Lộ diện "chân rết" của mạng lưới Al-Qaeda và IS ở Đông Nam Á

Thứ Tư, 16/12/2020, 15:39
Vụ bắt giữ thủ lĩnh mạng lưới Jemaah Islamiah (JI) Aris Sumarsono ở Indonesia đã hé lộ những thông tin mới về kế hoạch tái sinh của JI, cũng như việc tuyển dụng hàng ngàn tân binh phục vụ cho mục đích tấn công khủng bố.


Nhà sinh vật học cực đoan

Ngày 13-12, Phát ngôn viên Cảnh sát quốc gia Indonesia Ahmad Ramadhan cho hay, Aris Sumarsono hay còn gọi là Zulkarnaen hoặc Daud đã bị lực lượng chống khủng bố bắt giữ vào tối 10-12 trong một cuộc đột kích tại ngôi nhà ở quận East Lampung trên đảo Sumatra. Giới chức Mỹ và Indonesia từng tuyên bố rằng Zulkarnaen đã trở thành thủ lĩnh điều hành của JI sau vụ bắt giữ người tiền nhiệm Riduan Isamuddin, còn được gọi là Hambali, ở Thái Lan.

Những người quen biết mô tả Zulkarnaen là một người đàn ông nhỏ bé, ít lời và là người đứng đầu đội tinh nhuệ của JI, chế tạo bom và tham gia vụ đánh bom liều chết tại khách sạn Marriott ở Jakarta khiến 12 người thiệt mạng vào năm 2003 và vụ đánh bom giết chết 202 người ở Bali vào năm 2002. 

Từ năm 2003, Zulkarnaen đã bị cảnh sát Indonesia truy đuổi gắt gao và hắn "biến mất" từ năm 2008 khi hai kẻ đồng loã trong vụ đánh bom ở Bali bị hành quyết. Cũng theo lời của Ahmad Ramadhan thì Zulkarnaen là một nhà sinh vật học, nằm trong số những chiến binh Indonesia đầu tiên đến Afghanistan để tham gia các khóa huấn luyện và là bạn thân của Upik Lawanga, một kẻ chuyên chế tạo bom và là thành viên chủ chốt của JI. 

Upik Lawanga cũng bị cảnh sát chống khủng bố Indonesia bắt giữ ở Lampung hồi tuần trước và bị cáo buộc tham gia vụ tấn công giết chết hơn 20 người tại một khu chợ ở Poso. Hiện cả hai đang bị giam giữ và thẩm vấn. Cảnh sát cũng đang lục soát, điều tra những nơi mà hai tên này từng đi qua hoặc ở lại.

Lực lượng cảnh sát chống khủng bố của Indonesia bắt giữ Aris Sumarsono, hay còn gọi là Zulkarnaen trong một cuộc đột kích tại ngôi nhà ở quận East Lampung trên đảo Sumatra. Ảnh: Getty

Nguồn tin từ hãng Reuters cho hay, việc bắt giữ thủ lĩnh cấp cao của JI được thực hiện sau khi lực lượng cảnh sát chống khủng bố thẩm vấn một số chiến binh của nhóm này bị bắt hồi cuối tháng 11. 

Zulkarnaen bị xác định là có quan hệ mật thiết với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, trùm khủng bố Osama Bin Laden và Taliban vì "tham gia tài trợ, lập kế hoạch, tạo điều kiện, chuẩn bị hoặc gây ra hành động khủng bố hoặc hoạt động cùng những kẻ này dưới danh nghĩa là thủ lĩnh của JI. Thậm chí, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc còn khẳng định, Zulkarnaen là một trong những đại diện của Al-Qaeda ở Đông Nam Á và là một trong số ít người ở Indonesia có liên hệ trực tiếp với trùm khủng bố Osama Bin Laden. 

Báo cáo được đưa lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có đoạn viết: "Zulkarnaen có bằng sinh học tại một trường đại học Indonesia và trở thành chuyên gia phá hoại vào những năm 1980, khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu trại Saddah, một học viện quân sự được thành lập cho các chiến binh từ Đông Nam Á.

 Zulkarnaen đã dành một thập kỷ tại trại để huấn luyện các thành viên JI khác và sau đó dẫn đầu một đội chiến binh tinh nhuệ của JI được gọi là Laskar Khos (hay Lực lượng đặc biệt) với các thành viên được tuyển chọn từ khoảng 300 người Indonesia được đào tạo ở Afghanistan và Philippines. Với tư cách là chỉ huy quân sự, Zulkarnaen chịu trách nhiệm về các hoạt động tình báo và huấn luyện quân sự của JI cũng như được phép phát động các cuộc tấn công khủng bố".

88 người Australia đã thiệt mạng trong vụ đánh bom CLB đêm Sari ở Bali năm 2002. Ảnh: ABCNet

Sự trỗi dậy của JI

Theo nhận định của Robi Sugara, giảng viên kiêm nhà phân tích chống khủng bố tại Đại học Hồi giáo Syarif Hidayatullah ở Jakarta, JI gần như bị tiêu diệt hoàn toàn vào năm 2007 khi một cuộc đụng độ vũ trang với cảnh sát ở Poso, Trung Sulawesi, dẫn đến việc bắt giữ hơn 40 thành viên, bao gồm cả các lãnh đạo cao nhất. 

Báo cáo từ Viện Phân tích chính sách về xung đột (IPAC) năm 2017 cũng khẳng định, trong khoảng 10 năm (2007-2017), với sự hỗ trợ của Mỹ và Australia, Indonesia đã kiềm chế, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động của JI và tổ chức này tự đổi tên gọi là "Neo-JI".

Tuy nhiên, một mối đe dọa mới đã xuất hiện trong vài năm qua, từ những người ủng hộ nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), bao gồm cả những người Indonesia đã đến Trung Đông tham gia chiến đấu cùng tổ chức này. Từ năm 2002, nội bộ JI dã chia thành 2 phe: một phe tin vào thánh chiến bạo lực và ủng hộ mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và sau này là IS; phe còn lại tin vào cái gọi là "quảng cáo thánh chiến". 

Hầu hết các thành viên của phe "quảng cáo thánh chiến" của JI đã bị bắt gần đây vì cung cấp tiền cho khủng bố bởi "sự tuyên truyền thánh chiến này không còn tự xưng là JI nữa, mà thay vào đó là thành lập các trường học và tổ chức từ thiện để gây quỹ cho nhóm".

Aris Sumarsono đã trở thành thủ lĩnh điều hành của JI từ năm 2003 và cách đây 8 tháng là thủ lĩnh tối cao của JI. Ảnh: Getty.

"Sự ra đời của IS vào năm 2014 chứng kiến sự trỗi dậy của Jemaah Ansharut Daulah (JAD) có liên hệ với IS, thay thế JI trở thành thủ phạm chính của tất cả các vụ tấn công khủng bố lớn ở Indonesia kể từ năm 2016. 

Trong cùng năm đó, ít nhất 8 người, trong đó có 4 kẻ khủng bố, đã bị tiêu diệt khi bom được kích nổ và nổ súng nổ ra bên ngoài cửa hàng bách hóa Sarinah ở trung tâm thủ đô Jakarta. Và việc bắt giữ Zulkarnaen cho thấy JI đang tái sinh và ước tính đã tuyển dụng hàng ngàn chiến binh", ông Robi Sugara tiết lộ.

Trong khi đó, người đứng đầu Ủy ban Cảnh sát quốc gia Benny Mamoto và cũng là chỉ huy của chiến dịch điều tra cho hay, mô hình tuyển dụng của JI là thông qua các trường nội trú Hồi giáo mà tổ chức này sở hữu hoặc hợp tác với các nhóm chiến binh khác; gây quỹ, hỗ trợ hậu cần. Ước tính, đến nay, JI đã tuyển dụng được hơn 6.000 tân binh vào hàng ngũ của mình. 

Một nguồn tin an ninh khác thì cho biết, Zulkarnaen mới trở thành thủ lĩnh tối cao của JI được 8 tháng thì bị bắt. Đây là thủ lĩnh JI thứ 2 bị cảnh sát Indonesia tóm gọn trong vòng 2 năm qua. Điều này cũng có nghĩa sẽ "cần thời gian để tìm ra một nhân vật" để nắm quyền chỉ huy tổ chức. "Trong thời gian chờ đợi, JI sẽ tiếp tục hoạt động. Tổ chức này rất mạnh nhưng vẫn sẽ cần tiến hành hợp nhất vì nhiều thủ lĩnh đã bị bắt giữ", nguồn tin này cho biết.

Trong năm 2020, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ hơn 30 thành viên JI, bao gồm cả Zulkarnaen Upik Lawanga - kẻ cũng nằm trong danh sách bị truy nã gắt gao nhất trong 14 năm. Muhamad Taufiqurrohman nhìn nhận, giờ đây, các thành viên JI đã quyết định "không trả thù cho việc bắt giữ các thủ lĩnh của chúng vì chúng tin rằng việc trả đũa cảnh sát sẽ chỉ gây thiệt hại cho tổ chức nhiều hơn. 

"Trong 10 năm qua, JI đã chuyển mình từ một nhóm chiến binh chuyên sống nhờ vào các vụ cướp và quyên góp cho các hoạt động khủng bố thành một doanh nghiệp kinh doanh có lợi trong các đồn điền dầu cọ và ngành khai thác mỏ. Lực lượng cảnh sát chống khủng bố vẫn tiếp tục theo dõi và thực hiện các chiến dịch chống lại JI, tịch thu thêm nhiều đồn điền và mỏ dầu cọ của tổ chức này ở Kalimantan", ông Benny Mamoto nói và cho biết thêm, các đồn điền trồng dầu cọ của JI được ước tính có thể lên tới vài triệu USD. 

JI cũng tham gia vào các dịch vụ chuyển phát nhanh, các trường nội trú tôn giáo trên đảo Java, các công ty bán thuốc thảo dược và các trung tâm thể thao. Các thành viên của JI cũng được yêu cầu đóng góp từ 5 đến 10% thu nhập của họ hàng tháng cho tổ chức.

JI được cho là ngày càng mở rộng hoạt động liên kết với Al-Qaeda và IS.

JI còn thành lập các đơn vị quân sự được gọi là Asykari, trên khắp đảo Java và cả ở Lampung, Sumatra. "Các đơn vị quân sự là một phần trong quá trình chuẩn bị của JI để tiến hành thánh chiến ở các khu vực xung đột ở nước ngoài và ngay tại Indonesia", ông Muhamad Taufiqurrohman cảnh báo. 

Bộ phận tình báo của JI tiến hành đào tạo bán quân sự tại các trung tâm đào tạo được gọi là Sasana và mọi thành viên JI vượt qua khóa huấn luyện của Sasana sẽ được gửi đến Syria để nhận được sự huấn luyện thêm từ các nhóm liên kết với Al-Qaeda như Jabhat Al-Nusra. Ít nhất 62 thành viên JI đã đi Syria với 50 người quay trở lại Indonesia, 6 kẻ ở Syria và 6 kẻ khác đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ.

Với Indonesia nói riêng cũng như cả khu vực Đông Nam Á nói chung, JI vẫn là một mối đe dọa trong trung, dài hạn và tổ chức này nguy hiểm hơn nhiều so với JAD.

Chi Anh
.
.
.