Mỹ - Ấn Độ bắt đầu cuộc chiến thương mại
Việc tăng thuế sẽ giúp doanh thu thuế của Ấn Độ tăng thêm khoảng 217-235 triệu đô la, giúp bù đắp thiệt hại do Mỹ áp thuế với các sản phẩm nhôm thép của Ấn Độ vào năm 2018, tuy nhiên cũng mở màn cho cuộc chiến thương mại với Mỹ.Ngày 15- 6, Ấn Độ đã sửa đổi một lệnh trước đó của họ "để thực thi áp đặt thuế quan trả đũa đối với 28 mặt hàng được chỉ định có xuất xứ hoặc được xuất khẩu từ Mỹ.
"Economic Times dẫn lời một quan chức Chính phủ Ấn Độ cho hay, sẽ không có sự trì hoãn nào nữa trong việc đánh thuế trả đũa. Hãng thông tấn Press Trust of India cho hay, Ấn Độ đã thông báo cho Mỹ về quyết định này.
Mức thuế mới có hiệu lực từ ngày 16 - 6 nhằm trả đũa việc Tổng thống Donald Trump loại Ấn Độ khỏi Hệ thống Ưu đãi Phổ cập (GSP), chương trình cho phép Ấn Độ xuất khẩu tới 5,6 tỷ USD hàng hóa vào Mỹ mà không phải chịu thuế từ đầu tháng 6- 2019.
Hệ thống GSP miễn thuế cho "một số sản phẩm nhất định" nhập khẩu vào Mỹ nếu đáp ứng tiêu chí phù hợp, trong đó có việc "cho phép Mỹ tiếp cận thị trường công bằng và thỏa đáng".
Theo số liệu của Quốc hội Mỹ, Ấn Độ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất tư chương trình GPS của Mỹ trong suốt nhiều thập kỷ, với việc xuất khẩu số hàng hóa miễn thuế trị giá 5,7 tỷ USD sang Mỹ vào năm 2017.
Theo số liệu chính thức, trong năm 2018, kim ngạch trao đổi hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Ấn Độ ước đạt 142,1 tỷ USD, trong khi thâm hụt thương mại của Mỹ với Ấn Độ là 24,3 tỷ USD.
Với việc áp thuế mới của Ấn Độ, các mặt hàng bị tăng thuế gồm táo Mỹ - chịu thuế 70%, hạnh nhân, quả óc chó, đậu lăng và một số sản phẩm hóa chất. Thông báo không nêu cụ thể giá trị hàng hóa chịu thuế nhưng Ấn Độ từng thông báo với Tổ chức Thương mại thế giới con số khoảng 241 triệu USD.
Ấn Độ hiện là nước mua hạnh nhân của Mỹ nhiều nhất, trả 543 triệu đôla cho hơn phân nửa lượng hạnh nhân xuất khẩu của Mỹ trong năm 2018, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Nước này mua táo của Mỹ nhiều thứ hai, với 156 triệu đôla trong năm 2018.
Căng thẳng trong quan hệ Mỹ- Ấn Độ đã gia tăng từ cuối năm 2018 khi chiến lược "Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ" của Tổng thống Donald Trump đụng độ với chiến dịch "Make in India" của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Ông Trump chỉ trích việc áp thuế của Ấn Độ đối với hàng hóa của Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm như các dòng xe máy của Harley-Davidson. Đầu năm 2019, ông Trump cũng đã nhắc đến mức thuế quan 150% của Ấn Độ đối với rượu whisky nhập khẩu. "Ấn Độ đang áp thuế rất cao. Họ đánh thuế với chúng ta rất nhiều", ông Trump nói tại một sự kiện ở Nhà Trắng.
Thông báo về việc ngừng miễn trừ thuế quan với nhiều loại hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ được đưa ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên thệ nhậm chức sau chiến thắng nhiệm kỳ thứ 2 vào cuộc tổng tuyển cử được coi như cú sốc với Ấn Độ sau khi nước này đã nhượng bộ áp lực từ phía Mỹ bằng việc không mua dầu thô từ Iran, theo khẳng định của một quan chức chính phủ Ấn Độ.
Quyết định tăng thuế mới nhất của New Delhi xảy ra chỉ vài ngày trước khi Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar dự kiến gặp người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Nhật.
Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng có kế hoạch hội đàm bên lề sự kiện này. AFP nhận định, việc đánh thuế có thể cũng sẽ được đề cập trong các cuộc hội đàm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến thăm Ấn Độ vào cuối tháng này. Trước đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nói rằng Mỹ để ngỏ việc đối thoại với Ấn Độ và có thể sẽ "bắt đầu trao đổi về một số chủ đề khó".