Tại sao Thụy Sỹ muốn hạn chế dân nhập cư từ EU?

Thứ Năm, 13/02/2014, 11:55
Bằng động thái được xem như một đòn chính trị giáng thẳng vào Brussels, ngày 9/2, Thụy Sĩ đã bất ngờ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về kế hoạch hạn chế dòng người nhập cư từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và đã thu được kết quả tích cực: khoảng 50,3% cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ.

Mỗi năm có khoảng 80.000 công dân EU nhập cư vào đất nước không thuộc EU, khiến mức lương của người lao động nước này sụt giảm. Cùng với đó, dân số gia tăng làm giá cả cũng tăng theo, hệ thống y tế và giáo dục quá tải. Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ nhận định, cuộc trưng cầu dân ý lần này “phản ánh mối quan tâm ngày càng gia tăng của người dân Thụy Sĩ trước tình trạng người nhập cư đang làm xói mòn nét văn hóa của người Thụy Sĩ”, đồng thời nhấn mạnh, Thụy Sĩ sẽ không đàm phán lại những thỏa thuận với EU và “không được chậm trễ, phải ngay lập tức bắt đầu thực hiện việc này theo như ý muốn của người dân”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter tuyên bố sẽ công du tới thủ đô các nước EU, bắt đầu từ Berlin, để giải thích về cuộc trưng cầu dân ý và tìm một giải pháp.

Về phần mình, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 10/2 buông lời “đe dọa” sẽ xem xét lại quan hệ giữa EU và Thụy Sĩ một cách toàn diện và có thể nước này sẽ không tiếp cận được tất cả các lợi ích về kinh tế, thương mại như hiện nay. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cũng cảnh báo kết quả trưng cầu dân ý “sẽ gây ra nhiều rắc rối cho Thụy Sĩ trong nhiều lĩnh vực”.

Vậy, quyết định của Thụy Sĩ ảnh hưởng như thế nào tới mối quan hệ của hai bên?

Ngày 9/2, 50,3% cử tri Thụy Sĩ bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch hạn chế dòng người nhập cư từ các nước EU.

Sợ mất bản sắc

Tuy Thụy Sĩ không phải là một thành viên của EU nhưng một hiệp ước đi lại tự do của công dân đã được hai bên ký kết trong năm 1999 và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2002. Ngoài ra EU là đối tác thương mại lớn nhất của Thụy Sĩ đến thời điểm này. Theo nhận định của Gavin Hewitt, biên tập viên của BBC về các vấn đề châu Âu, “các cử tri Thụy Sĩ đang “thách thức” Brussels và chính phủ của họ. Quyền tự do đi lại của người lao động tại thị trường duy nhất của EU bị hạn chế, đồng nghĩa với việc lượng lao động sẽ giảm, và trực tiếp làm nền kinh tế suy yếu. Ngoài ra, việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ với EU”.

Người dân Thụy Sĩ cho thấy họ không sợ hãi trước những dự đoán về một tương lai mịt mù của 49,7% không ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý hôm 9-2, trong số này bao gồm chính phủ Thụy Sĩ, phần lớn các đảng phái chính trị, những người sử dụng lao động và cả các tổ chức công đoàn – những người cho rằng, việc tự do đi lại là chìa khóa cho sự thành công của nền kinh tế Thụy Sĩ vì nó cho phép các chủ doanh nghiệp lựa chọn nguồn lao động thích hợp trên toàn châu Âu.

Đối với phần lớn người dân Thụy Sĩ, nguồn lao động EU chính là những “vật cản” đối với nguồn lao động trong nước. Sự xuất hiện ồ ạt của người nước ngoài đã đẩy giá cả tăng lên trong khi tiền lương thì giảm, hệ thống y tế và giáo dục liên tục quá tải. Người dân Thụy Sĩ lo ngại những việc này ngày một sẽ xói mòn nét văn hóa đặc trưng của họ. Tuy nhiên, nền kinh tế của đất nước Trung Âu lại đang có dấu hiệu “nở hoa” khi tỉ lệ thất nghiệp chỉ ở 4% và theo nhận định của các doanh nghiệp, hiệu lực trong thỏa thuận với EU đã có một phần có tác động tích cực trên thị trường lao động nước này.

Lời nhắn dành cho Brussels

Trong một tuyên bố, EC bày tỏ “tiếc nuối” về việc Thụy Sĩ thông qua hạn ngạch nhập cư. “Điều này đi ngược lại với nguyên tắc tự do đi lại của người dân giữa EU và Thụy Sĩ”, “EU sẽ xem xét tác động của việc này lên tất cả các mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Thụy Sĩ”. Một số nhà quan sát cũng đưa ra nhận định, động thái của Thụy Sĩ sẽ ảnh hưởng tới vị thế thành viên của nước này trong khối Schengen của châu Âu và ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán về việc EU tạo điều kiện cho các công ty tài chính Thụy Sĩ dễ dàng tiếp cận thị trường EU hơn. Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro có thể gây tổn hại tới mối quan hệ với Brussels, người Thụy Sĩ đã chọn quyền kiểm soát việc nhập cư. Những người đồng ý thông qua hạn ngạch nhập cư sẽ không chỉ áp đặt một hệ thống giới hạn lượng lao động tới từ châu Âu, mà còn đặt ra nhiều hạn chế đối với quyền đoàn tụ gia đình của người nước ngoài cũng như việc tiếp cận các dịch vụ xã hội của những người này.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn tại Thụy Sĩ, khi tuyển người cũng phải dành quyền ưu tiên cho những lao động trong nước. Sẽ có một điều khoản mới trong Hiến pháp quy định rõ việc này. Chính phủ Thụy Sĩ thừa nhận, “Hiến pháp mới đi ngược lại nguyên tắc tự do đi lại của người dân” nhưng mối quan hệ với EU sẽ phải thích ứng. Rõ ràng, chẳng còn sự lựa chọn dễ dàng nào dành cho Brussels

Hà Khổng
.
.
.