Nhiều nam giới Pakistan bị biến thành nô lệ ở Hong Kong

Thứ Bảy, 27/05/2017, 14:20
Với hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn sau khi kết hôn với người nước ngoài, không ít đàn ông Pakistan trở thành nô lệ trong chính cuộc hôn nhân của mình.

Theo lời bà Sandy Wong, Chủ tịch Ủy ban Chống buôn người của Liên đoàn Luật sư Phụ nữ Hồng Kông, Hồng Kông vẫn chưa có luật cụ thể về các cuộc hôn nhân cưỡng ép hoặc hôn nhân nô lệ.

Thêm vào đó, định kiến xã hội đối với việc "phái mạnh" rơi vào tình cảnh nô lệ hôn nhân khiến họ ngần ngại lên tiếng đòi công lý.

Với hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn sau khi kết hôn với người nước ngoài, không ít đàn ông Pakistan trở thành nô lệ trong chính cuộc hôn nhân của mình. Anh Shahid Sandhu, người Pakistan, nhận thức rõ sự ngược đãi của gia đình vợ với mình là sai trái và thậm chí bất hợp pháp nhưng chỉ có thể cắn răng chịu đựng. Chuyện khó tin này đang hiện diện ngay tại Hồng Kông (Trung Quốc).

Nhiều thanh niên Pakistan bị lừa tới Hồng Kông ở rể và bị biến thành nô lệ khổ sai.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông), cuộc sống hôn nhân thực tế của Sandhu khác xa so với những tưởng tượng của anh khi kết hôn với một phụ nữ Pakistan sinh tại Hồng Kông qua mai mối. Khi đó, người đàn ông 34 tuổi tưởng gia đình vợ tương lai giàu có sẽ đỡ đần cho bản thân cũng như gia đình nghèo khó của anh ở tỉnh Punjab - Pakistan.

Dù có bằng đại học chuyên ngành thương mại và tìm được công việc cũng không đến nỗi nào ở một ngân hàng tại Pakistan, nhưng mức lương quá thấp không đủ để Sandhu trang trải cuộc sống. Anh quyết định kết hôn với người phụ nữ kể trên và đến Hồng Kông. Hy vọng của người đàn ông lập tức vụt tắt sau đám cưới.

Gia đình vợ giấu hộ chiếu, giấy tờ tùy thân của chàng rể và buộc anh vừa phải làm việc nhà, vừa phải nai lưng lao động tại công trường xây dựng 6 ngày mỗi tuần để kiếm tiền cho cả gia đình cô dâu. Mỗi lần mở miệng than phiền, Sandhu bị cả gia đình vợ đánh đập thậm tệ.

Mỗi tối và ngày nghỉ cuối tuần, chàng rể đều phải làm công việc nội trợ. Gia đình vợ đánh đập Sandhu và quát tháo, bắt làm mọi việc dù anh có dấu hiệu kiệt sức hoặc không đồng tình. Họ cũng lấy tất cả tiền của Sandhu, không cho ăn và thậm chí dọa giết anh.

Sandhu nhận thức rõ sự ngược đãi của gia đình vợ là sai trái và bất hợp pháp, nhưng anh không thể phản kháng. Anh bị trầm cảm nặng, gặp ác mộng, kiệt sức, sợ hãi và xấu hổ khi kể những điều ấy.

"Gia đình vợ luôn bắt nạt tôi. Mặc dù là sinh viên tốt nghiệp đại học, nhưng tôi vẫn luôn bị coi là kẻ mù chữ và người rừng. Mỗi khi phản kháng, họ đều đánh tôi", SCMP dẫn lời Sandhu.

Câu chuyện của Sandhu dường như chỉ xảy ra ở thời đại rất xa, nhưng lại có thật ngày nay tại một trong những vùng đất phát triển nhất thế giới - Hông Kông.

Tuyệt vọng, Sandhu đã tìm đến ông Richard Aziz Butt, chuyên gia về nhập cư ở cộng đồng Nam Á, để tìm kiếm giúp đỡ, chứ không dám đến trình báo cảnh sát. Giống nhiều chú rể nô lệ khác, Sandhu sợ bị trục xuất, gia đình vợ trả thù, cũng như những nỗi xấu hổ khó nói.

Ông Butt cho biết đã gặp hơn 100 người đàn ông Nam Á bị "bán" đến Hồng Kông thông qua hôn nhân kể từ năm 1997. Hầu hết những người này đến từ vùng Punjab ở Pakistan, Ấn Độ...

Gia đình những bà vợ tương lai thường tìm nam giới đang gặp khó khăn, hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp ở nơi đất khách sẽ giúp họ có thể hỗ trợ những người thân yêu ở quê nhà..

Tại Hồng Kông, những chàng rể bị cô lập, cảm giác sợ làm hại tới gia đình ở quê và nỗi hổ thẹn vì khác biệt văn hóa khiến họ không dám đấu tranh. Nhiều người vẫn cố cam chịu, chấp nhận cuộc sống khổ sở hơn là nguy cơ bị người khác chế giễu nếu nói ra sự thật.

Chính quyền Hồng Kông không phản hồi khi được đề nghị cung cấp thông tin về những chàng rể nô lệ. Văn phòng An ninh của đặc khu hành chính này cho hay: "Dù Hồng Kông không có đạo luật về buôn bán người hoặc lao động cưỡng bức, nhưng chúng tôi có hệ thống và khuôn khổ pháp lý toàn diện và chắc chắn để xử lý các hành vi khác nhau xung quanh định nghĩa 'buôn bán người' trong Nghị định thư Palermo, gồm cả lao động cưỡng bức".

Tuy nhiên, trước thực tế đang diễn ra, chính quyền Hồng Kông cần có những biện pháp rõ ràng và cứng rắn nhằm ngăn chặn tình trạng buôn người và lao động cưỡng ép.

Theo bà Sandy Wong, chính quyền Hồng Kông cần có khung pháp lý cập nhật và chặt chẽ nhằm đối phó với tất cả hình thức buôn người.

Những kẻ liên quan tới giao dịch hôn nhân cưỡng bức cần bị phạt tù tới 14 năm hoặc phạt tiền 150.000 HKD (tiền Hồng Kông). Những kẻ tiếp tay cho hoạt động này cũng cần bị trừng phạt thích đáng.

Nguyễn Minh
.
.
.