Lầu năm góc muốn tăng sức mạnh vũ khí hạt nhân?

Thứ Sáu, 26/01/2018, 10:14
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có ý định phát triển hỏa lực hạt nhân mới với lý do giúp các đồng minh châu Âu ngăn chặn các mối đe dọa tiềm năng, báo Chicago Tribune đưa tin.


Dự thảo được nêu ra trong một tài liệu về chính sách, được biết đến như một "đánh giá vị thế hạt nhân", đưa Mỹ vào một lập trường hạt nhân hung hăng hơn. Đây là cuộc đánh giá đầu tiên loại này từ năm 2010 và nằm trong số nhiều nghiên cứu về chiến lược an ninh được thực hiện kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống.

Bằng nhiều cách, nó khẳng định lại chính sách hạt nhân của cựu Tổng thống Barack Obama, bao gồm cam kết của ông trong việc thay thế tất cả các thành phần chính của kho vũ khí hạt nhân bằng vũ khí mới và hiện đại hơn trong 2 thập kỷ tới.

Dự thảo nói rằng Mỹ sẽ tuân thủ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hiện tại, trong khi vẫn bày tỏ sự nghi ngờ về triển vọng của bất kỳ hiệp định mới nào. Học thuyết hạt nhân Trump dự kiến sẽ được xuất bản vào đầu tháng 2, tiếp theo là một chính sách liên quan đến vai trò và sự phát triển hệ thống phòng thủ của Mỹ đối với tên lửa đạn đạo.

Giống như Obama, Tổng thống Trump chỉ cân nhắc việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong "tình huống cực đoan", trong khi vẫn duy trì một mức độ mơ hồ về ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, ông Trump nhìn thấy một vai trò đầy thách thức hơn đối với các vũ khí này, như được phản ánh trong kế hoạch phát triển các khả năng mới để chống lại Nga ở châu Âu.

Huffington Post đã công bố trực tuyến một bản dự thảo báo cáo chính sách hạt nhân hôm 11-1 vừa qua, và The Associated Press đã nhận được một bản sao hôm 12-1. Khi được hỏi ý kiến, Lầu Năm Góc gọi đó là một tài liệu "chưa có quyết định," chưa được hoàn thành cũng như chưa được Tổng thống Trump xem xét và chấp thuận.

Nga cùng với Trung Quốc được vạch ra trong dự thảo như là những thách thức khiến Mỹ phải gia tăng sức mạnh vũ khí hạt nhân. Quan điểm của chính quyền là các chính sách và hành động của Nga có nhiều tiềm năng sai lầm dẫn đến một cuộc leo thang xung đột không kiểm soát ở châu Âu. Nó đặc biệt chỉ ra một học thuyết Nga được gọi là "leo thang để chống leo thang", trong đó Moscow sẽ sử dụng hoặc đe dọa sử dụng các vũ khí hạt nhân có năng suất nhỏ trong một cuộc xung đột quy ước hạn chế ở châu Âu với niềm tin rằng làm như vậy sẽ buộc Mỹ và NATO xuống nước.

Lầu Năm Góc đề xuất một giải pháp 2 bước. Thứ nhất, sẽ sửa đổi một số lượng nhỏ các tên lửa đạn đạo tầm xa hiện có của tàu ngầm chiến lược Trident để phù hợp với đầu đạn hạt nhân nhỏ. Thứ hai, về lâu dài, sẽ phát triển một tên lửa hành trình hạt nhân phóng từ biển - thiết lập lại một vũ khí tồn tại trong Chiến tranh Lạnh nhưng đã được chính quyền Obama cho “nghỉ hưu” vào năm 2011. Những bước này nhằm mục đích làm dịu đi "sự xâm lược của khu vực", điều đó có nghĩa là Nga sẽ tạm dừng sử dụng vũ khí hạt nhân hạn chế.

Sự quan tâm đến điều kiện và vai trò của vũ khí hạt nhân của Mỹ đã tăng lên khi Triều Tiên phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình với tuyên bố công khai là nhằm vào Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump xem những mối đe dọa của Triều Tiên, cùng với những gì mà họ xem là  sự khiêu khích của Nga, như là bằng chứng cho thấy các điều kiện an ninh không còn ủng hộ ý tưởng rằng Mỹ có thể dựa ít hơn vào vũ khí hạt nhân hoặc hạn chế hơn nữa vai trò của vũ khí hạt nhân trong quốc phòng.

Báo cáo hạt nhân cũng đề cập đến một loại vũ khí mới của Nga: ngư lôi đạn hạt nhân có thể đi dưới đáy biển đến các mục tiêu xa xôi. Hans Kristensen, một chuyên gia về vũ khí hạt nhân tại Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, đặt câu hỏi liệu chính quyền có vượt qua được mối đe doạ của Nga và đáp ứng đúng với giải pháp đó. Tuy nhiên, ông Hans nói rằng Moscow đã gây ra những lo ngại ở phương Tây do sự thôn tính Ukraine.

Anh Kiệt
.
.
.