Mike Pompeo: Người viết tiếp “Nước Mỹ trên hết”

Thứ Ba, 27/03/2018, 12:01
Ngày 13-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ yêu cầu ông Rex Tillerson thôi giữ chức Ngoại trưởng Mỹ. Ðồng thời, trong tin nhắn trên mạng xã hội Twitter, ông đề bạt Giám đốc CIA Mike Pompeo vào vị trí sẽ viết tiếp chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông.


“Tôi tự hào đề cử Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mike Pompeo làm Bộ trưởng Ngoại giao mới của chúng tôi” - Tổng thống Trump viết. Ông Trump cũng không quên nhắc đến Tillerson: “Cuối cùng, tôi muốn cảm ơn Rex Tillerson vì sự tận tụy của ông ấy. Những điều tốt đẹp đã được ông ấy mang đến trong vòng 14 tháng qua. Tôi chúc ông ấy và gia đình luôn mạnh khỏe”.

Người Ngoại trưởng gốc Italia

Ông Pompeo sinh ngày 30-12-1963, đảm nhiệm vị trí Giám đốc CIA từ ngày 23-1-2017 sau khi được Tổng thống Donald Trump chỉ định. Trước đây, ông là thành viên đại biểu Hạ viện đại diện bang Kansas từ năm 2011 đến 2017.

Pompeo là người gốc Italia. Bà nội của ông được sinh ra ở Caramanico Terme. Năm 1982, Pompeo tốt nghiệp Trường trung học Los Amigos ở thung lũng Fountain, California. Năm 1986, Pompeo tốt nghiệp thủ khoa Học viện Quân sự Mỹ tại West Point, với chuyên ngành cơ khí.

Từ năm 1986 đến 1991, Pompeo lần lượt phục vụ tại Chi cục Thiết giáp trong quân đội Mỹ; sĩ quan tuần tra Bức màn sắt trước khi bức tường Berlin sụp đổ; sau đó ông phục vụ trong Phi đoàn 2, Sư đoàn 7 và Sư đoàn Bộ binh số 4 trong Chiến tranh vùng Vịnh.

Mike Pompeo là một trong số ít người tham gia vào vòng tròn của ông Trump để phát triển mối quan hệ gần gũi với Tổng thống, thông qua báo cáo tình báo hàng ngày với ông Trump vào mỗi buổi sáng.

Tên của ông Pompeo thường xuyên xuất hiện trên danh sách các vị trí tiềm năng bên trong Nhà Trắng, bao gồm như một người kế nhiệm tiềm năng của Chánh văn phòng John Kelly.

Ông Pompeo ủng hộ việc thu thập dữ liệu truyền thông của công dân Mỹ một cách rộng rãi. Trong một bài báo đăng tải năm 2016, ông kêu gọi tái khởi động việc thu thập bộ dữ liệu điện thoại trong nước và kết hợp các dữ liệu này với các thông tin về tài chính và đời tư để thành lập một kho dữ liệu có thể được khai thác và tìm thông tin dễ dàng. Ông cho rằng các chuyên gia tình báo không thể hy vọng "ngăn chặn tấn công khủng bố" khi bị "kìm hãm năng lực".

Tổng thống Trump đánh giá: "Trên cương vị Giám đốc CIA, ông Pompeo đã nhận được sự ca ngợi của các thành viên thuộc cả hai đảng nhờ tăng cường sức mạnh tình báo của nước Mỹ, hiện đại hóa năng lực phòng thủ và tấn công; đồng thời xây dựng mối quan hệ gần gũi với bạn bè và đồng minh của Mỹ trong cộng đồng tình báo quốc tế".

Trước khi đảm nhiệm vị trí Giám đốc CIA, ông Pompeo là nghị sĩ đảng Cộng hòa có lập trường bảo thủ, đại diện cho bang Kansas tại Hạ viện. Ngoài tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point, ông còn tốt nghiệp Trường Luật, Đại học Harvard.

Hợp “gu” với Tổng thống

Ông Trump cho rằng Pompeo có quan điểm giống mình hơn Tillerson. “Pompeo tràn đầy năng lượng và trí tuệ. Chúng tôi luôn có quan hệ tốt và dễ bắt sóng" - ông Trump nói - "Ông ấy sẽ tiếp tục chương trình của chúng ta về phục hồi lại vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế, tăng cường các mối quan hệ liên minh, đương đầu với kẻ thù và tìm cách phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên".

Ông Pompeo cũng là người thường làm giảm nhẹ tầm quan trọng của vấn đề nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016. Ông nói Moskva đã tìm cách gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử của Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.

Ông Rex Tillerson đã thôi giữ chức Ngoại trưởng Mỹ

Ông Pompeo rất bất bình với chính quyền thời ông Obama và thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ông phản đối Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe hợp túi tiền (ACA), việc đóng cửa nhà tù tại Guantanamo và ông cũng từng cáo buộc cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton vì thông tin sai lệch trong vụ tấn công tại Benghazi.

Những người ủng hộ nói Pompeo là lựa chọn thích hợp với vai trò nhà ngoại giao số 1 hơn là Tillerson, người đã không ít lần phát biểu trái ngược với tổng thống Mỹ. Vì vậy, họ cho rằng nguyên thủ các nước sẽ tin tưởng lời nói của ông với tư cách là sứ giả phản ánh chính xác quan điểm của Tổng thống Trump hơn là Tillerson.

Danielle Pletka, chuyên gia thuộc tổ chức American Enterprise Institute, bình luận với NPR rằng: “Ông Trump thích những người từng mặc quân phục, và từng công tác trong ngành tình báo”. Nhưng theo bà Pletka, việc Tổng thống Mỹ dường như thích quyền lực cứng của quân sự hơn sẽ là thử thách cho Pompeo. “Liệu Tổng thống còn có quan hệ tốt đẹp với Pompeo hay không sau khi ông phải sử dụng quyền lực mềm của Bộ Ngoại giao? Đó là một câu hỏi khó trả lời”, bà nói.

Đài NPR của Mỹ nhận định ông Pompeo chưa từng có kinh nghiệm ngoại giao và cũng không có phong cách của một nhà ngoại giao.

Cứng rắn với CHDCND Triều Tiên, Iran và Trung Quốc

Nếu được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, ông Pompeo sẽ đóng vai trò then chốt trong cuộc đàm phán sắp tới giữa Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người ông Trump nói sẽ gặp mặt vào tháng 5 tới đây.

Ông Pompeo được coi là một trong những tiếng nói cứng rắn trong nội các của ông Trump liên quan tới vấn đề Triều Tiên. Gần đây, ông tuyên bố Mỹ sẽ không nhượng bộ với Triều Tiên. Cũng giống như ông Trump, Pompeo là người hay công khai chỉ trích Iran, ông từng kêu gọi hủy bỏ thỏa thuận năm 2015 về việc hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran. Nếu được phê chuẩn, có thể ông Pompeo sẽ hướng tới việc hủy bỏ thỏa thuận này, bất chấp sự phản đối của các đồng minh châu Âu.

Ông Pompeo từng gửi thư cảnh cáo tới Qasem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm chuyên tác chiến ở nước ngoài của Iran. “Tôi gửi thư tới Qasem Soleimani vì ông ấy nói quân của ông ấy có thể đe dọa Mỹ”, Pompeo phát biểu trong một hội nghị năm ngoái.

Với Trung Quốc, trong một cuộc trả lời phỏng vấn BBC, Mike Pompeo nhận định nếu so với Nga, Trung Quốc "có ảnh hưởng rõ rệt hơn" trong các hoạt động ngầm. "Hãy nghĩ về nền kinh tế của 2 quốc gia này", ông Pompeo nói. "Người Trung Quốc thực hiện nhiều nhiệm vụ bí mật hơn người Nga".

Theo ông Pompeo, nhiều quốc gia phương Tây đang cùng nỗ lực chống lại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. "Chúng ta có thể thấy những nỗ lực rất nghiêm túc của Trung Quốc trong việc thu thập thông tin từ Mỹ, đưa gián điệp vào Mỹ để chống lại chính quyền Washington", ông nói.

Xuân Trường
.
.
.