Ngân hàng "cứu cánh" của gái mại dâm Ấn Độ

Thứ Hai, 18/12/2017, 12:11
Ngân hàng Usha do tổ chức Usha Multipurpose Cooperative Society sáng lập, được điều hành bởi những người từng bán dâm và khách hàng hướng tới cũng chính là gái mại dâm. Trong những năm qua, ngân hàng này là nơi cứu cánh cho hàng chục ngàn gái mại dâm ở Ấn Độ.


Hơn 31 nghìn khách hàng là gái mại dâm

Từng là gái mại dâm ở Kolkata, mặc dù làm việc vất vả nhưng Rita Roy, 36 tuổi luôn sống trong tình trạng thiếu tiền. Chủ chứa giữ toàn bộ số tiền cô kiếm được trong khi đó, Roy bí mật ghi chép các khoản chi tiêu trong mảnh giấy nhỏ giấu trong áo ngực. Khi nào cần tiền, Roy lại tìm đến chủ chứa nhưng số tiền mà cô nhận được không bao giờ đủ theo yêu cầu.

Roy không thể vay tiền ngân hàng. Khi cần tiền để điều trị bệnh tim cho cha cách đây bảy năm, cô đã buộc phải vay nặng lãi số tiền 2.000 rupee (23 bảng Anh). Trong một năm, số lãi mà Roy phải trả đã tăng hơn 6 lần, lên đến 13.000 rupee (150 bảng Anh). "Khi không thể trả nợ, chủ nợ cho hai người đàn ông đến đứng bên ngoài nhà chứa Kotha uy hiếp tôi. Thật may mắn khi giờ đây, tôi đã có một tài khoản ngân hàng ở Usha".

Manju Dutt (bên trái) nói rằng, số tiền vay ở Usha đã giúp bà giải quyết rất nhiều việc trong cuộc sống.

Khi mới thành lập vào năm 1995, Ngân hàng Usha có 13 khách hàng gửi tiết kiệm với số tiền 30.000 rupee. Ngày nay, doanh thu của ngân hàng là 300 triệu rupi/năm với hơn 31 nghìn khách hàng là gái mại dâm ở Tây Bengal. Ngân hàng Usha là nơi an toàn để gái mại dâm gửi tiền tiết kiệm. Lãi suất hấp dẫn khuyến khích họ tiết kiệm nhiều hơn.

Rất nhiều phụ nữ bị chồng bỏ rơi, buộc phải bán dâm để nuôi sống bản thân và gia đình. Usha đã trở thành "phao" cứu cánh cho cuộc đời họ. Rita Das đã đến Usha để gửi 500 rupee. Cô tiết kiệm tiền để nuôi hai đứa con nhỏ sau khi chồng bỏ đi với người phụ nữ khác.

Anu Maiti hiện 35 tuổi, kết hôn ở tuổi 16 và trở thành góa bụa ở tuổi 17 nói rằng, "nếu không có sổ tiết kiệm ngân hàng như là chứng minh thư cá nhân, không ai dám cho tôi thuê phòng ở. Tôi không có con, vì vậy, tôi phải tiết kiệm cho cuộc sống về già sau này. Tôi cố gắng tiết kiệm mỗi ngày một ít", Anu Maiti nói.

"Tôi có được cảm giác là một phần của xã hội"

Subhash Shaw, con của một gái mại dâm, giờ là nhân viên thu nợ của Usha cho biết, ông lớn lên, được ăn học đến nơi, đến chốn nhờ vào tiền tiết kiệm của mẹ ở Usha. "Những người phụ nữ vay tiền của Usha rất có trách nhiệm. Họ trả tiền đúng thời hạn theo quy định", Subhash Shaw nói.

Manju Dutt, một gái bán dâm ngoài 50 tuổi - người đã gắn cả cuộc đời mình ở khu đèn đỏ Sonagachi nói rằng, số tiền vay ở Usha đã giúp bà giải quyết rất nhiều việc, từ đám cưới của con gái, phẫu thuật sỏi mật, mua sắm nhiều vật dụng khác trong gia đình. "Tôi hoàn toàn tin tưởng Usha vì phần lớn nhân viên từng là gái mại dâm. Khi tôi không khỏe, các nhân viên đến tận nhà để lấy tiền gửi, lấy chữ ký nếu tôi cần rút tiền", Manju Dutt nói.

Roy nói rằng, cuốn sổ tiết kiệm màu xanh mà ngân hàng cung cấp đã cho cô thân phận, "tôi có được cảm giác là một phần của xã hội, bình đẳng với những người khác và có quyền quyết định công việc của chính mình. Quan trọng hơn, nó có giá trị như chứng minh thư, có tên và địa chỉ rõ ràng - điều kiện vô cùng quan trọng để thuê nhà ở, nhận phúc lợi và quyền bầu cử. Thật may mắn khi giờ đây tôi được làm việc tại Usha với vai trò trợ lý thư ký".

Smarajit Jana, cố vấn Ngân hàng Usha chia sẻ, có quá nhiều câu chuyện để minh chứng Usha đã làm thay đổi cuộc sống của gái mại dâm. "Phụ nữ đã có thể mua đất, xây dựng nhà cửa, nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ già, kinh doanh nhỏ lẻ. Usha đã mang đến tương lai tươi sáng mà trước đó họ không bao giờ hình dung được", ông Smarajit Jana nói.

Ông Jana từng làm việc trong các dự án phòng chống HIV vào đầu những năm 1990. Ông nhận ra rằng, điều cốt lõi là phụ nữ bán dâm phải kiểm soát được cuộc sống của chính mình. "Thật đau lòng khi má mì, bảo kê lấy đi hơn 50% thu nhập của gái mại dâm. Họ cần kiểm soát tài chính của mình", ông Jana nói. Ông Jana cho biết thêm, thời gian tới, Usha sẽ mở rộng đối tượng phục vụ đến người giúp việc trong nước và công nhân xây dựng.

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.