Ngũ Nhãn lo nội gián

Thứ Bảy, 09/06/2018, 18:33
Liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes - 5 con mắt) giữa các nước Anh, Úc, Mỹ, New Zealand và Canada có nguy cơ sẽ bị “rụng” mất “một mắt” sau khi thông tin cho biết 2 đảng chính trị lớn ở New Zealand trong đó có đảng cầm quyền, đều có nhận tài trợ từ Trung Quốc.


Trong buổi điều trần trước Ủy ban Giám sát an ninh - kinh tế Mỹ - Trung hôm 28-5, cựu chuyên gia CIA Peter Mattis nói Công đảng cầm quyền ở New Zealand của nữ Thủ tướng Jacinda Ardern nhận tiền của các “Mạnh thường quân” có quan hệ với đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong khi cựu Thủ tướng Bill English thường xuyên thông báo tin tức cho một nghị sĩ gốc Hoa từng làm việc tại một cơ sở đào tạo gián điệp Trung Quốc.

Những "Mạnh thường quân" đáng ngờ

“Cả Úc và New Zealand đều phải đối mặt với những vấn đề đáng kể với sự can thiệp của ĐCSTQ”, ông Mattis nói tại phiên điều trần. “Trong cả hai trường hợp, ĐCSTQ đã rất gần hoặc thậm chí luồn sâu vào đội ngũ chính trị cốt cán của cả hai nước này. Sự khác biệt lớn giữa hai nước này đơn giản là phản ứng của họ. Tại New Zealand, cựu Thủ tướng Bill English và đương kim Thủ tướng Jacinda Ardern đều phủ nhận là không hề có vấn đề gì”.

"Tôi nghĩ rằng các cấp lãnh đạo của Ngũ Nhãn hoặc Tứ Nhãn (Four Eyes) cần phải có một cuộc thảo luận về việc New Zealand có thể giữ tư cách thành viên hay không, vì vấn đề này có liên quan với cốt lõi chính trị", ông Mattis nói thêm.

Nigel Haworth, Chủ tịch Công đảng, nói ông không biết ý ông Mattis muốn nói tới ai, vì mọi khoản tiền đóng góp cho Công đảng đều được công khai trên trang web của Ủy ban Bầu cử quốc gia, tuân thủ Luật Bầu cử của New Zealand.

Cựu chuyên gia CIA Mattis cho biết cựu Thủ tướng Bill English thường gặp một nghị sĩ gốc Hoa cùng đảng Quốc gia từng làm việc tại một cơ quan đào tạo điệp viên Trung Quốc. Nhưng thủ lĩnh đảng Quốc gia Simon Bridges nói thông tin cựu Thủ tướng English thường chia sẻ với nghị sĩ gốc Hoa Dương Kiện là “hoàn toàn thất thiệt”. 

“Tôi không thấy bất kỳ điều gì gợi ý có sự tác động của Trung Quốc. New Zealand có quan hệ quốc tế mạnh, cùng những quy trình chặt chẽ bảo đảm mọi hoạt động chính trị hoàn toàn độc lập với bất kỳ quốc gia nào khác”, ông Bridges cho biết.

Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters (phải) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh, ngày 25-5-2018.

Chuyên gia Trung Quốc, giáo sư Anne-Marie Brady thuộc Đại học Canterbury, đã từng cảnh báo về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với New Zealand. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đề cập đến vấn đề này trong một chuyến thăm New Zealand gần đây, nói rằng New Zealand cần xem mối đe dọa này một cách “nghiêm túc”. 

Bà Brady cho biết: “Nếu một nền dân chủ tự do, độc lập đáng tự hào như New Zealand không thể đối phó với các hoạt động can thiệp chính trị của Trung Quốc, thì đây thực sự là một dấu hiệu xấu cho phần còn lại của thế giới”. 

Theo bà Brady thì văn phòng và cả nhà riêng của bà đã từng bị trộm xâm nhập, mà bà tin là do hoạt động của bà chống lại ảnh hưởng tại nước ngoài của Trung Quốc.

Dương Kiện là điệp viên?

Trước cuộc bầu cử Quốc hội New Zealand ngày 23-9-2017, bà Brady đã cáo buộc đảng Quốc gia có làm ăn với Trung Quốc. Dù không đưa ra được chứng cứ nhưng bà Brady cáo buộc ông Dương Kiện của đảng Quốc gia và nghị sĩ Công đảng Raymond Huo là “điệp viên Trung Quốc”. Lúc đó, báo Financial Times đưa tin ông Dương Kiện bị tình báo New Zealand (SIS) điều tra, vì ông này từng có 10 năm được đào tạo và dạy tiếng Anh ở những học viện quân sự cấp cao của Trung Quốc.

Ông Dương Kiện 55 tuổi, từng sống ở Trung Quốc trước khi định cư ở New Zealand. Ông nhập quốc tịch New Zealand năm 2004, và trúng cử Quốc hội New Zealand lần đầu năm 2011 và lần 2 là năm 2017. Ông cũng từng tháp tùng cựu Thủ tướng New Zealand John Key thực hiện các chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc năm 2013 và 2016. Trong lý lịch của ông Dương Kiện không có thông tin về quá trình học tập, giảng dạy ở Trung Quốc...

Ngày 31-10-2017, ông English nói không quan tâm quá khứ làm việc cho tình báo của ông Dương Kiện, người thừa nhận từng là một “cán bộ dân sự” nhận lương của quân đội Trung Quốc. Nhưng trước cuộc bầu cử, ông Dương Kiện có đề cập đến cáo buộc cho rằng ông là điệp viên của Bắc Kinh và cho đó là “chiến dịch bôi nhọ của kẻ vô danh” nhằm vào ông và đảng Quốc gia. Ông Dương Kiện nhấn mạnh với giới truyền thông New Zealand: ông không phải là “điệp viên của quân đội Trung Quốc”, và ông trung thành với New Zealand.

Bà Brady cũng kêu gọi SIS điều tra “tầm ảnh hưởng của Trung Quốc” đối với giới truyền thông, doanh nghiệp, các trường đại học và chính trị New Zealand. Ngày 11-12-2017, báo Financial Times dẫn lời những nguồn tin là “các chuyên gia an ninh”, nêu gần 200.000 Hoa kiều sống ở New Zealand có thể bị người của Bắc Kinh “gieo ảnh hưởng”.

Ngũ Nhãn là gì?

Ngũ Nhãn là một liên minh tình báo bao gồm Úc, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ. Các nước này là các bên tham gia Hiệp định UKUSA đa phương, một hiệp ước hợp tác chung về thông tin tình báo. 

Nguồn gốc của Ngũ Nhãn có thể được bắt nguồn từ giai đoạn hậu Thế chiến II, khi Hiến chương Đại Tây Dương được ban hành bởi các đồng minh để đặt ra mục tiêu của họ cho một thế giới hậu chiến tranh. 

Thời Chiến tranh lạnh, hệ thống giám sát ECHELON ban đầu được phát triển bởi Ngũ Nhãn nhằm theo dõi các thông tin liên lạc của Liên Xô cũ và khối Đông Âu, mặc dù hiện nay nó được sử dụng để theo dõi hàng tỷ truyền thông riêng trên toàn thế giới.

Vào cuối những năm 90, sự tồn tại của ECHELON đã được tiết lộ, gây ra một cuộc tranh luận lớn trong Nghị viện châu Âu và Quốc hội Mỹ. Là một phần của những nỗ lực trong chiến tranh chống khủng bố đang diễn ra kể từ năm 2001, Ngũ Nhãn tiếp tục mở rộng khả năng giám sát của họ, tập trung vào việc giám sát môi trường internet. 

Cựu nhà thầu của NSA, Edward Snowden, đã mô tả Ngũ Nhãn là một tổ chức tình báo siêu quốc gia không tuân thủ các luật của các quốc gia riêng biệt. Tài liệu bị rò rỉ bởi EdwardSnowden vào năm 2013 cho thấy Ngũ Nhãn đã theo dõi công dân và chia sẻ thông tin thu thập của nhau để tránh các quy định hạn chế trong nước về giám sát công dân.

Ngoài 5 nước thành viên chính thức, có một nhóm các quốc gia gọi là "Đối tác bên thứ 3", chia sẻ thông tin tình báo với Ngũ Nhãn. Theo tờ L'Obs,  năm 2009, Mỹ đã đề nghị Pháp tham gia Ngũ Nhãn để trở thành “Lục Nhãn”. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đưa ra yêu cầu được cấp tình trạng tương tự như các đồng minh khác, trong đó có việc ký kết một "thỏa thuận không gián điệp". 

Yêu cầu này đã được Giám đốc NSA chấp thuận nhưng Giám đốc CIA và Tổng thống Barack Obama thì không đồng ý, dẫn đến việc bị Pháp từ chối. Năm 2013, có thông tin rằng Đức muốn tham gia liên minh Ngũ Nhãn. Vào thời điểm đó, một số thành viên của Quốc hội Mỹ, bao gồm cả Tim Ryan và Charles Dent, đã thúc đẩy sự gia nhập của Đức vào liên minh. Israel được cho là một quan sát viên của Ngũ Nhãn. Và Singapore được cho là đã hợp tác với Ngũ Nhãn.

Bất chấp những tranh cãi liên tục về các biện pháp thu thập thông tin của nó, Ngũ Nhãn vẫn là một trong những liên minh gián điệp được biết đến toàn diện nhất trong lịch sử.

Thanh Hồng
.
.
.