Năm Dậu, Trung Quốc sẽ "gáy vang" ?

Thứ Hai, 23/01/2017, 11:01
Báo Guardian (Anh) mới đây ghi nhận năm 2016 là một năm có nhiều chiến thắng chính trị trong nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng năm Gà 2017, ông Tập Cận Bình sẽ phải xử lý vấn đề kinh tế Trung Quốc giảm tốc, cùng với việc đối phó Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Nhà Trắng.


Một trong những chiến thắng chính trị vẻ vang nhất của ông ông Tập Cận Bình là vào tháng 10-2016, vị Tổng bí thư được tuyên bố là “lãnh đạo cốt lõi” của Đảng Cộng sản Trung Quốc vốn có 88 triệu đảng viên. Danh hiệu này trước đây chỉ dành cho 3 lãnh đạo Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân.

Vai trò “lãnh đạo cốt lõi” tái khẳng định quyền lãnh đạo tối cao của ông Tập Cận Bình, giúp ông củng cố quyền lực trước khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 sẽ diễn ra vào mùa thu 2017, thời điểm ông đi được một nửa đường của nhiệm kỳ 10 năm.

Trong diễn văn Chúc mừng Năm mới 2016, ông Tập Cận Bình hứa với 1,3 tỉ nhân dân Trung Quốc rằng trong 12 tháng tới sẽ là thời điểm của “mở cửa và chia sẻ. Tương lai đang khuyến khích và gieo truyền cảm hứng”.

Nhưng thực tế 2016 là năm mà nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc, lãnh đạo Trung Quốc phải tìm cách gia cố tầm kiểm soát đất nước, ý thức rõ những thách thức trải ra trong năm 2017. Trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 19 sẽ là một giai đoạn chính trị mãnh liệt vì ông Tập Cận Bình muốn đào sâu quyền kiểm soát Đảng bằng cách bổ nhiệm một số cán bộ thân tín vào những vị trí chủ đạo.

Nền kinh tế đang suy thoái mạnh vào lúc xuất khẩu và sự bùng nổ nhờ vào đầu tư tiếp tục hết hơi. Ông Tập Cận Bình cũng đối mặt với nhiều mối lo trong chính sách đối ngoại, không chỉ là cách phản ứng với Tổng thống Trump và khả năng Mỹ thay đổi chính sách về những vấn đề như CHDCND Triều Tiên. 

Bên cạnh đó là vấn nạn Biển Đông. Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam và Philippines. Tháng 7-2016, một tòa án quốc tế đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ, với phán quyết xử Philippines thắng trong vụ kiện Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền lịch sử trên Biển Đông, một tuyến hàng hải thương mại trị giá 4,5 tỉ USD. Bắc Kinh lập tức bác bỏ phán quyết này.

Tháng 5-2016, việc ông Rodrigo Duterte trúng cử Tổng thống Philippines xem ra làm dịu sự căng thẳng, từ việc ông Duterte bay đến Bắc Kinh hồi tháng 10-2016, để kích hoạt một cuộc làm thân bất ngờ với ông Tập Cận Bình, điều dẫn đến chuyện tranh chấp lãnh thổ được gạt sang một bên. 

Trước chuyến thăm này - các nhà phân tích nói là một thành công chiến lược lớn của Trung Quốc và là một “cú đấm vào mắt” Mỹ, một đồng minh thâm niên của Philippines - xem ra Bắc Kinh và Manila đã gạt bỏ những bất đồng về vấn đề Biển Đông, nhằm tạo dễ dàng cho hợp tác kinh tế. Bắc Kinh hài lòng khi ông Duterte tuyên bố ông sẽ thu xếp để Philippines “xuôi theo dòng chảy tư tưởng”của Trung Quốc.

Một chiến thắng khác của Trung Quốc là vào tháng 9-2016, khi ông Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp nhau ở Hội nghị thượng đỉnh G-20 (ở Trung Quốc) và tuyên bố Trung - Mỹ sẽ thông qua thỏa thuận thay đổi thời tiết toàn cầu. Các nhà hoạt động hoan nghênh động thái này là một đột phá lớn trong cuộc phòng chống vấn nạn trái đất ngày càng nóng dần lên.

Nhưng rất có thể Tổng thống Trump sẽ xé thỏa thuận của hai ông Obama - Tập Cận Bình, hai nhân vật quyền lực nhất thế giới, dù có vài dự báo năm 2017 sẽ chứng kiến một sự phục hồi quan hệ không ai ngờ được giữa Washington và Bắc Kinh.

Trên hết, rất có khả năng bùng nổ một cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, khi ông Trump có thể sẽ thi hành những chính sách cứng rắn với Bắc Kinh trong thời gian tới. Ông đã lập Hội đồng Thương mại quốc gia (NTC) và giao chức Chủ tịch cho Giáo sư Peter Navarro, một chuyên gia kinh tế nổi tiếng với quan điểm cứng rắn "bài Trung " ở mọi lãnh vực, và là tác giả nhiều đầu sách chỉ trích mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung đang làm hại nền kinh tế Mỹ, hàng hóa giá rẻ Trung Quốc đầu độc người dân Mỹ.

Ông Navarro từng lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard, hiện là giáo sư Kinh tế và chính sách công tại Đại học California, Irvine. Cuốn sách nổi tiếng nhất của vị học giả 67 tuổi này là "Chết dưới tay Trung Quốc: Đương đầu với rồng - Lời kêu gọi hành động toàn cầu" (Death by China: Confronting the Dragon - A Global Call to Action) xuất bản năm 2011, mang nội dung chỉ trích các chính sách của Trung Quốc, mô tả quốc gia đông dân nhất thế giới như một mối đe dọa đối với nước Mỹ, đặc biệt về kinh tế và thương mại.

Cuốn sách đưa ra 5 cảnh báo với Chính phủ Mỹ rằng họ đang trong một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, và cần phải có thái độ tích cực hơn để thắng cuộc chiến này.

Tuy là nhà kinh tế nhưng những kinh nghiệm và chủ trương cứng rắn với Trung Quốc của ông Navarro không chỉ gói gọn trong mảng này, mà mở rộng sang cả lĩnh vực an ninh quốc gia. Đầu năm ngoái, ông xuất bản cuốn sách về quân sự Trung Quốc "Ngọa hổ: Hệ lụy của chủ nghĩa quân phiệt Trung Quốc đối với thế giới" (Crouching Tiger: What China's Militarism Means for the World), phân tích về khả năng nổ ra xung đột Mỹ - Trung. Chủ đề này cũng được ông  đề cập trong cuốn sách "Những cuộc chiến tranh với Trung Quốc sắp xảy đến: Chúng sẽ diễn ra ở đâu và làm thế nào để chiến thắng" (The Coming China Wars: Where They Will Be Fought and How They Can Be Won).

V́ được ông Trump tin dùng nên ông Navarro có thể sẽ là nòng cốt cho sự hình thành một nhóm phụ tá thân tín trong chính quyền mới có xu hướng xem Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu. Ông Trump cũng chia sẻ quan điểm ủng hộ chính sách cứng rắn trong vấn đề kinh tế với Trung Quốc trong suốt thời điểm tranh cử của ông.

Ông Trump khẳng định sự suy giảm việc làm ở các nhà máy của Mỹ là do Trung Quốc. Tính từ năm 2000, các nhà máy trên toàn nước Mỹ đã cắt giảm hơn 5 triệu việc làm. Ông Trump cũng dọa sẽ tăng thuế nhập khẩu của hàng hóa Trung Quốc lên 45% và tuyên bố Trung Quốc là "nước thao túng tiền tệ", tình trạng có thể dẫn đến các đòn trừng phạt thương mại.

Các nhà phân tích nói ông Trump sẽ thực thi chính sách kinh tế theo hướng giảm thâm hụt thương mại và giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế, với tốc độ tăng trưởng kinh tế là 3,5% năm. Nếu ông Navarro được chính thức bổ nhiệm, chính sách kinh tế của Mỹ dưới thời ông Trump chắc chắn sẽ theo hướng cứng rắn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, động thái này cũng có thể kích động một cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, và Bắc Kinh hiện cũng đang tích cực chuẩn bị cho tình huống này. Có thể Trung Quốc sẽ triển khai một loạt biện pháp phòng vệ và trả đũa kinh tế chống lại chính sách mà ông Trump áp đặt.

"Trong trường hợp có một cuộc chiến thương mại với Mỹ, phản ứng của Trung Quốc sẽ vượt xa sự tăng thuế", ông Mark Williams, Trưởng ban Kinh tế châu Á của Capital Economics cho biết. "Các công ty Mỹ sẽ nhìn thấy các sản phẩm và hoạt động của họ tại Trung Quốc bị làm khó hơn bởi các quy định cản trở việc phát triển kinh doanh của họ".

Không dừng lại đó, nếu một cuộc chiến thương mại được khai mở giữa Trung Quốc và Mỹ, những ngành công nghiệp chủ đạo của Mỹ sẽ bị tấn công phủ đầu đầu tiên.  Ông Wiliams nhận định: “Ngành xuất khẩu ô tô và máy bay của Mỹ sẽ bị tấn công, Trung quốc cũng sẽ tạo ra các quy định chặt hơn để o ép các công ty kinh doanh của Mỹ. Họ cũng có thể giảm thuế để khuyến khích xuất khẩu ra nước ngoài khi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Mỹ giảm".

Theo nhiều chuyên gia, các quan chức Trung Quốc hiện đang chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau để đối phó với chính sách của chính quyền mới của Mỹ. Trong quá khứ, Bắc Kinh sẵn sàng tiến hành các cuộc chiến thương mại với quốc gia khác mà không hề do dự.

Những tuyên bố của ông Trump gần đây về việc xem lại nguyên tắc "một Trung Quốc" cũng có thể khích động Bắc Kinh chủ động thực hiện cuộc chiến thương mại với Mỹ, do vấn đề Đài Loan là lằn ranh đỏ của nước này.

Trong thực tế, không chỉ ông Trump mà nhiều người Mỹ cũng cho rằng Trung Quốc đang cạnh tranh "không đúng luật"; đồng thời nhiều nghị sĩ Mỹ cũng muốn thắt chặt chính sách liên quan đến đầu tư từ Trung Quốc.

Vấn đề cũng nghiêm trọng hơn khi hiện có tới 1.500 công ty Trung Quốc đầu tư vào Mỹ và sử dụng 80.000 lao động, theo Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc. Ngược lại, quá nhiều công ty lớn của Mỹ đang đầu tư làm ăn tại Trung Quốc. Nếu có một cuộc chiến thương mại nổ ra thì những công ty này sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Trung Quốc bước vào Năm Dậu 2017, cũng là năm Gà mà Đảng Cộng sản Trung Quốc được lập năm 1921. Vẫn còn phải chờ xem ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục là “gà cồ đả thắng” mọi địch thủ hay không.

Trung Trực (tổng hợp)
.
.
.