Liên Xô đã cứu Moskva khỏi dịch bệnh đậu mùa bằng nỗ lực kỷ lục
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra tuyên bố kêu gọi công dân Nga thực hiện cuộc chiến chống dịch COVID-19 một cách nghiêm túc.
Tổng thống cũng đề cập rằng chính quyền Nga đang nghiên cứu kinh nghiệm chống dịch bệnh trong quá khứ. Thật vậy, cả Nga và Liên Xô đều có kinh nghiệm về việc loại trừ dịch bệnh cực kỳ hiệu quả - vào năm 1950-1969, một chiến dịch chưa từng có đã được tổ chức tại Liên Xô để chống lại sự bùng phát của "bệnh đậu mùa" ở Moskva, kết quả đã ngăn chặn dịch bệnh ở trong nước và tránh lây lan ra khỏi lãnh thổ Liên Xô.
Quà lưu niệm từ Ấn Độ
Ngày 23/12/1959, thủ đô Moskva đứng trên bờ vực thẳm của bệnh dịch đậu mùa. Một loại virus nguy hiểm đã được đưa đến thủ đô bởi một người - nghệ sĩ Alexei Kokorekin.
Anh đến thăm Ấn Độ, tham dự đám tang của một Bà la môn địa phương đã chết vì bệnh đậu mùa, và ngoài những món quà lưu niệm thông thường cho người thân và bạn bè, anh còn mang theo những vật dụng cá nhân của vị Bà la môn anh đã mua trong đám tang.
Bệnh đậu mùa tự nhiên hay còn gọi là đậu mùa đen là một bệnh nhiễm trùng do virus có khả năng lây nhiễm cao, đặc trưng bởi tiến triển nặng, sốt, nổi mẩn trên da và niêm mạc, thường để lại sẹo và dẫn đến tử vong.
Nhân viên phòng thí nghiệm Trung tâm bệnh đậu mùa Moskva nghiên cứu virus. |
Nghệ sĩ đã bay từ Ấn Độ sớm hơn một ngày so với kế hoạch, vì vậy sau khi qua kiểm soát biên giới và hải quan, Kokorekin trở về nhà với tình nhân của mình.
Người nghệ sĩ ho một chút. Sau khi tặng tình nhân nhiều món quà, ngày hôm sau, Kokorekin trở về với gia đình. Sau cuộc hội ngộ vui vẻ và tặng quà lưu niệm, Kokorekin cảm thấy mệt mỏi và đi ngủ. Đến tối, cơn ho tăng lên, nhiệt độ tăng - người vợ gọi xe cứu thương.
Vào ngày 27/12/1959, Kokorekin đã phải nhập Bệnh viện Botkin nổi tiếng với chẩn đoán "cúm nặng". Chỉ 2 ngày sau, ngày 29/12/1959, Kokorekin qua đời. Khám nghiệm tử thi cho thấy chẩn đoán bệnh variola vera, bệnh đậu mùa.
Mức độ nghiêm trọng của các sự kiện đã trở nên rõ ràng vào ngày thứ hai khi một số nhân viên bệnh viện được chẩn đoán nhiễm virus. Tin tức đã được báo cáo cho lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước. Rõ ràng Moskva và toàn thể Liên Xô chỉ cách dịch bệnh ông thể điều trị trong vòng “gang tấc”: Lần cuối cùng họ tiêm phòng bệnh đậu mùa đại trà vào năm 1936.
Cuộc đua với thời gian để ngăn chặn dịch
KGB của Liên Xô, Bộ Nội vụ và Bộ Y tế đã cố gắng làm những điều tưởng như không thể: Họ đã xác định và cách ly tất cả những người ít nhất bằng cách nào đó đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh.
Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi cả vợ và nhân tình của Kokorekin đều mang quà từ Ấn Độ đặt bán ở cửa hàng ký gửi- thực tế không thể theo dõi hành trình của những vật thể lây nhiễm.
Kết quả: tổng cộng, trong vụ dịch bùng phát ở Moskva, 19 người đã bị lây nhiễm từ bệnh nhân Kokorekin. 23 người khác bị nhiễm xác định là F1, và ba người nữa F2. Ba trong tổng số người nhiễm bệnh đã tử vong.
Nhân viên Viện virus học Moskva mang tên Ivanovsky nuôi cấy virus đậu mùa trên da bê để chế tạo vắc-xin. |
Các biện pháp phòng ngừa bất thường đã được triển khai và thực hiện tại Moskva. Khẩn trương bắt đầu sản xuất loại vaccine chống bệnh đậu mùa. Trong vòng ba ngày, 10 triệu liều vaccine bệnh đậu mùa đã được chuyển đến Moskva bằng đường hàng không.
Trong năm 1960, 7 triệu cư dân Moskva đã được tiêm phòng. Mỗi tuần, 1,5 triệu người đã được tiêm chủng, và đã lập ra 10 nghìn đội y tế để tiêm phòng cho dân chúng, nhân viên y tế bao gồm các bác sĩ và cả sinh viên của các trường y.
Một tháng sau, đợt dịch đậu mùa do một người duy nhất đưa vào Liên Xô đã được dập tắt. Kết quả: Có thể ngăn chặn dịch bệnh trong nước và chặn lây lan ra ngoài Liên Xô, cũng như tiến hành tiêm phòng cho cư dân thủ đô và ngoại ô Moskva trong một thời gian ngắn nhất. Sự kiện này đã trở thành phong trào chưa từng có trên thế giới về tiêm chủng cho dân, cả về quy mô và về mặt thời gian.
Câu chuyện về sự bùng phát bệnh đậu mùa ở Moskva đã hình thành nên cơ sở của chuyện ngắn “Tai họa ập đến thành phố” của Alexandr Milchakov, dựa theo đó, bộ phim cùng tên được quay vào năm 1966.