“Nước Mỹ trên hết” nhìn từ Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Hamburg

Thứ Ba, 11/07/2017, 08:25
Trong 2 ngày 8 và 9-7, Hội nghị thượng đỉnh G-20 với sự tham dự của nguyên thủ quốc gia và thống đốc ngân hàng trung ương đến từ 20 quốc gia có nền kinh tế phát triển cao và nền kinh tế mới nổi đã diễn ra tại thành phố Hamburg, CHLB Đức.

Hội nghị G-20 năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải chứng kiến diễn biến cực kỳ phức tạp ở các điểm nóng như vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, cuộc chiến chống khủng bố Syria, cuộc khủng hoảng Ukraina, nguy cơ khủng bố ở một số khu vực, làn sóng di cư tới châu Âu. 

Nhưng Hội nghị chịu tác động rất lớn, trực tiếp và phức tạp nhất là những quyết sách của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhằm thực hiện chủ trương “Nước Mỹ trên hết”. 

Theo đó, ông Donald Trump chủ trương đi theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris. Là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới đã từng chủ trương đóng vai trò lãnh đạo trật tự thế giới đơn cực sau Chiến tranh lạnh, chủ trương của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây chia rẽ trong các cuộc thảo luận cũng như đưa ra tuyên bố chung của Hội nghị G-20 năm nay.

Trước khi diễn ra Hội nghị G-20, chính quyền Mỹ đã có những hoạt động nhằm hướng sự chú ý của thế giới vào những điểm nóng đang đe dọa trực tiếp tới nền hòa bình và an ninh quốc tế mà họ cho rằng sẽ không thể hóa giải được nếu thiếu nỗ lực của G-20, trong đó Mỹ đóng vai trò lãnh đạo.

Hội nghị thượng đỉnh G20 chính thức khai mạc ngày 7-7 tại Hamburg (Đức).

Mỹ ráo riết thực hiện chiến dịch tuyên truyền trên khắp thế giới về quyết định của Washington sẵn sàng tấn công quân sự để “trừng phạt” Syria với cáo buộc “Chính quyền Damascus đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học”. 

Thậm chí, báo chí Mỹ đã nói tới “giờ G” ở Syria có thể diễn ra trước khi khai mạc Hội nghị G-20. Với thế bố trí chiến lược của nhiều bên trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria vào thời điểm này, hành động tấn công quân sự của Mỹ có thể làm bùng phát cuộc chiến tranh lớn.

Động thái này của Mỹ cũng tương tự trong thời điểm trước khi diễn ra Hội nghị G-20 tại Saint-Peterburg của Nga vào tháng 9/2013. Để làm chệch hướng thảo luận tại Hội nghị này, Mỹ tung vấn đề “Syria sử dụng vũ khí hóa học giết hại dân thường” và vì thế Tổng thống Barack Obama tuyên bố “sẽ tấn công trừng phạt Syria”. 

Sau đó, câu chuyện này đã được ông Barack Obama đưa tới Hội nghị G-20 ở Saint-Peterburg để tranh thủ sự ủng hộ của nguyên thủ các nước tham dự diễn đàn này. 

Tuy nhiên, chỉ có một số nước ủng hộ quyết định của Mỹ “trừng phạt” Syria nhưng với một điều kiện tiên quyết là phải được Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) ra nghị quyết cho phép. Trong trường hợp đó, Trung Quốc và Nga sẽ phủ quyết.

Lần này, một động thái khác rất đáng chú ý là ngay trước khi khai mạc Hội nghị G-20, Mỹ đã gửi tới phiên họp của Hội đồng bảo an LHQ bản dự thảo nghị quyết về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên liên quan tới vụ thử tên lửa đường đạn tầm xa của nước này đúng vào Ngày Quốc khánh Hoa Kỳ (4-7-2017). Sau khi bị Trung Quốc và Nga phủ quyết bản dự thảo, đại diện thường trực của Mỹ tại LHQ Nikki Haley tuyên bố rằng “Mỹ sẽ tự hành động”.

Tuy nhiên, Hội nghị vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch. Với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, Hội nghị G-20 tập trung bàn thảo về các chủ đề: (1) giải pháp để thúc đẩy và duy trì tăng trưởng kinh tế thế giới hướng đến xây dựng một nền kinh tế toàn cầu tự cường, bền vững và bao trùm; (2) thúc đẩy kết nối vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng, theo đó thúc đẩy các ưu tiên về sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo, xây dựng nền kinh tế phi carbon; 

(3) chống nhờn kháng sinh và thúc đẩy sử dụng thận trọng kháng sinh trong tất cả các lĩnh vực; (4) thực hiện Chương trình nghị sự 2030 hỗ trợ châu Phi và vấn đề phụ nữ-bình đẳng giới; (5) thúc đẩy cạnh tranh trong nền kinh tế số, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tranh thủ lợi ích của số hoá cũng như giải quyết vấn đề lao động, việc làm.

Tại diễn đàn của G-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất đồng ở các mức độ khác nhau về nhiều vấn đề nghị sự. Trong đó đáng chú ý nhất là ông không đưa ra tuyên bố ủng hộ Hiệp định khí hậu Paris.

Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh G-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích gay gắt thặng dư thương mại của Đức so với Mỹ. Ông Donald Trump phân trần rằng bố của ông cũng là người Đức và bản thân không có vướng mắc gì với nước Đức, mà vấn đề ở đây chỉ liên quan tới chuyện thương mại. 

Theo Donald Trump, thương mại phải cân bằng, công bằng và tự do để đem lại lợi ích cho công nhân và các nhà máy của Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump không chấp nhận tình trạng người Mỹ mua nhiều hơn là bán tại các thị trường đối tác, điển hình là ở Đức và Trung Quốc.

Sau Hội nghị thượng đỉnh G-7, Thủ tướng Đức Angela Merkel chia sẻ với giới báo chí những suy tư của bà sau khi tham dự diễn đàn quan trọng này: “Châu Âu không còn có thể trông cậy hoàn toàn vào các đồng minh. Tôi đã nhận ra điều này trong vài ngày gần đây. Và đó là lý do tôi khẳng định rằng đã đến lúc các nước châu Âu phải tự làm chủ số phận mình, dĩ nhiên là trong tình hữu nghị với Mỹ, với Anh và với các láng giềng tốt nếu có thể, cả với các nước khác, thậm chí với Nga. Chúng ta phải biết rằng chúng ta phải tự chiến đấu cho tương lai của chính mình, cho số phận châu Âu của chúng ta”. 

Vì thế, Hội nghị thượng đỉnh G-7 năm nay được dư luận nhận định là Hội nghị G-6+1.

Tình hình tương tự Hội nghị G-7 cũng đã diễn ra tại Hội nghị G-20 ở Hamburg, trong đó Mỹ và 19 thành viên còn lại không đồng nhất quan điểm trong hai nội dung then chốt là Hiệp định khí hậu Paris và tự do hóa thương mại. Vì thế, trên thực tế, G-20 nay đã trở thành G-19+1. 

Lần này, nói về quyết định rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris, phía Mỹ nêu quan điểm cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ các nước khác được tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn, nhưng đã không nhận được sự đồng thuận của các thành viên khác của G-20. 

Các đại biểu tham dự nhận thấy, sở dĩ Mỹ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris là do Tổng thống Donald Trump chủ trương sẽ tiếp tục thực thi chính sách năng lượng dựa vào than đá, dầu mỏ và xuất khẩu khí đốt từ đá phiến, một chính sách đi ngược với mục tiêu của LHQ về phát triển kinh tế, đồng thời với giảm dần mức phát thải công nghiệp. 

Về tự do hóa thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuy tuyên bố không phản đối nguyên tắc tự do thương mại nhưng quan điểm của ông là các thỏa thuận thương mại cần phải bảo vệ nền công nghiệp Mỹ.

Do sự bất đồng giữa Mỹ và 19 thành viên còn lại nên Hội nghị G-20 tại Hamburg sẽ chỉ đạt được đồng thuận về Tuyên bố chống khủng bố quốc tế và tài trợ cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ trong thời gian tới. 

Còn Tuyên bố chung của G-20 tuy khẳng định quan điểm không thay đổi của 19 thành viên tiếp tục ủng hộ và thực hiện Hiệp định khí hậu Paris nhưng đã phải ghi nhận việc nước Mỹ từ bỏ thỏa thuận về cắt giảm khí thải làm Trái đất nóng lên. Tuyên bố chung còn khẳng định việc thực hiện Hiệp định khí hậu Paris là xu thế không thể đảo ngược.

Về nội dung liên quan tới thương mại, Tuyên bố chung của G-20 tuy vẫn chủ trương thực hiện chính sách tự do nhưng do phải tính tới chủ trương bảo hộ mậu dịch của Mỹ nên đã phải nhấn mạnh vai trò của các biện pháp tự vệ trong thương mại.

Báo Mỹ “Washington Post” nhận định, sự cô lập của nước Mỹ với quốc tế dưới thời Tổng thống Donald Trump trở nên rõ ràng tại Hội nghị thượng đỉnh G-20, trong đó các nhà lãnh đạo của 19 nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới đã gần như đoàn kết lại thành một phe đối đầu với Washington trong nhiều vấn đề, từ khí hậu cho tới tự do thương mại.

Đại tá Lê Thế Mẫu
.
.
.