Mỹ bắt đầu chiến dịch thần tốc tiêm chủng vaccine COVID-19

Thứ Tư, 16/12/2020, 07:16
Bắt đầu từ ngày 14-12, người dân Mỹ sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19, do Công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển, qua một hệ thống tiếp liệu khổng lồ là “Chiến dịch thần tốc” (Operation Warp Speed) được quân đội hỗ trợ.


hiến dịch thần tốc

Chưa bao giờ Mỹ tiến hành một chiến dịch tiêm ngừa với qui mô to lớn như thế. 2,9 triệu liều đầu tiên, xuất kho từ hai viện bào chế của Pfizer ở Michigan và Wisconsin vào sáng 13-12. Vaccine được chở trên các xe vận tải đặc biệt và sau đó bằng máy bay vận tải, để được phân phối trên toàn nước Mỹ.

Theo tướng Perna, phụ trách triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19, vaccine COVID-19 sẽ được chuyển đến 145 địa điểm trên khắp đất nước Mỹ từ 14-12. Số còn lại trong 636 địa điểm phân phối do các tiểu bang và vùng lãnh thổ ở Mỹ lựa chọn sẽ nhận được vaccine vào ngày 15-12 và 16-12. Cứ sau mỗi tuần, Pfizer sẽ cung cấp nhiều liều vaccine có sẵn hơn để phân phối và sử dụng. Trong vòng ba tuần, chiến dịch sẽ có thể tiêm ngừa vaccine Pfizer cho bất kỳ cơ sở y tế nào trong nước.

Nhân viên y tế và người già tại các viện dưỡng lão sẽ được ưu tiên tiêm trước trong loạt 2,9 triệu liều vaccine đầu tiên. Số vaccine này thuộc chương trình “Chiến dịch thần tốc” (Operation Warp Speed) của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm đẩy nhanh phát triển và phân phối vaccine COVID-19.

Chiến dịch đòi hỏi phương tiện hậu cần lớn bởi vì phải chạy đua với thời gian, nước Mỹ lại rộng lớn trải trên nhiều múi giờ và nhất là vaccine của Pfizer cần được bảo quản ở độ lạnh -70 độ C. Hai công ty tư nhân là Fedex và UPS đảm trách vận chuyển, phân phối và sẽ được quân đội hỗ trợ khi cần thiết như trong trường hợp giao thông ùn tắc hay thời tiết xấu làm chậm chuyến giao hàng. Mọi xe vận tải đều có trang bị hệ thống định vị GPS để được giám sát từng bước công việc phân phối và giải quyết trước mọi vấn đề nếu có.

Trước đó, ngày 11-12, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt sử dụng vaccine COVID-19 do Pfizer cùng đối tác BioNTech (Đức) phát triển. Đây là loại vaccine ngừa COVID -19 đầu tiên được phê duyệt ở Mỹ, đưa Mỹ trở thành quốc gia thứ 6 phê duyệt loại vaccine này để tiêm chủng đại trà (sau Anh, Bahrain và Canada, Arab Saudi và Mexico). Tuy nhiên, Mỹ sẽ là sẽ là quốc gia đông dân nhất tiêm chủng COVID-19 bằng vaccine của Pfizer. Việc mở ra “cánh cửa của vaccine COVID-19” được kỳ vọng là sẽ mang lại ánh sáng giúp nước Mỹ và thế giới vượt qua đại dịch.

Quan chức thuộc FDA cho biết, việc đóng gói vaccine cùng các công đoạn chuẩn bị khác đã được bắt đầu tại trụ sở của Pfizer ở Midwestern, bang Michigan để vận chuyển.

Dự kiến, vào ngày 17-12, FDA sẽ triệu tập một phiên họp Hội đồng để các chuyên gia có thể đánh giá về việc đưa một loại vaccine khác do hãng Moderna điều chế vào sử dụng khẩn cấp. Nếu công việc này diễn ra suôn sẻ, dự kiến sẽ có khoảng 40 triệu liều vaccine COVID-19 do Pfizer và Moderna sản xuất được phân phối trên khắp nước Mỹ, tính đến cuối tháng 12-2020.

Vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech tại kho hàng ở Michigan được đóng gói để vận chuyển, ngày 13-12-2020.

Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới

Tính đến sáng 17-12, thế giới đã có hơn 72,5 triệu ca mắc COVD-19, trong đó trên 1,61 triệu ca tử vong. Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, tình hình dịch bệnh tại Mỹ tiếp tục nghiêm trọng khi số ca mắc mới và tử vong cao vượt tầm kiểm soát khi đã ghi nhận hơn 16,71 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có 306.387 ca tử vong. Tổng số người phục hồi là hơn 9,71 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 58%).

Từ nhiều tháng qua, Mỹ vẫn là “tâm điểm” của dịch bệnh trên thế giới, với số ca mắc và tử vong mới vì COVID-19 ở mức cao kỷ lục. Trong bối cảnh trên, Tổng thống Mỹ đắc cử J.Biden cũng đã coi nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19 là một ưu tiên hàng đầu của ông khi bước chân vào Nhà Trắng.

Ông Biden đã đề ra 3 mục tiêu mà ông sẽ thực hiện trong vòng 100 ngày đầu tiên trên cương vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, bao gồm: Thực hiện việc phân phối vaccine đại trà đáp ứng tối thiểu cho 100 triệu người dân Mỹ; ký một sắc lệnh hành pháp yêu cầu tất cả người dân đeo khẩu trang nơi công cộng và mở cửa trở lại phần lớn các trường học.

“100 ngày đầu tiên của tôi sẽ không thể giúp chấm dứt đại dịch COVID-19. Tôi cũng không thể đưa ra hứa hẹn gì về điều này... Chúng ta không thể nhanh chóng thoát khỏi mớ bòng bong này, điều này cần tới thời gian. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, trong 100 ngày đó, chúng ta có thể thay đổi chiều hướng bệnh dịch và thay đổi cuộc sống của người dân Mỹ theo cách tốt hơn”- ông J.Biden nói. 
Ngọc Trang (tổng hợp)
.
.
.