Những thách thức toàn cầu của nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố

Chủ Nhật, 05/11/2006, 08:40

Nạn rửa tiền và tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố là những vấn đề toàn cầu. Nó không chỉ đe dọa an ninh của quốc gia mà còn phá hủy sự ổn định, minh bạch và hậu quả của các hệ thống tài chính cũng như cản trở sự thịnh vượng của nền kinh tế quốc tế.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế, trong những năm gần đây và đặc biệt kể từ sau sự kiện ngày 11/9/2001, những nỗ lực toàn cầu chống nạn rửa tiền và tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ông James D.Walfensohn, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, cho rằng cộng đồng quốc tế cần phải hành động chống lại nạn rửa tiền hiện nay. Vì ít nhất 1.000 tỉ USD đã được rửa hàng năm bằng các biện pháp ngày càng phức tạp để chuyển  các đồng tiền “đen” ra ngoài biên giới các quốc gia.

Nạn rửa tiền và tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố có thể phá hoại những thành quả về kinh tế và xã hội của các nước nhất là với những nước đang phát triển hoặc những nước có hệ thống tài chính manh mún. Dưới đây là một vài ví dụ về các dòng tài chính bất hợp pháp tác động như thế nào lên các nền kinh tế và cơ sở hành chính ở các nước có các hoạt động rửa tiền.

Các cơ sở tài chính chấp nhận những nguồn tiền bất hợp pháp không thể dựa vào những nguồn quỹ đó để xây dựng một cơ sở đặt cọc ổn định. Một lượng lớn những đồng tiền đã được rửa sẽ có thể bất ngờ chuyển sang các thị trường tài chính khác như một phần của quá trình rửa tiền, đe dọa đến sự ổn định của các cơ sở tài chính. Uy tín và sự trung thực của cơ sở tài chính có thể bị tổn hại do sự liên quan đến các hoạt động rửa tiền và tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.

Những người kinh doanh và buôn bán địa phương có thể thấy rằng họ không thể cạnh tranh được với các công ty bình phong. Bởi những công ty này không cần cạnh tranh trên thị trường và kiếm lợi nhuận cho các ông chủ của công ty.

- Rửa tiền có thể bóp méo một vài thành phần kinh tế và tạo ra sự không ổn định trên thị trường.
- Đồng tiền và tỉ lệ lãi suất cao có thể bị suy yếu do ảnh hưởng của các hoạt động đầu tư của những kẻ rửa tiền. Vì những kẻ này hoạt động dựa trên các yếu tố ngoài yếu tố lợi nhuận thị trường.
-
Nạn rửa tiền và tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố không mang lại lợi nhuận gì cho quốc gia. Việc mất lòng tin của các nhà đầu tư do có sự liên quan đến các hoạt động rửa tiền có thể làm mất đi các cơ hội phát triển. Khi uy tín của quốc gia bị ảnh hưởng thì phải mất nhiều năm để lấy lại.

Chương trình toàn cầu để đối phó với nạn rửa tiền và tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố đã kêu gọi sự hợp tác giữa các tổ chức quốc tế khác nhau trong lĩnh vực này. Nỗ lực để thiết lập một chuẩn quốc tế đối phó với hai vấn đề này đã đưa đến việc ra đời của 40 khuyến nghị về chống rửa tiền và 8 khuyến nghị đặc biệt về chống tài trợ khủng bố của Tổ chức Đặc nhiệm chống tội phạm tài chính (FATF).

Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế đã công nhận những khuyến nghị này như những tiêu chuẩn thích hợp để chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Đồng thời sử dụng những khuyến nghị này trong các chương trình của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế. Hai tổ chức này đã phối hợp chặt chẽ với FATF để xây dựng các biện pháp toàn cầu đánh giá việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế của FATF.

Hiện nay, ở Việt Nam vấn đề chống nạn rửa tiền và tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố cũng là một lĩnh vực ưu tiên và được Chính phủ Việt Nam coi trọng. Nhận thức được những tác hại nặng nề của nạn rửa tiền và tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố và nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường dễ bị bọn tội phạm quốc tế lợi dụng, bên cạnh việc thực thi có hiệu quả các quy định của pháp luật sẵn có liên quan đến chống rửa tiền và tài trợ khủng bố như điều 154, 251 Bộ luật Hình sự năm 1999, điều 19 Luật các tổ chức tín dụng, Chính phủ Việt Nam đã và đang hoàn thiện các chính sách pháp luật có liên quan.

Cụ thể trong năm 2005, với tiến trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị định về chống rửa tiền  tạo điều kiện cho các cơ quan thi hành pháp luật và ngân hàng ngày càng có cơ sở và vũ khí hiệu quả đấu tranh với nạn rửa tiền và tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Theo đó Lực lượng Cảnh sát nhân dân là một trong những lực lượng chủ công trong việc giữ gìn trật tự xã hội, bảo vệ nền kinh tế vững mạnh của đất nước thời gian qua đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh phòng ngừa hiệu quả tội phạm rửa tiền.

Theo điểm b, khoản 2, điều 21 của Nghị định 74/CP ngày 8/6/2005 thì Interpol Việt Nam là đầu mối liên lạc chính thức, đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, dẫn độ và hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến rửa tiền; tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm có liên quan đến rửa tiền

V.P.I.P.
.
.
.