Mỹ và Taliban đạt thỏa thuận về giảm bạo lực: Cánh cửa để rút quân

Thứ Tư, 19/02/2020, 16:36
"Nếu Taliban thực hiện những gì họ đã cam kết, chúng tôi sẽ có nhiều bước tiến mới", một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nói.


7 ngày không bạo lực

Theo thông báo sau các cuộc đàm phán kéo dài tại thủ đô Doha của Qatar giữa Mỹ và Taliban và cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani bên lề Hội nghị An ninh Munich, chính quyền Washington đã đạt được thỏa thuận ban đầu với Taliban về việc giảm các cuộc tấn công chết người đã tàn phá Afghanistan trong nhiều năm qua. 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới hôm 14/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhấn mạnh rằng thỏa thuận này có thể mở đường cho một cuộc rút quân lớn của Mỹ khỏi Afghanistan. "Chính bạo lực đã làm trật bánh việc ký kết thỏa thuận vào tháng 9. Bây giờ chúng tôi có thỏa thuận về giảm bạo lực. Và nếu Taliban thực hiện những gì họ đã cam kết, chúng tôi sẽ tiến lên với thỏa thuận", một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên ở Munich. 

Ông này cũng cho biết thêm rằng thỏa thuận này rất cụ thể và bao trùm tất cả các lực lượng Afghanistan và quân đội Mỹ sẽ theo dõi các mức độ bạo lực để xác minh xem Taliban có tôn trọng nó hay không. "Và cam kết của chúng tôi, về mặt giảm lực lượng, cả hai điều kiện dựa trên từng giai đoạn rất gắn liền với việc cung cấp các cam kết mà họ đã thực hiện", quan chức này nói.

Hãng CNN bình luận: "Thỏa thuận này có thể là một sự thúc đẩy chính trị cho Tổng thống Donald Trump, người đã nhiều lần hứa sẽ ngừng "chiến tranh bất tận" khi ông tìm cách tái đắc cử vào tháng 11". Theo đó, Mỹ và Taliban đã đàm phán đề xuất giảm bạo lực trong bảy ngày. Và dù thời hạn 7 ngày chưa bắt đầu, nhưng các quan chức Mỹ đều hy vọng nó sẽ dẫn đến một thỏa thuận hòa bình Afghanistan rộng lớn hơn và rút quân đáng kể của quân đội Mỹ". 

Dẫn chứng thêm cho những lập luận của mình, hãng CNN đã trích lời phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper: "Chúng tôi đã nói với nhau rằng, giải pháp tốt nhất, nếu không chỉ ở Afghanistan là một thỏa thuận chính trị. Tiến bộ đã được thực hiện trên mặt trận ngoại giao, và chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều báo cáo tốt hơn về mặt thực địa".

Hiện có khoảng 13.000 lính Mỹ ở Afghanistan có nhiệm vụ huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan và tham gia các hoạt động chống khủng bố. Sự hiện diện của quân đội Mỹ trên quốc gia Nam Á này từ năm 2001 khi quân đội Mỹ giúp lật đổ chính quyền Taliban cứng rắn đã che chở cho thủ lĩnh mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, Osama bin Laden. 

"Theo quan điểm của chúng tôi, 7 ngày là đủ. Đây sẽ là một quá trình đánh giá liên tục", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói đồng thời ông cảnh báo rằng các bước tiếp theo sẽ được thực hiện dựa trên các điều kiện bên trong Afghanistan và thỏa thuận ngừng bắn có thể chấm dứt nếu Taliban hoặc các đồng minh vi phạm các điều khoản.

Thành viên Taliban rời một cuộc đàm phán với quan chức cấp cao Afghanistan tại thủ đô Moscow (Nga) hồi tháng 5 năm 2019. ảnh: Reuters

Rút quân trong 18 tháng

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Afghanistan thì cho rằng Taliban đã cam kết tạm dừng các vụ đánh bom tự sát bên đường cũng như các vụ tấn công bằng tên lửa. "Thoả thuận đầu tiên đã được ký hôm 14/2. 

Thỏa thuận thứ 2 sẽ được ký vào ngày 29/2 và cuộc đối thoại giữa các bên sẽ bắt đầu vào ngày 10/3. Đức và Na Uy đã đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán nhưng chưa có quyết định nào về địa điểm", vị này tiết lộ. Chưa hết, quan chức này còn nói thêm rằng, việc rút quân đội nước ngoài tại Afghanistan sẽ bắt đầu dần dần và được thực hiện trong vòng 18 tháng.

Thực tế, hồi tháng 9 năm ngoái, các nhà đàm phán Mỹ đã ca ngợi một bước đột phá trong các cuộc đàm phán. Nhưng sau đó, hy vọng hòa bình tan biến vì Taliban tuyên bố chịu trách nhiệm về một vụ đánh bom xe hơi đã giết chết một người Mỹ. 

Tổng thống Donald Trump tức giận và đã loại bỏ một cuộc họp theo kế hoạch với đại diện cấp cao của Taliban tại trại David. Đến tháng 11, khi thăm binh sĩ tại căn cứ không quân Bagram ở phía Bắc thủ đô Kabul của Afghanistan, ông Donald Trump lại tuyên bố sẽ bắt đầu lại các cuộc đàm phán hòa bình. 

Năm 2019, liên minh do Mỹ đứng đầu đã thả nhiều quả bom ở Afghanistan hơn bất kỳ năm nào khác của cuộc chiến, kể cả năm 2011, năm có sự tham gia cao nhất của Mỹ với 100.000 quân. Chiến dịch trên không nói trên một phần là để buộc Taliban phải đàm phán. Sau gần 10 năm tham chiến ở Afghanistan, hơn 2.400 lính Mỹ đã bị giết và hơn 20.000 người bị thương. 

Năm ngoái, Lầu Năm Góc ước tính chi phí cho cuộc chiến ở Afghanistan là 737 tỷ USD. Việc rút các lực lượng Mỹ cũng có thể sẽ mất vài tháng và yêu cầu một số lực lượng vẫn còn để bảo vệ Đại sứ quán và các lợi ích khác của Mỹ. Các quan chức Mỹ đã tránh không công khai thời gian rút quân nhưng ông Donald Trump nhiều lần khẳng định muốn giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Afghanistan xuống còn 8.600 quân.

Chi Anh
.
.
.