Mỹ:

Tạo sừng tê giác bằng in 3D nhằm đánh lừa thị trường cứu loài vật quý hiếm

Thứ Năm, 01/02/2018, 17:50
Pembient - một công ty công nghệ sinh học tại Seattle - Mỹ đưa ra phương pháp xử lý vấn nạn săn trộm tê giác bằng cách sản xuất hàng loạt sừng tê nhân tạo từ keratin (cùng một chất liệu với móng tay và tóc) nhằm phá vỡ thị trường tiêu thụ sừng tê giác.


Ngành kinh doanh động vật quý hiếm đang mang lại lợi nhuận vượt quá lĩnh vực buôn bán ma túy của tội phạm. Nhu cầu lớn sừng tê giác, ngà voi tại châu Á, cụ thể là Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á đang dần giết hại nhiều loài vật quý ở châu Phi. 

Vì luôn tin vào lời đồn thổi rằng, sừng tê giác có thể chữa nhiều bệnh nên những người giàu có đổ xô đi mua với giá đắt hơn vàng 60.000 USD/pound (0,45 kg). Nhiều đại gia mới nổi tại Trung Quốc còn săn sừng tê giác về chạm trổ cùng với ngà voi.

Không chữa được bệnh như mọi người nghĩ

Năm ngoái, chỉ riêng ở Bắc Á, có khoảng 668 con tê giác bị săn bắn… Báo cáo mới nhất của Bộ Môi trường Nam Phi vừa cho biết bọn săn trộm đã giết chết ít nhất 277 con tê giác 4 tháng đầu năm 2016, một sự tương phản quá lớn so với con số 13 cá thể bị giết trong cả năm 2007 và 1.004 trong năm 2013. 

Theo y học phương Đông cho rằng nó có vị đắng, tính hàn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, an thần và chữa các bệnh như sốt cao, hôn mê nói nhảm, co giật, sốt phát ban…

Thực tế,  sừng tê giác không phải là "thần dược" có thể chữa được mọi loại bệnh như mọi người nghĩ.  Chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh rằng sừng tê có thể chữa bách bệnh, kể cả bệnh nan y.

Tài liệu khoa học khác cũng cho thấy, như những con vật khác, sừng tê giác trước hết là để bảo vệ bản thân. Ngoài ra còn có tác dụng giải độc cho cơ thể của nó. Theo các tài liệu y học phương Đông, khi tê giác ăn uống phải thức ăn có độc, được đào thải qua da và đào thải ra ngoài theo sừng cho nên hằng ngày nó đi cà sừng vào cây để giải độc và cũng tìm kiếm những cây không có độc nó mới ăn. 

Theo truyền thuyết của những người đi rừng xưa, nơi khe suối có dấu chân tê giác xuống uống nước thì không có độc nên người cũng uống được. Tê giác cắm sừng xuống dòng nước không có độc nó mới uống.

Thậm chí, có lời đồn, dùng bát đĩa làm từ sừng tê giác, có khả năng chống độc trong thực phẩm?! "Huyền thoại" này cũng góp phần khiến thị trường mỹ nghệ, chạm khắc sừng tê giác tăng cao tại các quốc gia châu Á. 

Liên tiếp từ năm 2011, cơ quan tình báo Liên minh châu Âu báo cáo có 56 vụ trộm cắp sừng tê giác trót lọt từ các bảo tàng, các bộ sưu tập tư nhân, các đồ cổ vật. Cùng với sự giàu có ngày càng gia tăng ở Đông Nam Á, sừng tê giác trở thành một trong những thứ hàng hiệu xa hoa, thể hiện đẳng cấp đại gia và ngày càng được săn lùng ráo riết.

Mỹ tạo sừng tê giác giả đánh lừa thị trường người tiêu dùng.

Đáp ứng thị trường bệnh hoạn

Để đáp ứng thị trường, cứu loài vật quý hiểm này, Pembient - một công ty công nghệ sinh học tại Seattle - Mỹ đưa ra phương pháp xử lý vấn nạn săn trộm tê giác bằng cách sử dụng máy in 3D cùng một số các thủ thuật kinh tế thông minh. 

Họ thực hiện y tưởng sản xuất hàng loạt sừng tê nhân tạo từ keratin (cùng một chất liệu với móng tay và tóc) nhằm phá vỡ thị trường tiêu thụ sừng tê giác. Thực tế, 90% số lượng sừng tê trên thị trường là hàng giả, phần lớn được trạm khắc từ gỗ hoặc sừng trâu bò mà người tiêu dùng không biết

Ông Matthew Markus, Giám đốc của Pembient cho biết: "Sừng nhân tạo trông giống y hệt đồ thật, thậm chí chúng còn giống nhau tới mức độ phân tử". Về lâu dài, các sản phẩm nhân tạo của Pembient cuối cùng cũng sẽ thay thế được hoàn toàn sừng tê giác thật khi giá thành sản xuất của chúng là rất rẻ. 

Hơn nữa, người mua cũng không thể nào phân biệt được sự khác nhau cho dù chúng có được đặt cạnh so sánh. Nhờ phương pháp trên, nạn săn trộm tê giác ở Nam Phi đang dần giảm trong vài tháng qua.

Bên cạnh giải pháp trên, vẫn còn rất nhiều quan niệm khác nhau về phương pháp bảo tồn loài tê giác. Một số cho rằng rất khó để thay đổi hoạt động giết hại và chế biến sừng tê đã tồn tại từ hàng ngàn năm, dường như đã trở thành truyền thống với một bộ phần người trên thế giới. Một số khác thì bác bỏ quan niệm mang tính cổ hủ này, họ yêu cầu chấm dứt và thay đổi ngay lập tức. 

Các chuyên gia dự đoán, nếu kế hoạch của công ty Pembient nhận được thêm nhiều sự ủng hộ cả về tài chính và dư luận, nạn săn bắn tê giác có thể sẽ biến mất hoàn toàn vào năm 2022. 

Dù vậy chính phủ các nước cần có các biện pháp mạnh tay hơn nữa trong việc ngăn chặn nạn săn trộm và buôn bán sừng tê giác, đông thời nâng cao nhận thức người dân trong vấn đề bảo tồn loài tê giác, đặc biệt là tê giác trắng tại châu Phi.

Trường Vân
.
.
.