Nguy cơ chiến tranh thương mại Trung-Mỹ
- Chuyên gia cảnh báo xung đột Trung - Mỹ ở Biển Đông
- Đối thoại Trung - Mỹ: Mâu thuẫn không thể giải quyết
- Trung - Mỹ khẩu chiến về cáo buộc tấn công mạng
Tăng thuế 45%
Khi tranh cử, ông Trump từng cáo buộc Bắc Kinh là “gian lận”, là “kẻ trộm lớn nhất lịch sử thế giới” về thương mại. Ông cho biết sẽ tuyên bố Trung Quốc là “nước thao túng tiền tệ” ngay ngày đầu tiên ông làm tổng thống. Tại sao Trump muốn tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ? Và điều đó có ý nghĩa như thế nào?
Trong vài thập niên qua, chính phủ Trung Quốc nhìn chung giữ giá đồng NDT ở mức thấp hơn thực tế. Điều đó giúp hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn, cạnh tranh hơn ở nước ngoài. Trong khi đó, nó khiến hàng Mỹ nhập vào Trung Quốc đắt đỏ hơn, làm giảm nhu cầu tiêu thụ hàng Mỹ ở thị trường 1,3 tỷ dân.
Trump tin rằng việc thao túng tiền tệ của Trung Quốc về cơ bản là một kiểu “chơi xấu”, nên cần phải “dạy bảo”. Việc tuyên bố Bắc Kinh thao túng tiền tệ có thể cho phép chính phủ Trump danh chính ngôn thuận áp thuế cao lên hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Hiện nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa của nhau, nhưng không lớn lắm. Bình quân, thuế nhập khẩu của hàng Trung Quốc vào Mỹ là 3,5%, tương đương thuế suất nước này dùng cho tất cả đối tác không có thỏa thuận thương mại nào đặc biệt. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc áp 10% thuế nhập khẩu đối với hàng Mỹ, cũng tương đương mức bình quân họ áp cho các nước không có thỏa thuận thương mại.
Nếu muốn sửa lưng Trung Quốc một cách khắt khe, Trump có thể áp thuế lên tới 45% với hàng hóa Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc có thể thông qua WTO để giải quyết vấn đề, nhưng điều này sẽ mất tới 18 tháng. Nhưng Bắc Kinh cũng có thể chọn cách ăn miếng trả miếng. Thí dụ, để đáp lại thuế suất 45%, Trung Quốc có thể áp thuế lên tới 60% với hàng nhập từ Mỹ. Khi đó, Mỹ có thể nâng thuế suất lên nữa, và cứ như vậy 2 nước sẽ bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh thương mại.
Cả 2 cùng thiệt
Vì Trung Quốc luôn duy trì một mức thặng dư khổng lồ trong mậu dịch giữa 2 nước, nên nếu chiến tranh thương mại xảy ra, Bắc Kinh dễ tổn thương hơn. Theo thống kê, trong năm 2015 Trung Quốc xuất khẩu khoảng hơn 480 tỷ USD vào thị trường Mỹ, trong khi chiều ngược lại chỉ đạt khoảng gần 145 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu để mất thị trường Trung Quốc sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến các ngành sản xuất của Mỹ, từ các sản phẩm nông nghiệp cho đến những thiết bị công nghệ, và điều đó sẽ khiến nhiều người Mỹ thất nghiệp.
Viện Peterson đã nghiên cứu kịch bản khi Mỹ tiến hành chiến tranh thương mại với cả Trung Quốc và Mexico dựa trên những đe dọa của Trump. Viện này tính ra rằng Mỹ có thể rơi vào suy thoái kinh tế và mất khoảng 4,8 triệu việc làm khu vực tư nếu áp thuế nhập khẩu 45% lên hàng hóa Trung Quốc và 35% lên hàng hóa phi dầu mỏ từ Mexico và nếu 2 nước này cũng có những biện pháp trả đũa tương tự.
Trong thực tế, những hàng rào thuế quan Mỹ dựng lên là lợi bất cập hại. Chẳng hạn, năm 2009 Mỹ áp thuế 25-35% đối với lốp xe tải và xe hơi nhập từ Trung Quốc trong vòng 3 năm. Ngành sản xuất lốp xe trong nước gia tăng khi mới triển khai, nhưng sau đó những nước khác đã nhanh chân thế chỗ Trung Quốc.
Theo Thời báo Los Angeles cho biết lốp nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia đã gia tăng gấp đôi về giá trị. Và vì giá lốp xe tăng, việc làm ngành bán lẻ lốp xe giảm. Viện Peterson ước tính số việc làm mất trong ngành bán lẻ lớn hơn số việc làm tạo ra trong ngành sản xuất.
Đe dọa chiến tranh thật
Những xung đột lợi ích về thương mại, kinh tế, quyền tự do hàng hải, sức ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế; cùng khác biệt về văn hóa, chính sách, những đổ vỡ về ngoại giao; cùng những đe dọa tiềm tàng về khí tài, quân sự… liệu có đẩy 2 cường quốc đứng đầu thế giới đến chỗ phải “dụng võ”?
Ngày 20-12, Trung Quốc đã đồng ý trả lại thiết bị lặn không người lái (UUV) cho Mỹ. Lầu Năm Góc cho rằng họ chỉ hoạt động trên vùng biển quốc tế, vì vậy những hành động bắt giữ và cản trở của Trung Quốc là “phi pháp”. Còn ông Trump gọi không nể nang là “ăn cắp”. Ông viết trên mạng xã hội Twitter: “Chúng ta nên nói với Trung Quốc rằng chúng ta không cần thiết bị lặn mà họ đã ăn cắp. Cứ để họ giữ nó”.
Dù cuối cùng mọi việc có vẻ như được giải quyết êm xuôi, nhưng giới quan sát tin rằng “sự cố UUV” này là bề nổi của tảng băng. Nó là tín hiệu cho thấy những xung đột lớn về lợi ích của Trung Quốc và Mỹ tại biển Đông trong bối cảnh Washington và trong các đồng minh châu Á ngày càng tỏ ra lo ngại về việc Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông, và về những phản ứng hung hăng của Bắc Kinh đối với những tuyên bố chủ quyền hàng hải của các bên tranh chấp trong khu vực. Những nước này cho rằng Trung Quốc đang đe dọa quyền tự do đi lại và các quyền khác của họ tại các vùng biển quốc tế.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định vụ thu giữ UUV là một tín hiệu thách thức Bắc Kinh muốn gửi tới ông Trump, người đã đưa ra các tuyên bố cứng rắn chống lại Trung Quốc, đặc biệt việc ông phá vỡ các nguyên tắc ngoại giao khi tiến hành điện đàm với lãnh đạo Đài Loan.
Việc ông Trump bổ nhiệm nhà kinh tế Trung Quốc Peter Navarro, người công khai chỉ trích Trung Quốc, làm người đứng đầu Hội đồng Thương mại quốc gia mới đây càng làm nổi bật thái độ của ông đối với Trung Quốc. Ông Navarro viết rất nhiều sách chỉ trích Trung Quốc, trong đó nổi tiếng nhất là cuốn “Chết bởi Trung Quốc” (Death by China).
Trong cuốn sách này, Navarro chỉ trích gay gắt các chính sách của Bắc Kinh, từ việc để mặc nhiên cho các sản phẩm tiêu dùng độc hại được bày bán khắp nơi, tới chuyện thao túng tiền tệ và nô lệ lao động, chỉ trích đảng cầm quyền ở Trung Quốc là “tham nhũng và tàn bạo”, đe dọa hòa bình thế giới… Bằng việc bổ nhiệm tác giả cuốn sách vào một vị trí quan trọng, Trump đã gián tiếp thừa nhận những cáo buộc trong cuốn sách đối với giới chính phủ ở Bắc Kinh.