MiG-31BM, át chủ bài bảo vệ không phận Nga ở Bắc Cực
Tiêm kích đánh chặn MiG-31BM hiện là máy bay chiến đấu duy nhất bảo đảm an ninh vùng trời Liên bang Nga ở Bắc Cực, trong đó có các chủ thể công nghiệp dầu khí.
MiG-31 bắt đầu được sản xuất từ năm 1981 tại nhà máy hàng không Sokol ở Gorky (nay là Nizhny Novgorod) và được biên chế trong Không quân Liên Xô (cũ) từ những năm 80. Việc nghiên cứu và chế tạo MiG-31 bắt đầu từ nguyên nhân vào những năm 1970, Mỹ đã đẩy mạnh triển khai các tên lửa hành trình chiến lược và loại máy bay ném bom FB-111 vào phục vụ.
Cho tới lúc này, MiG-31BM vẫn được đánh giá là mẫu máy bay đánh chặn hiện đại của Nga. |
FB-111 có thể bay trên bầu trời Bắc Cực và vươn tới biên giới của Liên Xô ở độ cao thấp, men theo địa hình tránh bay vào khu vực quan sát của các vệ tinh Liên Xô để tiến hành các hoạt động uy hiếp nghiêm trọng. Mặt khác, khi đó Liên Xô đang có khoảng trống nghiêm trọng về radar giám sát ở biên giới phía Bắc rộng lớn.
Để lấp khoảng trống này, Moscow đã quyết định chế tạo một loại máy bay có khả năng giám sát vùng không phận rộng và độ cao lớn. Được thiết kế cho các nhiệm vụ phòng thủ và tấn công chiến lược, MiG-31 được phát triển nhằm đáp trả nguy cơ bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân từ lực lượng máy bay tấn công chiến lược của đối phương.
Tính đến cuối năm 1994, đã có hơn 500 chiếc được chế tạo. Sau đó, việc sản xuất đã bị giảm dần. Cho tới nay, vẫn còn khoảng 100 chiếc MiG-31 đang hoạt động qua nhiều lần nâng cấp. Việc hiện đại hóa MiG-31 bắt đầu với tên gọi mới MiG-31M. Máy bay này được cho là một phát minh tốt nhất trong lịch sử quân đội Liên Xô.
Phiên bản MiG-31BM có thể mang được nhiều loại vũ khí từ tên lửa phòng không đến bom dẫn đường; ngoài ra còn được nâng cấp về hệ thống điện tử và dữ liệu kỹ thuật số, buồng lái mới, cùng hệ thống kiểm soát vũ khí mạnh hơn.
Đặc biệt, MiG-31BM được trang bị radar mảng pha Zaslon M mạnh hơn radar đời đầu lắp trên MiG-31. Zaslon M có tầm hoạt động 300 - 400km, theo dõi 24 mục tiêu và tiêu diệt 6 trong số đó cùng lúc, vì vậy máy bay có thể hoạt động hoàn toàn độc lập mà không cần sự hỗ trợ của các hệ thống kiểm soát không gian trên mặt đất.
Mẫu MiG-31BM mới được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu tầm xa, vốn không thể vươn tới bởi các máy bay chiến đấu thông thường. MiG-31BM cũng có thể thiết lập một mạng lưới chia sẻ thông tin và hoạt động phối hợp với các máy bay khác.
Vũ khí đối không chủ lực của MiG-31BM là tên lửa tầm xa R-37 mạnh hơn so với R-33. R-37 có tầm bắn từ 150 - 398km, tốc độ hành trình Mach 6, hệ dẫn đường kết hợp quán tính và radar chủ động, lắp đầu đạn nổ phân mảnh 60kg. MiG-31BM mang tên lửa đối không tầm ngắn - tầm trung tiên tiến hơn như R-73 và R-77. Với sự liên kết chặt chẽ với vệ tinh và các loại radar cảnh báo tên lửa, MiG-31BM cũng có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo của đối phương ngay trên tầng bình lưu.
Điều mà các cường quốc quân sự phương Tây lo sợ nhất là MiG-31 được trang bị tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal (Dagger), với tốc độ lên tới Mach 10–Mach 12, tầm phóng hơn 2000km, với sai số vòng tròn đồng tâm vẻn vẹn chỉ có 1m. Loại tên lửa thế hệ mới này có đầu đạn thường nặng 500kg hoặc đầu đạn hạt nhân 100 - 500 kT, có khả năng tấn công mặt đất và hủy diệt cả những mục tiêu trên biển.
Cho tới lúc này, MiG-31BM được đánh giá là mẫu máy bay đánh chặn hiện đại của Nga. MiG-31BM có chiều dài 21,62m, trọng tải cất cánh tối đa 46,2 tấn, và tốc độ tối đa 3.000 km/h ở độ cao lớn, trong khi trần bay đạt 20.600m; tầm hoạt động 3.000km, kèm theo khả năng nạp nhiên liệu trên không, ngoài ra, nó cũng có khả năng trang bị 2 bình nhiên liệu đặt ngoài.
Tháng 4-2016, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Đại tá Yaroslav Roshupkin, trợ lý Tư lệnh Quân khu Trung tâm Nga cho hay, phi công nước này đã lập kỷ lục điều khiển tiêm kích cơ đánh chặn MiG-31BM trong một chương trình huấn luyện nâng cao.
Theo Đại tá Yaroslav Roshupkin, các phi công đã điều khiển chiếc MiG-31BM trong suốt thời gian 7 giờ 4 phút khi bay một mạch từ vùng Krasnoyarsk tới khu vực Astrakhan. Tổng cộng, máy bay đã bay qua quãng đường gần 8.000km với 3 lần được tiếp nhiên liệu trên không.
Ông Roman Martov, đại diện hạm đội Thái Bình Dương cho biết: “Với các hệ thống kĩ thuật điện tử hàng không mới nhất, các máy bay MiG-31BM mới đóng vai trò nâng cấp phi đội không quân tại căn cứ Tsentralnaya Uglovaya lên mức tiên tiến. Các hệ thống điện tử và vũ khí mới khiến MiG-31BM hiệu quả hơn 2,6 lần phiên bản cũ”.