Mất tiền thật vì giấy tờ giả

Thứ Ba, 26/05/2020, 12:30
Lợi dụng giấy tờ giả để lừa đảo, đó là nỗi lo của nhiều người khi loại hình tội phạm này ngày càng phát triển. Dựa vào những lỗ hổng trong giao dịch và khó khăn trong việc xác minh thông tin cá nhân, loại hình tội phạm này đã gây nên nhiều vụ việc, gây bức xúc trong dư luận xã hội…

Lừa từ ngân hàng…

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hà Nội vừa triệt phá được một ổ nhóm chuyên làm giả giấy tờ như chứng minh nhân dân, căn cước công dân và sổ hộ khẩu dựa trên hành vi sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục vay, mở thẻ tín dụng tại ngân hàng. 

Cơ quan điều tra đã bắt giữ 3 đối tượng gồm Phạm Thu Diệu (SN 1991, trú tại Nông Cống, Thanh Hóa), Đào Mỹ Linh (SN 1993, trú tại Thịnh Quang, Đống Đa), Nguyễn Phú Đạt (SN 1995, trú tại Tam Điệp, Ninh Bình).

Qua điều tra xác minh cho thấy, nhóm đối tượng trên đã thuê người làm giả các loại giấy tờ tùy thân y như thật mang tên Phạm Thu Diệu hoặc Phạm Ngọc Diệu tại các địa chỉ không có thật. Tiếp đó, các đối tượng đã tìm mua hợp đồng lao động tại một số công ty cùng bảng lương thu nhập từ 1,2-2,5 triệu đồng để làm thủ tục vay tín chấp, mở thẻ tín dụng tại nhiều ngân hàng.

Do nhiều nhân viên ngân hàng cần tìm khách cũng như mất cảnh giác với các hồ sơ giả do nhóm này dựng lên nên chỉ trong thời gian ngắn, các đối tượng đã thực hiện trót lọt 10 bộ hồ sơ, chiếm đoạt khoảng 926 triệu đồng. Thậm chí, với mỗi bộ hồ sơ thành công, đối tượng Nguyễn Phú Đạt còn được nhận 3-5% tiền "hoa hồng" từ phía nhân viên ngân hàng. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng cho biết đã chia nhau số tiền lừa được để tiêu xài cá nhân.

Nhiều giấy tờ giả với tên khác nhau của cùng đối tượng thuê máy ảnh.

Từ vụ việc này cho thấy các lỗ hổng trong giao dịch ngân hàng đã giúp tội phạm sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng có áp lực doanh số và chấp nhận cho vay thông qua các hồ sơ của khách hàng gửi đến mà không có khâu thẩm định, xác minh cụ thể. 

Nhất là các loại hình như thẻ tín dụng, vay trả góp là các hình thức vay tiền dễ gặp sơ hở khi gặp các đối tượng lừa đảo dạng này. Chỉ đến khi có nợ xấu, các ngân hàng sẽ tìm đến các địa chỉ khách hàng cho vay nhưng đây là các địa chỉ giả không có thật, do đó không thể thu hồi được số tiền cho vay.

Trả lời về vấn đề này, theo chị N.A.H, cán bộ thuộc phòng quản lý rủi ro của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Việt Nam cho biết, việc bị đối phó với các đối tượng sử dụng giấy tờ giả đang là một vấn đề "đau đầu" đối với các nhân viên ngân hàng bởi rất khó tránh khỏi trong các giao dịch ngân hàng.

Thứ nhất là do ngân hàng không có chức năng nhiệm vụ cũng như không có nghiệp vụ để phân biệt các giấy tờ thật giả. Thứ hai là trong nhiều loại giao dịch như mở tài khoản, mở thẻ tín dụng đều không qua khâu thẩm định kĩ càng, nhất là với việc mở thẻ tín dụng, ngân hàng chỉ thực hiện xác minh thông qua điện thoại nên rất khó kiểm soát. Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng cũng như các ngân hàng cần tập huấn thêm cho nhân viên cách phân biệt giấy tờ thật giả.

"Cho đến thời điểm này, chúng tôi chỉ có chức năng ngăn chặn bằng cách gạt bỏ những hồ sơ có dấu hiệu nghi ngờ. Nhưng với việc nhiều loại giấy tờ được làm giả một cách tinh vi như hiện nay thì việc phòng tránh ngày một khó khăn hơn. Có lẽ nó sẽ chỉ hết khi nào chúng ta thực hiện việc cấp mã số định danh cho từng người và quản lý nó trên hệ thống online", chị H. cho biết.

Từ trái sang: Phạm Thu Diệu, Đào Mỹ Linh, Nguyễn Phú Đạt.

Cho đến các hộ kinh doanh

Với sự tinh vi thậm chí qua được mặt của ngân hàng thì với những nạn nhân là người dân kinh doanh, việc bị lừa bởi loại hình tội phạm này thực sự khó tránh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong một số diễn đàn mạng xã hội cũng như người chơi máy ảnh đang "nóng" lên vấn đề lừa đảo thuê máy ảnh bằng giấy tờ giả.

Cụ thể, một số chủ cửa hàng cho thuê máy ảnh đã lên tiếng cảnh báo về một đối tượng thường sử dụng các loại giấy tờ tùy thân giả như đăng ký xe máy, chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe được làm giả với nhiều tên khác nhau như Bùi Thế Duy Anh, Trần Đức Đạt... để đặt cọc thuê máy. Sau khi nhận máy và ống kính với giá trị lên tới cả trăm triệu đồng, đối tượng này lập tức mang đi bán trên các chợ online. 

Theo anh S.T, một nạn nhân của đối tượng này cho biết: "Do thủ tục thuê máy của mình cũng như nhiều anh em làm dịch vụ này khá đơn giản, đó là khách chỉ cần đặt lại giấy tờ tùy thân rồi làm hợp đồng là có thể mang máy về nên việc bị lừa cũng là điều dễ hiểu. Có thể có các đường dây làm giấy tờ giả một cách dễ dàng nên đối tượng mới làm được nhiều giấy tờ để đi lừa như thế. Rất may sau đó mình tìm được thông tin thật và làm lớn chuyện, gia đình của người này đã gửi tiền khắc phục bằng đúng giá trị tài sản nên vụ việc cũng được bỏ qua".

Còn theo một nạn nhân khác là anh T.Q cho biết, cửa hàng của anh chỉ phát hiện bị lừa khi thấy một bài đăng bán chiếc ống kính có số seri trùng với ống kính vừa cho thuê trên chợ online. Ngay sau đó, qua tìm hiểu trên mạng về cách đọc thông tin trên số căn cước công dân, anh Q. mới phát hiện ra giấy tờ mà đối tượng đặt lại cửa hàng có dấu hiệu giả mạo khi các thông tin thể hiện không chính xác so với số trên thẻ. Sau đó, anh Q. đã tìm mọi cách để tìm được thông tin cá nhân thật của đối tượng, từ đó hẹn gặp với gia đình của người này để yêu cầu bồi thường tài sản.

"Do họ cũng đồng ý bồi thường toàn bộ tổn thất bằng số tiền thiệt hại nên mình không muốn làm to chuyện, chỉ báo cho anh em cùng nghề biết để cảnh giác. Cho tới nay, nhiều người cũng đã lên tiếng về việc bị người này lừa đảo bằng cùng một thủ đoạn sử dụng giấy tờ cá nhân giả để đặt cọc thuê máy ảnh. Tôi cũng không rõ vì sao mà họ lại có thể làm giấy tờ giả dễ dàng và tinh vi đến thế", anh Q. chia sẻ.

Quả thật trong thời điểm hiện nay, chỉ với vài cú click chuột là có thể dễ dàng tìm thấy các địa chỉ nhận làm giấy tờ giả như bằng đại học, sổ hộ khẩu, căn cước công dân, bằng lái xe… Thậm chí các đối tượng này còn mua quảng cáo của trang tìm kiếm để được hiện lên trên top 1 của trang tìm kiếm, quảng cáo cho hình thức làm giấy tờ giả, vi phạm pháp luật.

Tang vật được cơ quan chức năng thu giữ.

Cần xử lý từ những quảng cáo công khai

Theo Luật sư Lê Văn Hồi - Giám đốc Công ty luật My Way, trong thực tiễn hành nghề luật sư ông cũng thường xuyên đối mặt với việc gặp phải các giấy tờ, tài liệu bị làm giả. Nhưng dưới góc độ nghề nghiệp thì các luật sư thực hiện tư vấn và không phải chịu trách nhiệm về các nội dung tư vấn trong trường hợp khách hàng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật. 

Từng tham gia các vụ việc liên quan đến bị cáo làm giả con dấu của ngân hàng, khi thực hiện dịch vụ pháp lý của vụ việc này, luật sư Hồi cũng đặt dấu hỏi khi nhận thấy những thông tin về làm giả con dấu, làm giả giấy tờ cá nhân được các đối tượng quảng cáo trên các website, mạng xã hội khá công khai.

"Cơ bản chỉ cần tìm kiếm các từ khóa như "làm giả con dấu", "làm giả bằng cấp" qua công cụ tìm kiếm Google là đều tìm được những bài quảng cáo cho dịch vụ sai phạm này", ông Hồi cho biết.

Để giải quyết vấn nạn này, luật sư Lê Văn Hồi đề nghị các cơ quan chức năng cần phối hợp, làm việc với các công ty quản lý công cụ tìm kiếm, mạng xã hội để đề nghị dừng tiếp nhận những quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam, đồng thời quyết liệt xử lý những đối tượng có hành vi làm giả công khai, cùng với đó là phối hợp tuyên truyền về việc vi phạm pháp luật trong việc sử dụng những tài liệu giả này. Đó cũng là bước đầu ngăn chặn việc xuất hiện các loại tội phạm sử dụng giấy tờ giả để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Với hành vi làm giả CMND, Sổ hộ khẩu đều là những giấy tờ được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các đối tượng có thể bị khởi tố với tội danh quy định tại Điều 341 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là "Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Tội danh này bao gồm 2 hành vi là "làm giả" và "sử dụng" tài liệu của các cơ quan, tổ chức nên tùy thuộc vào hành vi cụ thể của các đối tượng liên quan để xác định hành vi phạm tội cụ thể.

Việc sử dụng CMND, Sổ hộ khẩu giả để thực hiện hành vi vay tín chấp, mở thẻ tín dụng để chiếm đoạt tiền của các tổ chức, bản thân các đối tượng này không có ý định thực hiện việc thanh toán nợ khi cung cấp nhân thân không chính xác nên các tổ chức tín dụng không có khả năng thu hồi. Ngay tại thời điểm mở thẻ tín dụng, vay tín chấp thì các đối tượng có liên quan đã thể hiện rõ ý định chiếm đoạt tiền nên có thể bị khởi tố với tội danh được quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là "Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Nếu xác định rõ được việc các cán bộ tín dụng biết các đối tượng có liên quan sử dụng tài liệu giả để vay vốn, không đủ điều kiện để vay vốn nhưng vẫn cấp tín dụng thì các cán bộ tín dụng này có thể bị khởi tố về tội danh theo quy định tại Điều 206 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về "Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" do có hành vi "Cấp tín dụng cho những trường hợp không được cấp tín dụng trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng" tại điểm a, khoản 1 Điều này.

Trâm Hiền
.
.
.