“Hồ sơ Panama”: Mở rộng diện điều tra

Thứ Hai, 18/04/2016, 15:18
“Hồ sơ Panama” đang thúc đẩy nhiều quốc gia trên thế giới triển khai mạnh mẽ các biện pháp nhằm ngăn chặn các hành vi trốn thuế và rửa tiền. Trong bài viết gửi tới tờ New York Times hôm 11/4, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela đã than phiền: Panama không đáng bị lựa chọn để chịu hậu quả trong vụ "Hồ sơ Panama" đang quấy nhiễu nhiều quốc gia trên thế giới.


Ngày 12/4, Tổng thống Juan Carlos Varela còn tuyên bố, nếu Pháp không xem xét lại lập trường, loại Panama ra khỏi danh sách đen về “thiên đường trốn thuế”, nước này sẽ buộc phải thực hiện những biện pháp ngoại giao tương ứng. Đồng thời nhấn mạnh tới những việc minh bạch được chính phủ Panama triển khai - thành lập ủy ban để đưa ra các biện pháp kiểm soát thuế, nhằm tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế.

Trong khi đó, Tổng cục Thuế Canada tuyên bố, sẽ đẩy mạnh các nỗ lực để truy thu 2,6 tỷ CAD (khoảng 2 tỷ USD) tiền thuế thất thoát trong 5 năm qua, chủ yếu từ các nguồn tiền được cất giấu ở nước ngoài. Người đứng đầu Tổng cục Thuế Diane Lebouthillier khẳng định, họ sẽ kiên quyết xử lý mạnh tay mọi sai phạm về thuế trong thời gian tới. Và sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chính: phát hiện, điều tra và truy tố các trường hợp trốn thuế.

Tổng thống Panama Juan Carlos Varela (trái) và Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble.

Theo đó, Isle of Man sẽ là công ty đầu tiên bị điều tra vì đã tiến hành các giao dịch điện tử chuyển 860 triệu CAD (khoảng 666 triệu USD) ra nước ngoài trong hơn một năm qua. Và để làm tốt việc này, Tổng cục Thuế Canada sẽ thuê 100 chuyên gia tài chính và kiểm toán viên để nâng tổng số hồ sơ thẩm định từ 600/năm hiện nay lên 3.000/năm.

Đồng thời học kinh nghiệm của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) trong việc xây dựng chính sách chống trốn thuế. Canada đang tăng cường nỗ lực chống trốn thuế ở nước ngoài thông qua việc giám sát chặt các đối tượng nộp thuế “có nguy cơ cao” và tiến hành khảo sát các giao dịch liên quan ở các "thiên đường trốn thuế" nước ngoài.

Về phần mình, ngày 10/4, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble cho biết, Berlin đang lên kế hoạch hành động 10 điểm để ngăn chặn các hành vi trốn thuế, rửa tiền sau vụ rò rỉ thông tin từ “Hồ sơ Panama”, và coi đây là biện pháp giúp ngăn chặn việc che giấu tài sản tại các “thiên đường trốn thuế”.

Cùng ngày 10/4, Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas kêu gọi giới truyền thông bàn giao “Hồ sơ Panama” gốc để hỗ trợ nhà chức trách điều tra các nghi án trốn thuế. Khi trả lời tờ Tagesspiegel, ông Heiko Maas cho biết, các nhà điều tra chống trốn thuế và luật sư ở Đức đang thu thập chứng cứ liên quan đến "Hồ sơ Panama" và nhiều cuộc điều tra đang diễn ra.

Cũng trong ngày 10/4, kênh truyền hình Đức ARD cho biết, công ty luật Mossack Fonseca đã lợi dụng tên tuổi của một số tổ chức cứu trợ quốc tế để che giấu hành vi rửa tiền, trốn thuế cho những công ty ma, như Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên hoang dã (WWF) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Được biết, Mossack Fonseca đã thành lập ít nhất 2 quỹ riêng là Quỹ niềm tin (Faith Foundation) và Quỹ anh em (Brotherhood Foundation) để ngụy tạo cho việc chuyển tiền của ICRC mà Ủy ban này không được thông báo.

Còn khi phát biểu trên Đài truyền hình Globovision (11-4), Tổng công tố Venezuela Luisa Ortega đã yêu cầu các ngân hàng phong tỏa tài khoản của những người nằm trong diện điều tra của chính phủ liên quan tới "Hồ sơ Panama".

Bà Luisa Ortega cũng cho biết (theo chỉ thị của Tổng thống Nicolas Maduro), các công tố viên đang cân nhắc việc bắt giữ những nhân vật có tên trong "Hồ sơ Panama". Theo giới truyền thông, các nhân vật kể trên bao gồm một cựu sỹ quan quân đội cấp cao, một cựu quan chức của công ty dầu khí quốc doanh và một quan chức an ninh từng làm việc tại Phủ Tổng thống dưới thời cố Tổng thống Hugo Chavez.

Và dư luận quan tâm tới việc xác nhận của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner: Washington từng thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để tài trợ cho các nhà báo tham gia tiết lộ “Hồ sơ Panama”. Nhưng ông Mark Toner cũng khẳng định, Mỹ không biết trước về cuộc điều tra và kết quả, vì không can thiệp vào công việc của các nhà báo. Được biết, Trung tâm nghiên cứu tham nhũng và tội phạm có tổ chức là đơn vị nhận tài trợ từ USAID để các nhà báo “tác nghiệp”. WikiLeaks cũng cáo buộc Chính phủ Mỹ đứng sau việc công bố “Hồ sơ Panama”.

Ngày 12/4, tờ Sueddeutsche Zeitung tiết lộ, một số điệp viên đến từ một số quốc gia, trong đó có nhân viên CIA từng sử dụng dịch vụ của Mossack Fonseca ở Panama để che đậy hoạt động của họ. "Hồ sơ Panama" cho biết, nhiều quan chức cấp cao đang tại vị hoặc đã nghỉ hưu thuộc các cơ quan mật vụ của ít nhất 3 quốc gia là Saudi Arabia, Colombia và Rwanda nằm trong danh sách khách hàng của Mossack Fonseca. Trong đó có Kamal Adham, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo Saudi Arabia (đã chết năm 1999).
Tuệ Sỹ
.
.
.