Lãnh đạo các nước Italia, Đức, Pháp họp bàn việc có nên học cách quản trị từ mafia?

Thứ Tư, 21/12/2016, 22:21
Mới đây, người đứng đầu 3 nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro gồm Đức, Pháp và Italia đã họp bàn để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kinh doanh hợp pháp và sử dụng những phương thức quản lý sáng tạo như của tập đoàn mafia Camorra.


Kinh tế Italia tăng trưởng chậm trong hơn một thập kỷ qua, đặc biệt là tình hình cạnh tranh vô cùng khốc liệt giữa các doanh nghiệp hợp pháp tại phía Nam. Theo Ngân hàng Thế giới, nước này chỉ đứng thứ 45 trong bảng xếp hạng những quốc gia có điều kiện kinh doanh thuận lợi nhất. 

Mới đây, người đứng đầu 3 nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro gồm Đức, Pháp và Italia đã họp bàn để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kinh doanh hợp pháp và sử dụng những phương thức quản lý sáng tạo như của tập đoàn mafia Camorra.

Băng đảng khét tiếng Camorra.

Băng đảng khét tiếng Camorra có tổ chức như một công ty, với nhiều cấp khác nhau. Cấp đầu tiên là những ông trùm quyết định chiến lược và phân bổ nguồn lực; cấp thứ hai là quản lý chịu trách nhiệm thu mua và xử lý ma túy; cấp thứ ba điều hành việc phân phối và cuối cùng là những người trực tiếp giao hàng cho khách. 

Chúng sử dụng tất cả những phương pháp quản lý chuỗi cung ứng thông thường và có nguồn hàng từ khắp nơi trên thế giới (cocaine từ Mỹ La-tinh, heroin từ Afghanistan và hasit từ Bắc Phi). Ngoài ra còn phải đảm bảo luôn có hàng thay thế trong trường hợp bị gián đoạn.

Liên minh này hoạt động vô cùng khôn khéo và nhanh nhạy. Liên kết lỏng lẻo với khoảng 115 băng đảng, mỗi nhóm 500 thành viên cùng vô số đồng bọn khác, nhưng chúng lại có thể ngay lập tức tập hợp lực lượng hoặc đổi lĩnh vực buôn bán bất cứ lúc nào. 

Chúng giỏi nhất là nghĩ ra những ý tưởng mới. Hội đồng đứng đầu hoàn toàn có thể bị thay thế nếu cứ bảo thủ và không làm chủ được tình hình. 

Được tự do hoành hành, từ năm 1979 đến năm 2006, Camorra đã gây ra cái chết cho 3.600 người và thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế. Naples, một trong những thành phố tuyệt vời nhất của Italia, sẽ thu hút gấp nhiều lần lượng du khách nếu không còn bạo lực.

Paolo Di Lauro - ông trùm của một băng đảng - từng được xem là một trong những doanh nhân xuất chúng nhất Italia.

Bắt đầu phát sóng từ 2 năm trước, Gomorrah là một trong những chương trình truyền hình nổi tiếng nhất Italia, với nội dung kể về liên minh xã hội đen có tên Camorra hiện thống trị cả một đế chế tội phạm tại Naples. 

Toàn chương trình mang màu sắc u ám, khắc họa hình ảnh những tên mafia không khác gì quỷ dữ. Roberto, tác giả cuốn sách được lấy làm nội dung chương trình, luôn phải sống chui lủi kể từ khi Camorra ra án tử với ông vào năm 2006. Quá trình quay hình cũng thường xuyên bị phá hoại bởi các hành động bạo lực. 

Điều đáng nói về Camorra là chúng rất giỏi kinh doanh, tập trung vào buôn thuốc phiện, đặc biệt là cocaine. Liên minh này kiểm soát nhiều đường dây trên khắp châu Âu, bao gồm cả chợ ma túy công khai tại Secondigliano, đông bắc Naples.

Paolo Di Lauro, ông trùm của một trong những băng đảng mạnh nhất, từng được xem là một trong những doanh nhân xuất chúng nhất Italia (từ năm 2005 đến nay hắn bị biệt giam tại một nhà tù kiên cố nhất). 

Ngoài việc điều phối buôn thuốc phiện với Colombia, hắn còn thiết kế hệ thống nhượng quyền thương mại vô cùng thành công cho tổ chức của mình, như một cách thu hút thêm nhiều người dân tham gia vận chuyển thuốc phiện.

Camorra có những chiêu thức quản lý vô cùng độc đáo. Chúng là bậc thầy về làm việc nhóm. Thành viên mới được tham gia nghi lễ chào đón và thành viên tích cực được đặt biệt danh để làm nổi bật thành tích của họ. 

Chúng còn chu cấp cho người thân của những thành viên "hy sinh khi làm nhiệm vụ". Nhờ vậy, người dân địa phương luôn đứng về phía Camorra và ra sức bảo vệ chúng khỏi những cuộc trấn áp của cảnh sát.

Bản thân Camorra cũng phải trả giá đắt. Thành viên cấp thấp thường phải sống vất vưởng, cuối cùng là chết, bị thương hoặc vào tù. Những ông trùm thì luôn phải lẩn trốn khỏi kẻ thù hoặc cảnh sát. 

Chẳng hạn như Di Lauro, dù kiếm được 250 triệu USD mỗi năm, nhưng hắn chẳng bao giờ được sống thoải mái, thay vào đó phải ẩn náu trong hầm thép và thường xuyên phải đổi nơi trú ngụ. 

Dù vậy, Camorra vẫn phát triển một phần vì lợi nhuận cao và mafia vốn dĩ không còn sự lựa chọn nào khác. 

Trường Vân
.
.
.