Lỗ hổng "chết người" trong quản lý thuốc chữa ung thư

Thứ Sáu, 27/10/2017, 21:36
"39 trong 68 loại thuốc ung thư không rõ có hiệu quả hay không đã được kê cho bệnh nhân ở châu Âu trong giai đoạn 2009-2013. Vấn đề này có thể đe dọa sức khỏe bệnh nhân và gây lãng phí", thông tin này đang khiến dư luận, giới chuyên môn và người bệnh hoang mang.

Bởi kết quả nghiên cứu kể trên được đăng trên tạp chí y khoa The BMJ, và đây là một vấn đề đáng quan ngại. Bởi việc này khiến bệnh nhân ung thư đối diện với nguy cơ "tiền mất tật mang" và dấy lên quan ngại về tiêu chuẩn quản lý thuốc tạ#i "lục địa già".

Đại diện của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết, họ đã thảo luận rộng rãi về các kết quả chứng minh tác dụng của thuốc ung thư và sẵn sàng tranh luận sâu hơn về vấn đề này. Được biết, EMA đánh giá tác dụng thuốc điều trị ung thư một cách công khai và có nhiều loại thuốc ung thư được phê duyệt dựa trên kết quả kiểm nghiệm ban đầu, nhưng không thể khẳng định những dược phẩm này có thật sự giúp ích cho bệnh nhân.

Thuốc xịt giảm đau Subsys.

Trước đó, hãng dược Insys Therapeutics đã phải thuê luật sư để chuẩn bị hầu tòa sau khi bị truy tố tội lừa đảo bệnh nhân để tăng doanh số bán loại thuốc giảm đau Subsys. Theo cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, sau khi nhận được giấy phép bán ra thị trường loại thuốc giảm đau cực mạnh nhóm opioid có chứa chất ma túy tổng hợp với tên gọi Subsys (dạng fentanyl có thể xịt được) dành cho các bệnh nhân ung thư vào năm 2012, hãng Insys Therapeutics đã tìm mọi cách để có nhiều bệnh nhân sử dụng loại thuốc này.

Theo báo cáo của nữ Thượng nghị sĩ McCaskill, từ năm 2014, khi có người cần sử dụng họ phải được bác sĩ điều trị cho phép trước để điều trị bằng thuốc giảm đau Sybsys. Hơn 2 tháng trước (18-8), hãng dược Insys Therapeutics đã nhất trí chi 4,5 triệu USD để chấm dứt vụ kiện tại bang Illinois về cáo buộc kể trên.

Đây là một trong những vụ dàn xếp pháp lý đầu tiên trong các vụ kiện khi hãng dược phải đối mặt với cáo buộc lạm dụng thuốc. Bởi hiện có tới hàng chục thành phố ở Mỹ đang kiện các hãng dược phẩm lớn của nước này vì đã gây ra vấn nạn nghiện ma túy tồi tệ nhất trong lịch sử "xứ sở cờ hoa".

Hai năm trước (2015-2017), một nghiên cứu cũng từng được công bố sau khi phát hiện đa số thuốc điều trị ung thư do Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn trong giai đoạn 2008-2012 không có bằng chứng khoa học rõ ràng. Được biết, có nhiều loại thuốc đã được FDA cấp phép và bán cho chương trình y tế Medicare với giá ấn định.

Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Oregon, Giáo sư Vinay Prasad cho biết, mỗi bệnh nhân ở Mỹ phải chi 100.000 USD/năm để mua thuốc điều trị ung thư. FDA cũng vừa yêu cầu hãng dược Endo loại bỏ thuốc giảm đau cực mạnh Opana ER ra khỏi thị trường bởi những rủi ro liên quan tới loại thuốc này lớn hơn lợi ích mà nó đem lại cho người sử dụng.

Đây là lần đầu tiên FDA yêu cầu một hãng dược loại bỏ một loại thuốc giảm đau do lo ngại gây hại cho sức khỏe người dùng. Theo thống kê của FDA, đã xảy ra tình trạng lạm dụng tiêm chích loại thuốc giảm đau này và đó cũng là nguyên nhân gây nên vụ truyền nhiễm HIV nghiêm trọng xảy ra năm 2015 tại Indiana, khiến 140 người bị lây nhiễm HIV.

Theo thống kê của tờ New York Times, riêng năm 2016, Mỹ đã có khoảng 60.000 trường hợp tử vong vì sử dụng quá liều thuốc giảm đau có khả năng gây nghiện trong điều trị y tế, tăng 19% so với năm 2015.

Theo giới truyền thông, hãng dược Avanir Pharmaceuticals (có trụ sở tại bang California, Mỹ) đang bị điều tra vì bị nghi đã chi hàng chục triệu USD để bác sĩ kê đơn loại thuốc Nuedexta do họ sản xuất cho bệnh nhân cao tuổi. Theo đó, Nuedexta được chấp thuận để điều trị cho bệnh nhân mắc chứng khóc cười không kiểm soát (còn gọi là chứng PBA).

Nhưng đã có hơn 1.000 báo cáo về tác dụng phụ của Nuedexta được gửi tới FDA. Theo giới truyền thông, ông Jason Kellogg, bác sĩ thần kinh tại các viện dưỡng lão ở bang California, là người đã kê đơn sử dụng thuốc Nuedexta nhiều nhất (theo số liệu chính thức của Medicare), và đã nhận 612.000 USD từ Avanir Pharmaceuticals và công ty mẹ của hãng này cho các khoản ăn uống, du lịch và tiền mặt trong 3 năm liền (2013-2016). Và trong 3 năm kể trên, Avanir Pharmaceuticals và công ty mẹ là Tập đoàn Otsuka, đã chi 14 triệu USD cho các bài viết, tư vấn có liên quan tới Nuedexta.

Ủy ban cạnh tranh Nam Phi đã mở cuộc điều tra đối với 3 hãng dược Roche, Pfizer và Aspen vì nghi họ bán thuốc chữa ung thư với giá quá cao, vi phạm luật cạnh tranh của nước này. Hãng dược Roche còn bị nghi có hành vi ngăn cản các hãng dược khác có giá thuốc rẻ hơn tiếp cận thị trường Nam Phi. Trong khi hãng dược Roche khẳng định sẽ hợp tác với nhà chức trách, hãng dược Aspen đã bác cáo buộc kể trên.
Mạnh Phong
.
.
.