Khó triệt xóa thiên đường thuế

Thứ Năm, 11/10/2018, 17:20
Theo tuyên bố đưa ra tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) vừa họp ở Luxembourg, Thụy Sĩ này vẫn nằm trong "danh sách xám" các quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng tiêu chuẩn minh bạch thuế ở mức thấp.


Mặc dù Chính phủ Thụy Sĩ thông báo, nước này sẽ tiến hành trưng cầu ý dân về cải cách thuế sớm nhất vào ngày 19-5-2019, nhưng theo tuyên bố đưa ra tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) vừa họp ở Luxembourg, quốc gia Trung Âu này vẫn nằm trong "danh sách xám" các quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng tiêu chuẩn minh bạch thuế ở mức thấp. 

Và thậm chí Thụy Sĩ còn có thể bị liệt vào "danh sách đen" các thiên đường trốn thuế do EU đưa ra trong quý 1 năm 2019. Trước đó (1-10), phiên điều trần tại Nghị viện châu Âu về chủ đề "Thụy Sĩ và thuế" cũng cho thấy, vẫn còn nhiều nghi vấn trong lĩnh vực “thiên đường thuế” tại Thụy Sĩ. 

Bởi theo cựu lãnh đạo ngành ngân hàng Julius Bar (người từng trao cho WikiLeaks hàng nghìn tài liệu chứa bí mật của ngân hàng Thụy Sĩ Rodolf Elmer), và cựu chuyên gia ngân hàng người Đức Andreas Frank, Thụy Sĩ không hợp tác đúng đắn trong việc trao đổi thông tin, không bảo vệ đúng mức những người tố giác và vẫn có những điều luật lỏng lẻo về rửa tiền.

Nhiều thiên đường thuế bị phát hiện.

Theo giới truyền thông, hơn 10 tháng trước (5-12-2017), EU từng liệt 17 quốc gia và vùng lãnh thổ vào "danh sách đen" về thiên đường trốn thuế và hôm 2-10 vừa qua, các Bộ trưởng Tài chính EU đã nhất trí xóa tên đảo quốc Palau ở Thái Bình Dương khỏi danh sách thiên đường trốn thuế - chuyển từ “danh sách đen” sang "danh sách xám". 

Palau bị đưa vào “danh sách đen” hồi tháng 3 do những quy định đánh thuế của đảo quốc này không phù hợp các tiêu chuẩn của EU. Ngày 13-3, các Bộ trưởng Tài chính EU đã đưa Bahamas, quần đảo Virgin thuộc Mỹ và Liên bang Saint Kitts & Nevis vào “danh sách đen”. 

Nhưng gần 5 tháng trước (25-5), Bahamas và Liên bang Saint Kitts & Nevis được đưa ra khỏi “danh sách đen”. Và hiện vẫn còn 6 quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong “danh sách đen”, đó là Namibia, Samoa, Trinidad & Tobago và 3 vùng lãnh thổ của Mỹ là Samoa, Guam và quần đảo Virgin. 

Bộ trưởng Tài chính Bulgaria Vladislav Goranov từng tuyên bố, số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong “danh sách đen” ngày càng ít chứng tỏ những gì đã thực hiện là có hiệu quả. 

Theo giới truyền thông, ý tưởng lập một danh sách chung của EU về "thiên đường thuế" được khởi xướng từ tháng 4-2016, sau khi "Hồ sơ Panama" được tiết lộ. Khi đó, 5 nền kinh tế hàng đầu châu Âu là Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha đã kêu gọi trấn áp các "thiên đường thuế", đồng thời hối thúc các thành viên trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) chấm dứt hoạt động bí mật của số công ty "bình phong" vốn tiếp tay cho trốn thuế và rửa tiền. 

Cao ủy phụ trách các vấn đề kinh tế của châu Âu Pierre Moscovici từng tuyên bố, 28 quốc gia thành viên EU coi đó là công cụ chủ chốt trong cuộc chiến chống gian lận thuế. Nhưng nhiều quốc gia đã phản đối “danh sách đen” của EU. Bởi việc bị đưa vào danh sách này đồng nghĩa với uy tín của quốc gia đó bị ảnh hưởng, thậm chí có thể gây tổn hại tới “sự tín nhiệm và tính minh bạch” của họ.

Lộ diện nhiều thiên đường thuế lớn.

Giới chuyên môn từng quan tâm tới quyết định của Ủy ban châu Âu (EC) khi tiến hành điều tra đối với thỏa thuận giữa Tập đoàn năng lượng Engie của Pháp với Luxembourg, bởi việc này bị coi là trốn thuế. 

Trong quyết định đưa ra hơn 2 năm trước (19-9-2016), EC nêu rõ, họ nghi ngờ Luxembourg đã dành cho Tập đoàn GDF Suez (hiện là Engie) nhiều ưu đãi thuế hơn so với các doanh nghiệp khác, và việc này vi phạm các quy định của EU về sự trợ giúp nhà nước. Và cuộc điều tra kể trên nhằm vào các thỏa thuận ưu đãi thuế được ký từ tháng 9-2008 giữa Luxembourg với GDF Suez. 

Động thái này diễn ra trước khi Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố dữ liệu gồm 1,3 triệu tập tin liên quan tới gần 176.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại quốc gia vùng Caribbean Bahamas. Và nhiều chính trị gia và doanh nhân bị “lộ sáng” sau khi “Hồ sơ Bahamas” được công bố hôm 21-9-2016. 

Mặc dù dư luận không hào hứng đối với “Hồ sơ Bahamas” như “Hồ sơ Panama”, nhưng việc có thêm 1 thiên đường thuế bị “lộ sáng” cũng khiến mọi người quan tâm. Bởi những thông tin trong “Hồ sơ Bahamas” giúp các chính phủ hữu quan có cơ sở để hoạch định công việc của họ. 

Khi đó nhiều chuyên gia cho rằng, so với Thụy Sĩ, Bahamas là một trong những thiên đường thuế lý tưởng. Bởi tuy đã ký thỏa thuận chia sẻ thông tin với 32 quốc gia như Anh, Đức, Pháp, Mỹ... nhưng Bahamas không thực hiện việc này từ năm 2013. 

Và khi “Hồ sơ Bahamas” bị tiết lộ, Bộ Dịch vụ Tài chính Bahamas lại cam kết “sẽ minh bạch mọi thông tin”. Theo giới chuyên môn, một trong những nguyên nhân khó triệt xóa thiên đường thuế bởi lợi ích mang lại từ “dịch vụ” này lớn hơn nhiều so với những chỉ trích, thậm chí án phạt mà quốc gia nằm trong “danh sách đen” phải nhận từ các tổ chức quốc tế.

Nhiệm Bình
.
.
.