Những Mong đợi từ thượng đỉnh Mỹ - Nga
- Tổng thống Mỹ-Nga chuẩn bị cuộc gặp thượng đỉnh
- Mỹ xúc tiến thượng đỉnh Mỹ - Nga: Thế đối đầu bất lợi
- Tổng thống Mỹ: Quan hệ Mỹ-Nga đang tồi tệ chưa từng có
Ông Donald Trump đã nhất quán trong mong muốn thực hiện một thỏa thuận với ông Vladimir Putin kể từ lần đầu tiên ông bắt đầu vận động tranh cử tổng thống với niềm tin rằng ông có thể thành công với Nga.
Trong 18 tháng qua, các cuộc điều tra khác nhau của “Russiagate” (nghi vấn Nga can thiệp bầu cử) và sự hoài nghi với những thân tín của ông đã hạn chế khả năng theo đuổi chương trình nghị sự của ông với Nga.
Những vấn đề nghị sự
Nhưng, từ thượng đỉnh thành công với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, quyết tâm gặp Tổng thống Putin của ông Trump trong một hội nghị thượng đỉnh song phương đã chiếm ưu thế. Và Cơ quan thông tấn Điện Kremlin hôm 28-6 cho biết hai tổng thống sẽ gặp nhau ở thủ đô Helsinki, Phần Lan vào ngày 16 tháng này.
Lần gần nhất hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ gặp nhau là trong khuôn khổ APEC ở Đà Nẵng, Việt Nam. |
Với tình trạng căng thẳng của quan hệ Mỹ - Nga và sự nghèo nàn của các mối liên hệ cấp cao, có những tranh cãi mạnh mẽ quanh việc ông Trump tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với ông Putin.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai bên gần đây đã trở nên hợp lý, có ý nghĩa cho hai cường quốc hạt nhân trên thế giới ngồi lại với nhau và thiết lập lại một số kênh liên lạc đã bị cắt đứt sau khi Moskva sáp nhập Crimea năm 2014 và chiến tranh ở Đông Nam Ukraine.
Danh sách các vấn đề cần đàm thoại lâu dài giữa 2 người đứng đầu hai cường quốc có thể bao gồm: vấn đề Ukraine, Syria, Iran, Triều Tiên, khủng bố và can thiệp mạng.
Phía Nga rõ ràng cũng muốn thảo luận về các biện pháp trừng phạt - mặc dù kể từ khi Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật CAATSA tháng 8 năm ngoái, khả năng dỡ bỏ lệnh cấm của tổng thống bị hạn chế.
Có gì trong hội nghị thượng đỉnh này cho hai tổng thống? Ông Trump muốn thể hiện rằng, không giống như người tiền nhiệm Barack Obama, ông có thể có một mối quan hệ hiệu quả với ông Putin, mà ông nói là “xứng đáng một chỗ ngồi trên bàn về tất cả các quyết định quốc tế quan trọng”. Đó cũng là điều mà ông Putin cũng tin tưởng.
Rõ ràng điều ông Trump tìm kiếm từ ông Putin vượt ra ngoài những dự đoán phổ biến rằng hai bên sẽ bàn về các vấn đề nghị sự như: Syria, Ukraine và “quan hệ song phương”. Đối với ông Putin, hội nghị thượng đỉnh có nghĩa là sự kết thúc của sự cô lập mà Mỹ tìm cách áp đặt lên Nga do những hành động của Moskva ở Ukraine - mặc dù cuộc chiến ở Donbas vẫn tiếp tục với hơn 10.300 người thương vong cho đến nay.
Tình hình ở Syria là một ưu tiên. Các cuộc đàm phán chủ yếu là ngăn chặn các cuộc đụng độ trực tiếp của Mỹ - Nga. Nhưng cuộc chiến giữa các lực lượng do Mỹ lãnh đạo và lính đánh thuê Nga cố gắng nắm bắt một mỏ dầu ở vùng Deir Ezzor hồi tháng 2 - với hơn 200 người thương vong ở Nga - là một lời nhắc nhở về tình trạng nguy hiểm như thế nào, bất chấp sự gần gũi giữa lực lượng lãnh đạo Nga và Mỹ.
Iran chắc chắn sẽ là một chủ đề, cả vì vai trò của nó trong cuộc nội chiến Syria và vì sự rút lui của Mỹ khỏi thỏa thuận JCPOA, trong đó Nga cũng là người ký kết. Tổng thống Putin đã chỉ trích các hành động của Mỹ, nhưng có thể tìm cách đóng một vai trò trong việc tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề Iran mà Mỹ có thể chấp nhận.
Một lĩnh vực mà ông Trump và Putin có thể đạt tiến bộ là kiểm soát vũ khí. Hiệp ước START về hạn chế vũ khí hạt nhân chiến lược sẽ hết hạn vào năm 2021. Vì cả hai bên Mỹ và Nga đều có ít nhu cầu để đàm phán một hiệp ước mới, 2 tổng thống có thể sẽ đồng ý gia hạn hiệp ước trong 5 năm bằng các sắc lệnh điều hành.
Tiết lộ của Tổng thống Trump
Tất nhiên, hội nghị thượng đỉnh cũng có thể tạo ra những bất ngờ. Ông Trump sẽ đến cuộc họp sau khi tham dự một cuộc họp của NATO, đã khiến các đồng minh của Mỹ lo ngại cả bởi những lời chỉ trích của ông về liên minh và bởi khẳng định của ông rằng Crimea thuộc về Nga. Họ muốn tránh lặp lại những gì đã xảy ra vào đầu tháng này, khi ông Trump để lại một hội nghị thượng đỉnh G-7 gây tranh cãi vì từ chối ký kết bản tuyên bố cuối cùng, và tiến hành khen ngợi ông Kim Jong-un. Các đồng minh lo lắng về những gì có thể xảy ra trong các phiên họp kín tại Helsinki.
“Chúng tôi sẽ nói về Ukraine, về Syria, về cuộc bầu cử. Chúng tôi không muốn bất kỳ ai can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng tôi. Chúng tôi cũng sẽ nói về các sự kiện diễn ra trên thế giới”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên trên đường bay đến bang New Jersey (Mỹ) hôm 29-6.
“Chúng tôi thậm chí có thể bàn về cách tiết kiệm hàng triệu đôla vũ khí”, người đứng đầu Nhà Trắng tiếp tục. “Có lẽ chúng ta sẽ có thể xoa dịu tình hình trên thế giới với sự giúp đỡ của Trung Quốc và Nga. Đó là điều tốt, tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu thiết lập quan hệ với Trung Quốc và Nga”, ông Trump liên tục nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của các nhà báo tại Nhà Trắng rằng “liệu ông có dự định hủy bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga hay không”, Tổng thống Mỹ đáp: “Chúng ta sẽ thấy những phương sách mà Nga áp dụng. Chúng ta sẽ thảo luận nhiều vấn đề với Nga”.
Về Crimea, ông Trump nói: “Chúng tôi, có thể sẽ nói chuyện về những trọng trách mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama để lại. Về vấn đề Crimea, Tổng thống Obama đã cho phép điều này xảy ra”.
Đây không phải lần đầu Tổng thống Trump nhắc đến vấn đề Crimea có liên quan đến chính sách của cựu Tổng thống Obama.
Kết quả khả dĩ nhất của hội nghị thượng đỉnh là cả 2 tổng thống sẽ tuyên bố thành công và đồng ý rằng các quan chức của họ sẽ bắt đầu giải quyết một số vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, với tính cách của cả hai nhà lãnh đạo, bất kỳ dự đoán nào cũng khó chính xác. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga là sự kiện quốc tế đáng trông đợi nhất mùa hè này.