Mất tiền tỉ vì bị lừa bởi tội phạm công nghệ cao
- Khởi tố vụ án chiếm tài khoản Facebook để lừa đảo
- Nhóm người nước ngoài sử dụng thiết bị kích sóng di động
Thời gian gần đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao tại TP HCM có chiều hướng phức tạp trở lại. Ngoài những hình thức giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, tạo số điện thoại giả trên mạng internet gọi hù dọa người dân về việc có người thân phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, rửa tiền… rồi bắt nộp một khoản tiền vào tài khoản của chúng, bọn tội phạm còn ăn cắp tài khoản Zalo, facebook rồi nhắn tin hỏi vay tiền từ những người bạn của chủ thuê bao.
Mặc dù Phòng Cảnh sát kinh tế đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và Công an 24 quận, huyện chủ động tuyên truyền đến từng khu phố và trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi đến nhiều khu vực nhà dân, song vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân vẫn nổi lòng tham, đã sập bẫy lừa. Mặt khác họ cũng không trình báo với cơ quan Công an hoặc khi mất tài sản rồi mới báo khiến cho công tác đấu tranh gặp nhiều khó khăn.
Tiền tỷ bốc hơi trong nháy mắt
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, Công an TP HCM đã tiếp nhận trên 200 tin trình báo về tội phạm lừa đảo công nghệ cao. Các đối tượng cầm đầu các băng nhóm lừa đảo chủ yếu là người nước ngoài.
Để thực hiện được hành vi lừa đảo, chúng móc nối với một số người ở trong nước có trình độ công nghệ giỏi, nhưng lười làm việc, muốn làm giàu bất hợp pháp, hình thành băng nhóm, sử dụng các tài khoản ảo, tạo dựng các phần mềm bẻ khóa xâm nhập vào các tài khoản, hộp thư điện tử, email của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để đánh cắp thông tin, tài liệu rồi tìm cách lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp.
Thực tế trong thời gian qua, cơ quan Công an đã bắt giữ một số đối tượng người gốc Phi, sau khi đánh cắp thông tin hợp đồng mua bán với khách hàng của một số doanh nghiệp, chúng tạo lập địa chỉ email giả mạo (gần giống email thật) và gửi thông tin yêu cầu doanh nghiệp mua hàng (kể cả Việt Nam và nước ngoài) chuyển tiền thanh toán vào tài khoản ngân hàng do chúng lập ra để chiếm đoạt.
Với thủ đoạn này, bọn lừa đảo đã khiến không ít doanh nghiệp sập bẫy, thậm chí có doanh nghiệp sau khi bị lừa cứ tưởng đối tác làm ăn không đàng hoàng đã hủy hợp đồng, chấp nhận chịu thiệt thòi và khi hiểu được vấn đề thì đối tác đã ký hợp đồng với doanh nghiệp khác.
Một đối tượng lừa đảo gốc Phi bị cơ quan Công an bắt giữ. |
Trường hợp Công ty Xuất nhập khẩu Hoàn Đức là một điển hình. Giữa năm 2018, doanh nghiệp này ký hợp đồng với một đối tác ở Nam Phi mua 1.500 khối gỗ nhóm 3 về đóng bàn ghế, giường, tủ, đồ gia dụng các loại.
Ngay sau khi ký hợp đồng, phía đối tác trở về tập hợp được gần 300 khối gỗ và gửi email thông báo cho Hoàn Đức biết để chuẩn bị tiền đặt cọc số tiền trị giá 1/3 lô hàng và khi tàu cặp cảng Cát Lái, TP HCM và làm thủ tục thông quan xong sẽ thanh toán. Thời điểm này, hộp thư điện tử của doanh nghiệp Hoàn Đức đã bị bẻ khóa đột nhập mà không biết, và ngay lập tức chúng lập một email giả gần giống như của phía đối tác rồi gắn ảnh một con tàu đang xếp gỗ gửi cho Hoàn Đức yêu cầu chuyển hàng trăm ngàn USD tiền đặt cọc vào tài khoản của chúng.
Sau khi thực hiện lệnh chuyển tiền, phía Hoàn Đức gửi thông báo cho phía đối tác thì nhận được câu trả lời: “Chúng tôi mới đang tập kết gỗ về kho chứ chưa xếp lên tàu và cũng chưa có yêu cầu chính thức về tiền đặt cọc... Các ông hãy kiểm tra lại thông tin đi, vì mình còn làm ăn lâu dài chứ đâu chỉ có một chuyến hàng này…”. Bán tín, bán nghi, Hoàn Đức đã yêu cầu kế toán đi kiểm tra lại thông tin ngân hàng và phát hiện số tiền này đã được chuyển vào một tài khoản ở tỉnh Lạng Sơn và đã được rút hết ngay sau đó.
Loại hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại giả mạo cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án sau thời gian tạm lắng xuống do bị triệt phá nhiều đường dây, tổ chức tội phạm và cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo đến người dân, trong thời gian gần đây các đối tượng đã tiếp tục quay trở lại hoạt động.
Công tác đấu tranh, điều tra truy xét với các loại tội phạm lừa đảo này gặp nhiều khó khăn hơn do bọn chúng có sự thay đổi phương thức thủ đoạn. Trước đây, sau khi hù dọa được nạn nhân, chúng yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản mà chúng thuê người mở sẵn tại các ngân hàng sau đó chuyển lòng vòng qua nhiều ngân hàng khác rồi dùng thẻ ATM rút ngay tại TP HCM. Nhưng nay, chúng yêu cầu chính nạn nhân mở tài khoản Internet Banking nhưng theo số điện thoại của chúng, sau đó chuyển tiền vào với lý do: “để kiểm tra nguồn tiền có sạch hay không…?”.
Với chiêu thức này, bọn lừa đảo tạo niềm tin giả tạo cho bị hại rằng nộp tiền vào tài khoản của chính mình thì chắc ăn như bắp mà không ai có thể rút ra được, nhưng thực tế khi cài số điện thoại của chúng vào tức là mọi thông tin về tài khoản chúng đều nắm được bất kỳ lúc nào chúng muốn.
Sau khi kiểm tra thấy có lượng tiền lớn thực hiện lệnh chuyển tiền bằng Internet Banking vào tài khoản mà chúng thuê những người ít hiểu biết hoặc người dân tộc thiểu số đứng tên ở các ngân hàng tại khu vực các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh hoặc cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh)… nhanh chóng tẩu thoát sang kia biên giới.
Một đoạn tin nhắn lừa đảo trúng thưởng trên facebok. |
Anh Hùng giám đốc doanh nghiệp chuyên làm dịch vụ xuất nhập khẩu ủy thác tại TP HCM bị lừa hàng tỷ đồng là một ví dụ, ngày 22-4-2019, anh Hùng nhận được điện thoại của một người tự xưng tên là Thiếu tá Long, đang công tác tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội thông báo có một kiện hàng mang tên Công ty anh gửi đi Hoa Kỳ, nhưng vì phát hiện bên trong có nhiều gói bột trắng nghi là ma túy nên nhân viên Hải quan đã ách lại kiểm tra rồi giao cho cơ quan điều tra tiếp nhận. Nói xong, đầu dây bên kia cúp máy.
Gọi điện kiểm tra tất cả nhân viên giao nhận hàng hóa đều không thấy có dấu hiệu bất thường, nhưng để cho chắc ăn, buổi chiều hôm ấy, anh Hùng gọi điện thoại vào số máy hồi sáng đã gọi cho mình và đầu dây bên kia vẫn là giọng người xưng tên Thiếu tá Long.
Ngay sau đó người đàn ông này yêu cầu thao tác bấm nút kết nối để kiểm tra tên đơn vị sử dụng số điện thoại và khi anh Hùng hoàn tất thao tác thì trên màn hình thông báo: “Số điện thoại quý khách đang liên lạc đến từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội”. Đang bối rối, anh Hùng bị tên… Thiếu tá kia gửi cho mấy tấm ảnh thùng đựng tinh thể màu trắng giống hệt ma túy đá rồi bồi tiếp rằng với số lượng ma túy lớn thì chắc chắn anh sẽ phải dựa cột, nhưng muốn ém vụ này đi thì chi 5 tỷ để hắn lo cho. Nếu đồng ý thì chuyển tiền vào tài khoản 5150105702… tại Ngân hàng MB Bank Lạng Sơn và hắn sẽ cho tiêu hủy luôn số ma túy này.
Quá lo sợ, anh Hùng rút tiền ngân hàng chuyển trước cho chúng 4 tỷ và ngay lập tức chúng gọi điện thoại Facetime quay cảnh một người mặc quân phục Công an đang đốt chiếc thùng bên trong có chức tinh thể màu trắng. Hai ngày sau, anh Hùng mới nói cho một người bạn biết vừa phải chi 5 tỷ để lo lót cho khỏi tai bay vạ gió. Nghi bị lừa người bạn yêu cầu anh Hùng kiểm tra lại các thông tin thì anh mới ngã ngửa ra là mình bị dính bẫy lừa vì số tiền trong tài khoản đã bị rút sạch, còn chủ tài khoản là tên một người ở tỉnh Lạng Sơn.
Ngoài loại hình lừa đảo bằng công nghệ cao, thời gian qua loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức “bẫy tình” có chiều hướng gia tăng trở lại. Bọn chúng thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Line, Tango, Wechat… giả danh người nước ngoài để nhắn tin làm quen, giao lưu, kết bạn, đặt vấn đề tình cảm nam nữ, sau đó vờ chuyển tiền, quà có giá trị lớn về Việt Nam rồi liên lạc qua email, điện thoại để đánh vào lòng tham, dẫn dụ người bị hại thực hiện chuyển tiền thanh toán cước phí vận chuyển, tiền thuế, phí Hải quan vào các tài khoản do chúng tạo ra, sau đó chiếm đoạt.
Hầu hết các vụ lừa đảo với phương thức, thủ đoạn này đều do các đối tượng người gốc Phi chủ mưu, cầm đầu có sự móc nối với các đối tượng nữ là người Việt Nam để đóng vai nhân viên giao nhận, nhân viên Hải quan và thuê các đối tượng người Việt Nam đứng tên mở tài khoản ngân hàng để chiến đoạt tài sản.
Nhóm đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) lừa đão chiếm đoạt tài sản. |
Cẩn trọng khi nhận điện thoại, email lạ
Theo Thiếu tá Cù Huy Anh, Phó Đội trưởng Đội 1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP HCM, để đấu tranh, triệt phá đối với các băng nhóm tội phạm này, ngoài những biện pháp phòng ngừa đã triển khai trước đây, thời gian qua Phòng Cảnh sát kinh tế đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và Công an 24 quận, huyện tuyên truyền sâu rộng đến các chi nhánh, Phòng giao dịch các ngân hàng trên toàn thành phố.
Khi phát hiện đối tượng có biểu hiện nghi vấn, nhân viên giao dịch bí mật báo ngay cho Công an quận, Huyện nơi có trụ sở hoạt động để phong tỏa tài khoản, tiến hành điều tra. Đơn vị cũng đã ký nhiều văn bản gửi các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền trên mặt báo, phối hợp với các nhà mạng VNPT, Vinaphone, Mobifone, Viettel, Việt Nam Mobi… thường xuyên gửi tin nhắn cảnh báo đến các đầu số thuê bao, phối hợp với các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, tổ dân phố tuyên truyền sâu rộng đến tất cả các tầng lớp nhân dân nhằm giúp họ nâng cao cảnh giác, biết cách nhận diện đối tượng lừa đảo, tích cực phối hợp với cơ quan Công an để đấu tranh ngăn chặn.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận người dân thiếu hiểu biết, có lòng tham, ảnh hưởng lối sống ảo; sự thiếu hiểu biết của các doanh nghiệp trong quá trình tham gia môi trường mạng internet… vẫn còn tạo sơ hở để bọn tội phạm mạng triệt để lợi dụng. Chính vì vậy, Công an TP HCM mong muốn nhận được sự hợp tác sâu, rộng hơn nữa của quần chúng nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp cần nêu cao cảnh giác và khi có nghi vấn về đối tượng lừa đảo phải báo ngay cho đơn vị Công an gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
Khi nghe điện thoại lạ có thông báo về việc người thân có dính líu đến các đường dây cờ bạc, cá độ, mua bán trái phép chất ma túy, rửa tiền quốc tế, có kiện hàng từ nước ngoài gửi tặng, nhắn tin trên Zalo, Facebook hỏi mượn tiền hoặc giả bộ đang đi chơi xa nhờ chuyển vào một tài khoản nào đó để trả nợ gấp, tin nhắm thông báo trúng thưởng… thì phải xác minh cụ thể, và nếu thấy nghi ngờ thì báo ngay cho cơ quan Công an để có biện pháp giải quyết.