Khủng bố gia tăng "làm tổ" vùng sa mạc Sahara châu Phi
"Vùng xám khủng bố"
Trước đó, một số nhóm thánh chiến cực đoan có liên hệ tổ chức phiến quân Hồi giáo mang tên "Al-Qaeda trong vùng Maghreb của người Hồi giáo" (AQIM) cũng thực hiện hàng loạt vụ đánh bom nhằm vào các căn cứ quân đội địa phương và lực lượng quốc tế đóng quân tại miền bắc Mali. Cả Nhóm Hỗ trợ đạo Hồi và người Hồi giáo (GSIM) và AQIM đều đã nhận đứng sau những vụ tiến công lớn nhất tại vùng Sahel từ khi chúng chính thức hoạt động vào năm 2017.
Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Mali. |
Trước đó, giới chức Mali cho biết, khoảng 100 người đã thiệt mạng trong một vụ tấn công trong đêm nhằm vào ngôi làng của cộng đồng người Dogon. Trao đổi với báo giới, một quan chức địa phương cho biết, các tay súng Hồi giáo đã tấn công vào làng Sobane-Kou, nằm ở miền Trung Mali. Quan chức này xác nhận, 95 dân thường đã thiệt mạng và hiện giới chức tiếp tục tìm kiếm những người khác.
Nguồn tin an ninh tại hiện trường vụ thảm sát cho hay, ngôi làng này gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Hồi tháng 5, những tay súng mặc trang phục thợ săn Dongo đã tấn công một ngôi làng nhỏ ở miền trung Mali vào rạng sáng, giết chết ít nhất 115 người dân, các nhà chức trách địa phương cho biết. Trước đó, một nhánh al-Qaeda có trụ sở tại Mali, miền tây châu Phi tuyên bố đã thực hiện một vụ tấn công vào một căn cứ quân sự, khiến hơn 20 binh sĩ thiệt mạng.
Kể từ tháng 1 vừa qua, các cuộc xung đột giữa cộng đồng tại Mali có liên quan tới Hồi giáo cực đoan đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Hai tộc người này có mối hiềm khích dai dẳng và thường xuyên tấn công lẫn nhau. Mali là một quốc gia thuộc khu vực Sahel của châu Phi, vốn bất ổn do tình hình an ninh diễn biến phức tạp.
Vùng lãnh thổ trên có dân cư thưa thớt nằm ở phía Nam sa mạc Sahara. Các nước vùng Sahel lâm vào tình trạng bất ổn kể từ năm 2012 do tình hình chính trị hỗn loạn, bạo lực cực đoan gia tăng, đói nghèo lan rộng, thất nghiệp cao và người dân luôn thiếu thốn các dịch vụ cơ bản. Bên cạnh đó, năng lực quản lý của giới chức địa phương và an ninh còn chưa tốt, xung đột sắc tộc không được giải quyết tận gốc đã tạo cơ hội cho các nhóm phiến quân tăng cường hoạt động.
Giới chức Pháp cũng chỉ ra nhiều bằng chứng cho thấy một số nhóm đã liên kết với các "chân rết" của khủng bố Al-Qaeda và IS tại Sahel. Lực lượng an ninh LHQ trước đó cảnh báo nguy cơ các nhóm này gây bất ổn ở miền trung và bắc Mali, thiết lập căn cứ để khu vực này trở thành bàn đạp cho các cuộc tiến công trên toàn khu vực Sahel.
Mấy năm trở lại đây, mặc dù cuộc chiến chống khủng bố đã giành một số tín hiệu tích cực từ Trung Đông, thì tàn dư của chúng lại đang tìm cách gây dựng lại tổ chức tại các khu vực như Sahel, biến nơi đây thành "vùng xám" mới cho khủng bố ẩn náu và trỗi dậy. Bạo lực leo thang khiến Thủ tướng Mali Soumeylou Boubeye Maiga và toàn bộ chính phủ tuyên bố từ chức hôm 18-4 vừa qua. Chính phủ mới đã được thành lập hồi đầu tháng 5, với 37 thành viên dưới sự lãnh đạo của tân Thủ tướng Boubou Cisse.
Cùng nhau diệt khủng bố
Trong bối cảnh an ninh tại Sahel đang diễn biến phức tạp, là quốc gia có nhiều lợi ích gắn liền tại đây nên giới chức Pháp đã nỗ lực kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế đối với vấn đề chống khủng bố ở Sahel. Chuyến thăm của Bộ trưởng Florence Parly vừa qua là một phần trong nỗ lực đó. Paris cũng đang vận động triển khai lực lượng chung G5 Sahel (Burkina Faso, Mali, Mauritania, Niger và CH Chad), gồm 5.000 binh sĩ để chống khủng bố hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly vừa xác nhận thông tin quân đội nước này đã tiêu diệt Ali Maychou, thủ lĩnh GSIM tại Mali. Theo bà Parly, đối tượng này là phần tử khủng bố bị truy lùng gắt gao thứ hai tại vùng Sahel, sau thủ lĩnh đứng đầu của GSIM là Ag Ghaly. Nhóm khủng bố này đã chịu trách nhiệm về một số cuộc tiến công nhằm vào quân đội Mali và Pháp, cũng như lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Mali.
Ali Maychou, người Morocco, một trong những thủ lĩnh Hồi giáo cực đoan đã được LHQ đưa vào danh sách những đối tượng nguy hiểm có liên kết các nhóm khủng bố như Al-Qaeda, IS. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cho biết: "Maychou là thủ lĩnh tôn giáo, kẻ lãnh đạo các đầu mối tuyển dụng phiến quân và là chủ mưu của nhiều vụ tiến công kích động sự thù địch ở khu vực".
Song, thực trạng khó khăn về tài chính khiến nhiều ý kiến lo ngại hoạt động của các lực lượng này "giậm chân tại chỗ". Trong khi đó, giới chuyên gia an ninh khẳng định chỉ có giải quyết tận gốc rễ của khủng bố, cực đoan là nghèo đói, bất ổn chính trị, khác biệt tôn giáo… mới có thể giúp những "vùng xám" như Sahel trở thành "vùng xanh" trên bản đồ địa - chính trị quốc tế.