Lùa dân nhập cư vào sa mạc cho… mất tích
- Tuần tra biên giới ngặn chặn tội phạm từ dân nhập cư trái phép
- Tại sao Thụy Sỹ muốn hạn chế dân nhập cư từ EU?
- Phát hiện mạng lưới bắt cóc tống tiền dân nhập cư trái phép vào Mỹ
Biên phòng Mỹ tạo ra cuộc khủng hoảng người mất tích thế nào? Tổ chức “Không ai phải chết nữa” ở bang Arizona nêu trong báo cáo 34 trang: Lính biên phòng Mỹ truy lùng người vượt biên theo cách khiến nhiều người chạy tán loạn, bị thương, chết hoặc mất tích, biến vùng biên giới tây nam nước Mỹ thành một “nghĩa địa lớn.
Nghĩa địa lớn của người mất tích
Báo cáo viết rất gay gắt: “Nếu bị phát hiện, người mất tích bị đưa vào nơi giam giữ, nhà xác hoặc chết trơ xương trong sa mạc, nhiều xác người không bao giờ nhận dạng được. Hàng ngàn người không bao giờ xác định được vị trí.
Sự mất tích của hàng ngàn người trong vùng hoang dã hẻo lánh của biên giới Mỹ-Mexico là một trong những tội ác lớn nhất lịch sử hiện đại của chúng ta”.
“Không ai phải chết nữa” cáo buộc Cục Tuần tra biên phòng Mỹ đã triển khai khoảng 18.000 nhân viên trên vùng biên giới dài 2.000 dặm là “phá hoại những nỗ lực cứu trợ nhân đạo và có hành động kỳ thị với người không giấy tờ tùy thân trong những cuộc phản ứng khẩn cấp”.
Báo này nói lính biên phòng xua lùa người vượt biên vào cái chết, bị thương và đối xử bạo tàn với người bị bắt: “Những cái chết và mất tích hàng loạt là hậu quả không tránh được của một kế hoạch củng cố biên giới sử dụng hoang địa làm vũ khí”.
“Không ai phải chết nữa” cũng mô tả vùng biên giới giáp Mexico là một “nắm đấm sắt” thường ép những người vượt biên phải chấp nhận những số phận nghiệt ngã, bất an.
Và chính sách này bắt nguồn từ chiến lược “Ngăn chặn thông qua sự làm nhụt chí” có từ năm 1994 (khi ông Bill Clinton là Tổng thống Mỹ). Chiến lược là khóa chặt các hướng đến những đô thị, và việc xua đuổi người vượt biên vào những tuyến hoang vắng, dễ bị thương tích, bị khát nước cháy cổ, không còn nước uống, bị kiệt sức và bị mất thân nhiệt, bị chết vì nhiệt độ thời tiết cao và bị chết đuối dưới dòng sông dữ Rio Grande.
Báo cáo kêu gọi chấm dứt chương trình trên, để “công tác gìn giữ mạng người, quyền làm người và nhân phẩm” là mục tiêu chủ đạo của hoạt động bảo vệ biên giới, và để công khai toàn bộ các chủ trương, tài liệu của hoạt động này.
Qui tội cho bọn buôn người
Tổng thống Mỹ tân cử Donald Trump đã hứa xây tường ở vùng biên giới phía Nam để chặn di dân trái phép và bọn buôn lậu ma túy đưa hàng vào Mỹ; đồng thời sẽ trục xuất từ 2 đến 3 triệu di dân trái phép đã sống ở Mỹ.
Hội đồng Tuần tra biên phòng quốc gia (một tổ chức công đoàn đại diện lính biên phòng) đã ủng hộ ông Trump tranh cử, cố vấn cho nhóm chuyển giao quyền lực của ông. Họ nói một nửa đường biên giới Mỹ - Mexico bị “rách”, là một “lỗ hổng an ninh ”khiến Mỹ bị phơi ra trước mắt các tập đoàn buôn lậu ma túy và bọn khủng bố.
Lực lượng tuần tra biên giới Mỹ _ Mexico. |
Nhưng “Không ai phải chết nữa” nêu các biện pháp của chính quyền dẫn đến khả năng sẽ tăng lực lượng biên phòng và tăng cường can thiệp sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào ngày 20-1-2017.
Cơ quan chủ quản của Cục Tuần tra biên phòng là Tổng cục Hải quan - bảo vệ biên giới liên bang (CBP) ra tuyên bố bào chữa: “CBP coi trọng mạng người, và chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các quan chức chính phủ nước ngoài, các đồng nghiệp bảo vệ pháp luật, và với các cộng đồng dân cư để giáo dục người di dân tiềm năng về những nguy hiểm thực sự của việc vượt biên trái phép”.
CPB cũng cho biết, lực lượng tuần tra biên giới ở Tucson (bang Arizona) đã triển khai 39 điểm cứu hộ và hơn 230 nhân viên được đào tạo thành nhóm Kỹ thuật viên y tế khẩn cấp (EMT) cùng 54 nhân viên thuộc Đội Tuần tra biên phòng tìm kiếm - cấp cứu - cứu hộ (BORSTAR). CBP còn quy kết những cái chết cho bọn buôn người: “Chúng nói dối với “khách hàng” rằng hành trình qua Mỹ sẽ an toàn, nhưng thực tế là địa hình trắc trở, điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Nhiều người bị bọn buôn người đẩy đến cái chết vì chúng chỉ muốn kiếm tiền chứ không lo cho mạng sống người khác”.
Bị chó rượt, lạc chết ráng chịu
“Không ai phải chết nữa” đã tiến hành thăm dò với 58 người vượt biên. Họ nói hàng chục ngàn người mất tích kể từ những năm 1990, gồm 1.200 người mất tích trong năm 2015.
Theo cuộc thăm dò, hơn 40% vụ truy lùng của lính biên phòng có kết quả là ai đó bị mất tích. Cục Tuần tra biên phòng Mỹ ước tính ít nhất 6.029 người chết kể từ những năm 1990.
Các ước tính khác cho con số cao hơn nhiều, nhưng không thể có số liệu chính xác, còn rất nhiều xác người không bao giờ được tìm thấy, theo Guardian.
Sau vụ nước Mỹ bị khủng bố ngày 11-9-2001, khí tài bảo vệ biên giới Mỹ cùng nhân lực đã tăng rất mạnh, chuyển vùng dày kẽm gai thành một khu vực đầy máy ghi hình, thiết bị cảm ứng, máy bay không người lái và các đội phản ứng nhanh.
Trong nhóm được hỏi, 47 người nói họ bị săn lùng suốt 5 năm qua, vài người bị truy đuổi nhiều lần. “Chúng tôi chạy như kẻ mù, như bị cột áo che mất đôi mắt”, một người nói. Báo cáo dẫn trường hợp một thanh niên 29 tuổi người El Salvador mất tích ngày 27-8-2015, sau khi trốn chạy khỏi tổ tuần tra ở phía nam bang Texas.
Trong một tin nhắn gởi gia đình, anh cho biết bị gãy chân. Vẫn chưa biết anh ta hiện ở đâu, số phận ra sao. Một bà mẹ cho biết bà cũng nhận được tin nhắn của con trai, cho biết anh bị lạc ở vùng Ajo (Arizona) và hiện không ai biết số phận của anh và nhóm đi cùng ra sao.
Một vụ khác: ngày 6-3-2015, Jose Cesario Aguilar Esparza, 34 tuổi người Mexico, cùng hai cháu trai được một “hướng dẫn viên” dẫn đường lẻn vào Mỹ, đi bộ qua vùng núi sa mạc đông nam Ajo.
Nhưng trực thăng trang bị máy quay (có thể phát hiện thân nhiệt) đã giúp lính biên phòng trên xe tải sử dụng ống nhòm nhìn ban đêm và radar phát hiện nhóm của Esparza. Họ bỏ chạy và bị lính Mỹ đuổi theo. Hai người cháu bị bắt nhưng Esparza mất tích. Sau này, lính biên phòng tìm thấy xác của anh.
Báo cáo cũng nêu lính biên phòng đã giết 48 người kể từ năm 2010, mà một nửa số vụ này xảy ra lúc truy đuổi. Trong 67 vụ truy đuổi, 12 vụ có kết quả người vượt biên bị đánh quá tay lúc bị bắt. Báo cáo nêu nhiều người bị đấm đá, bị xe tuần tra húc, bị đe dọa và bị chó cắn.
Chỉ có mỗi cách bỏ chạy
Người muốn vượt biên ở trại di dân Nogales (bên Mexico) nói vùng viên giới là một hàng rào “kinh khủng”, địa hình trắc trở và vô số máy ghi hình, thiết bị cảm ứng, máy bay không người lái và các tổ tuần tra thật hay giả.
Để vượt biên, họ phải trả hàng ngàn USD “thuế và lệ phí” cho bọn tội phạm hoặc phải làm “lừa” tải ma túy cho chúng. Nếu bị lính biên phòng Mỹ phát hiện, xem như bị mất toi một tài sản, hoặc bị kết án tù vì tội buôn lậu ma túy.
Vì thế, người vượt biên thường tìm cách bỏ chạy. nhưng họ đối diện với nguy cơ bị lạc trong sa mạc, cũng như dễ bị bắt và trả về Mexico, hết tiền, tuyệt vọng và phải nếm cái lạnh cắt da thịt ở trại di dân Nogales.
Một số người bị trục xuất phải ngủ trong một nghĩa địa, rúc người dưới tấm chăn mỏng, đốt cành cây hoặc thùng giấy để sống sót dưới thời tiết lạnh rét tê dại người.
Betancourt, một thanh niên Honduras cho biết anh bị trục xuất hồi tháng 3, sau 10 năm sống ở Mỹ. Anh đã trải qua hai tháng và tiêu hàng trăm USD để đi 2.500 dặm từ Honduras đến trại di dân Nogales.
Nay anh chỉ cách Mỹ 2 phút đi bộ, nhưng nhiều nấm mộ cũng mọc lên ở hàng rào biên giới. Betancourt không cho biết tên thật,cách vượt biên,nhưng anh có kế hoạch nếu bị lính biên phòng phát hiện: “Chạy vắt giò lên cổ thôi”.