền kinh tế phi pháp của giới tội phạm: Buôn lậu ma túy, buôn người và nhập lậu người di cư. Mục đích để làm sáng tỏ những vai trò khác nhau của những người phụ nữ trong thế giới của những tổ chức tội phạm: vai trò khi nắm quyền lực hay vai trò tạo ra những ảnh hưởng đa dạng trong hệ thống.
Theo báo cáo này, một mặt dường như là những người phụ nữ thường có những vai trò "ít trọng tội" hơn so với những người đàn ông trong các tổ chức tội phạm như lao động trên các cánh đồng trồng coca hay trong các phòng tinh chế ma túy, tham gia tìm kiếm nạn nhân cho hệ thống, tham gia buôn người hay tổ chức mạng lưới vận chuyển ma túy.
Điều đáng báo động là số phụ nữ tham gia những khâu này ngày càng tăng, vì thế từ 2009-2019 số phụ nữ bị bắt giữ liên quan tới các tổ chức tội phạm cũng đã tăng hơn 52%.
Những khía cạnh trên mới chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh toàn cảnh. Trong bản báo cáo này, các nhà nghiên cứu của tổ chức InSight Crime và Đại học Del Rosario đã đưa ra những nét đặt thù của những người phụ nữ nắm quyền lực trong các tổ chức tội phạm Nam Mỹ, họ có một điểm chung là ưa thích sử dụng bạo lực.
Những nghiên cứu mới nhất cho thấy phụ nữ ngày càng tham gia nhiều hơn vào những công việc đa dạng của các tổ chức tội phạm ở Colombia. |
Khi những người phụ nữ này muốn bước lên những nấc thanh cao hơn trong hệ thống của một tổ chức tội phạm, bạo lực sẽ là một công cụ thường xuyên được sử dụng ở những mức độ khác nhau để hoàn thành nhiệm vụ.
Theo bản báo cáo này thì tình trạng thiếu việc làm, những áp lực trong cuộc sống, hoàn cảnh gia đình, ý định muốn được tự chủ về tài chính là những lý do chính đã đẩy những người phụ nữ đến với các tổ chức tội phạm. Và khi đó họ sẽ phải đối mặt với vô vàn những hiểm nguy và sự bất công trong môi trường mà những nền kinh tế tội ác này vận hành.
Bản báo cáo trên đã nhấn mạnh: "Khi những người phụ nữ được trao cho những vị trí quyền lực trong một tổ chức tội phạm, thông thường họ sẽ cảm thấy "tự tin hơn", nhưng điều đó không loại trừ sự kiện trước đó họ đã từng là một nạn nhân và khả năng rằng trong tương lai họ cũng sẽ trở thành nạn nhân của tổ chức này".