Khó quốc tế hóa vụ nhà báo Jamal Khashoggi

Thứ Tư, 21/11/2018, 16:57
Tuy cho biết, 5 quan chức phải đối mặt với án tử hình do liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi trong Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước, nhưng Trưởng Công tố Saudi Arabia Sheikh Saud al-Mojeb đã tái khẳng định, Thái tử Mohammed bin Salman không liên quan đến việc này.


Vẫn theo Trưởng Công tố Saudi Arabia Sheikh Saud al-Mojeb, ông Jamal Khashoggi đã chết sau khi bị 5 hung thủ đánh thuốc mê và sát hại dã man. Và cựu Phó Giám đốc tình báo Ahmad al-Assiri là người ra lệnh đưa ông Jamal Khashoggi về nước, còn người ra lệnh sát hại là “người đứng đầu nhóm thương lượng”. 

Ông Sheikh Saud al-Mojeb cho biết, cựu Cố vấn của Tòa án Hoàng gia Saud al-Qahtani lẽ ra gặp “nhóm thương lượng” kể trên, nhưng nhân vật này đã bị cấm đi lại vì đang bị điều tra. Ông Sheikh Saud al-Mojeb còn thông báo, việc này đã được chuyển lên tòa án, trong khi nhà chức trách vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc. 

Hơn 1 tháng trước (20-10), ông Ahmad al-Assiri và ông Saud al-Qahtani, 2 trợ lý cấp cao của Thái tử Mohammed bin Salman, đã bị sa thải sau khi Saudi Arabia thừa nhận ông Jamal Khashoggi đã bị sát hại hôm 2-10.

Đây là lần đầu tiên chính quyền Saudi Arabia thừa nhận về cách nhà báo Jamal Khashoggi bị giết - các phần thi thể của nạn nhân được trao cho một đặc vụ bên ngoài Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul và người ta vẫn đang xác định vị trí của bằng chứng này. 

Được biết, Saudi Arabia đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận hợp tác về cuộc điều tra vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi và Riyadh đang chờ phản hồi từ Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, tuyên bố của Saudi Arabia về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi "chưa đủ vì vụ này được lên kế hoạch trước". 

Theo trang News.com.au, phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Riyadh hôm 15-11, ông Sheikh Saud al-Mojeb cho biết, các nghi phạm đã lên kế hoạch hôm 29-9, chỉ 3 ngày trước khi ông Jamal Khashoggi bị sát hại. Đồng thời thông báo, quan chức cấp cao nhất đứng sau vụ án này là cựu Phó Giám đốc tình báo Ahmad al-Assiri.

Còn theo công tố viên Shaalan al-Shaalan, ông Jamal Khashoggi bị giết hôm 2-10, sau đó thi thể bị cắt và vận chuyển ra khỏi Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul. Dự kiến Saudi Arabia sẽ kết thúc cuộc điều tra riêng của họ trước ngày 20-11. 

Giới chuyên môn và truyền thông cho rằng, Riyadh đã đưa ra những giải thích mâu thuẫn về sự mất tích của ông Jamal Khashoggi trước khi thừa nhận nhà báo này đã bị giết. Tính đến nay có 21 người, trong đó 11 nghi can đang bị giam giữ do liên quan đến vụ sát hại ông Jamal Khashoggi. Ngoài 11 nghi can bị truy tố, những người còn lại đang bị điều tra.

Nhà báo Jamal Khashoggi.

Trong thông báo chính thức được hãng thông tấn nhà nước Saudi Arabia SPA đăng tải hôm 15-11, Văn phòng Công tố Saudi Arabia cho biết, đã đề nghị mức án tử hình đối với 5 quan chức với cáo buộc ra lệnh và phạm tội ác, đồng thời đề nghị những án phạt thích đáng đối với những người khác. 

Theo thông báo của Văn phòng công tố Saudi Arabia, cựu Phó Giám đốc tình báo Ahmed al-Assiri đã ra lệnh cho 15 người buộc ông Jamal Khashoggi phải quay lại Arab.Và họ được chia thành 3 nhóm - đàm phán, tình báo, hậu cần và người đứng đầu nhóm đàm phán đã ra lệnh giết nhà báo. 

Cùng ngày 15-11, Bộ Ngoại giao Pháp đã hoan nghênh việc Saudi Arabia truy tố 1 số quan chức tình nghi liên quan, coi đây là bước đi đúng hướng và nhắc lại kêu gọi của Tổng thống Emmanuel Macron về cuộc điều tra làm sáng tỏ hoàn toàn về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi. 

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết, Washington chưa sẵn sàng đưa ra kết luận về những gì xảy ra tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul. Trước đó (13-11), Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã tuyên bố, đoạn băng về vụ sát hại ông Jamal Khashoggi cho thấy, Thái tử Mohammed bin Salman không liên quan!

Tuyên bố của Trưởng Công tố Sheikh Saud al-Mojeb được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về cái chết của ông Jamal Khashoggi. 

Ông Mevlut Cavusoglu cho rằng, một cuộc điều tra quốc tế về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi là cần thiết, đồng thời nhắc lại sự kiên quyết của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc xử lý vụ án này. Tuy nhiên ông cũng tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ muốn tăng cường quan hệ với Saudi Arabia trong tất cả các lĩnh vực. 

Nhiều quan chức của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Ankara đang cân nhắc yêu cầu Ủy ban Nhân quyền của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) điều tra cũng như một cuộc điều tra độc lập dưới sự dẫn dắt của Tổng thư ký Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir đã bác bỏ đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc điều tra quốc tế. Giới chuyên môn nhận định, bất kỳ cuộc điều tra quốc tế nào cũng sẽ làm phức tạp mối quan hệ giữa Riyadh với các đồng minh. 

Nhiệm Bình
.
.
.