Nga tiến thoái lưỡng nan ở Syria

Thứ Ba, 27/06/2017, 10:07
Nga và Iran đã bị mắc kẹt trong một cuộc xung đột kéo dài và không có lối thoát dễ dàng. Dù Moscow đang tính chuyện thoái lui nhưng họ vẫn muốn đạt được một thỏa thuận đàm phán có lợi cho Điện Kremlin, nhưng điều này ngày càng khó đạt được.


Sự can thiệp của Nga vào Syria, hoạt động bên cạnh Iran trong việc hỗ trợ các lực lượng trung thành của Syria, đã thành công ở một số mặt. 

Thứ nhất, sự can thiệp của Moscow đã giúp làm ổn định mặt trận và lấy lại ưu thế cho binh lính Syria. Thứ hai, việc Nga tham gia vào xung đột không chỉ bảo đảm vị thế của nước này ở Syria mà còn là cơ hội để phô diễn sức mạnh quân sự và khí tài chiến tranh. Cuối cùng, động thái này làm gia tăng vị thế địa chính trị của Moscow, giúp Kremlin được nhìn nhận như một thế lực quan trọng trong khu vực.

Tuy nhiên, việc tham gia sâu vào xung đột cũng mang đến nhiều sức ép, khiến Nga phải tìm kiếm thời điểm thích hợp để rút ra. Không có gì là miễn phí, với tất cả những lợi ích thu được nhờ nhúng tay vào cuộc khủng hoảng Syria, Moscow cũng nhìn thấy những cái giá họ phải trả, và quan trọng hơn là những lợi ích đã tích luỹ được từ đó có thể dễ dàng bị lãng phí theo thời gian, đặc biệt nếu chiến tranh kéo dài và không có triển vọng kết thúc.

Lực lượng quân đội Nga tại Syria.

Quan hệ của Moscow với các nước ủng hộ phe nổi dậy như Thổ Nhĩ Kỳ và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh cũng bị lung lay, đặc biệt khi Nga tăng cường ủng hộ Damascus. Hơn nữa, sự hỗ trợ này kèm theo cái giá được trả bằng máu và tiền bạc. Tỷ lệ thương vong của quân đội Nga đã tăng lên trong những tháng gần đây, chủ yếu do sự gia tăng quân đội của họ trong khu vực.

Tuy nhiên, có lẽ quan trọng hơn là Moscow nhận thức được càng mắc kẹt lâu ở Syria, họ càng ít khả năng đạt được một thỏa thuận có lợi. Nga từ lâu đã cố gắng sử dụng vị thế của họ trong cuộc xung đột như một phương tiện để buộc Mỹ và châu Âu phải nhượng bộ hơn, buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán. 

Tuy nhiên, cuộc tấn công vũ khí hóa học tại Khan Sheikhoun cho thấy ảnh hưởng của Nga ở Syria vẫn khá giới hạn. Trong khi đó, quân đội Nga tiếp tục phải đối mặt với các lực lượng đối lập kiên quyết, và Moscow cũng dần bị sa vào những tình thế tương tự Mỹ đã phải đối mặt trong thập niên qua ở Iraq và Afghanistan.

Trong một nỗ lực để tránh sa lầy, Nga đã có những động thái kể từ cuối năm ngoái. Đầu tiên là các cuộc đàm phán với Mỹ, và một lần nữa Moscow tìm cách tận dụng lợi thế với Thổ Nhĩ Kỳ, vươn tới một giải pháp chính trị được nhấn mạnh bởi các sáng kiến ngừng bắn. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không muốn và cũng không thể thuyết phục được các lực lượng nổi dậy đang ngày càng trở thành cực đoan để đưa ra những nhượng bộ mà Nga tìm kiếm. 

Và trong khi đó, việc Nga tăng cường sự hiện diện trong cuộc xung đột đã làm suy yếu nỗ lực hòa giải của Ankara. Hơn nữa, Chính phủ Syria và Iran vẫn hoài nghi về các sáng kiến và động cơ của Nga đối với lợi ích cốt lõi của Damascus và Tehran.

Thực tế là một giải pháp đàm phán chính trị cho cuộc xung đột Syria ngày nay khó có thể xảy ra hơn, khi Nga bắt đầu tiến hành các bước chuẩn bị cho một cuộc rút lui. Bạo lực liên tục đã làm suy yếu bất kỳ niềm tin nào còn sót lại về hiệu quả của nhiều tuyên bố ngưng bắn - một nền tảng quan trọng để tiếp tục đàm phán. Trong khi đó, các lực lượng phiến quân ngày càng cứng rắn hơn. 

Và ngay cả khi bị lép vế về sức mạnh quân sự, họ vẫn chọn cách đánh du kích hơn là đầu hàng; đồng thời, vai trò trung gian của Nga đã bị suy yếu trầm trọng do các chiến dịch không quân tại các thị trấn và làng mạc của phe nổi loạn.

Có thể nói, Nga và Iran đã bị mắc kẹt trong một cuộc xung đột kéo dài và không có lối thoát dễ dàng. Dù Moscow đang tính chuyện thoái lui nhưng họ vẫn muốn đạt được một thỏa thuận đàm phán có lợi cho Điện Kremlin, nhưng điều này ngày càng khó đạt được. Không thể từ bỏ Damascus mà không đạt được lợi ích gì, trong khi càng ở lại thì càng lún sâu vào những tình huống bất lợi. Rõ ràng, Moscow đang ở thế tiến thoái lưỡng nan.

Gia Huy
.
.
.